“Mổ xẻ” lá chắn tên lửa THAAD Mỹ điều tới Guam

Google News

(Kiến Thức) - Mỹ đã điều động hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo THAAD đến đảo Guam để đối phó với tên lửa Triều Tiên.

THAAD là viết tắt của cụm từ Terminal High Altitude Area Defense (hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối). Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

THAAD được thiết kế và phát triển bởi Tập đoàn quốc phòng khổng lồ Lockheed Martin. Chương trình THAAD được khởi xướng vào năm 1987, sau khi Mỹ nhận ra rằng hệ thống tên lửa Patriot không đủ khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật tinh vi. Sau một thời gian dài thử nghiệm, năm 2008 hệ thống THAAD chính thức đi vào phục vụ trong Quân đội Mỹ.
Xe phóng hệ thống THAAD với 8 ống phóng tên lửa.

Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm: 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC (“Trái tim” của mỗi trung tâm là hệ thống xử lý dữ liệu Hewlett-Packard HP-735).

Trong đó, AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000km.

Khi chiến đấu, "mắt thần" AN/TPY-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu (các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung). Nó cũng có thể tiếp nhận thông số về mục tiêu từ các hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo khác. Sau đó, hệ thống dữ liệu chiến đấu sẽ tính toán các thông số về mục tiêu và kích hoạt tên lửa đánh chặn.

THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” (truy đuổi - tiêu diệt) tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Đạn tên lửa có chiều dài 6,17m sử dụng động cơ nhiên liệu rắn điều khiển bằng lực đẩy vector. Tên lửa có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200km, tầm cao 25km.
Đạn tên lửa hệ thống THAAD bay theo đường xoắn ốc ngay sau khi rời bệ phóng để thu động năng cho vụ va chạm mục tiêu.

Giai đoạn tiếp cận tên lửa địch, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại để truy theo mục tiêu. Tên lửa tiêu diệt mục tiêu bằng động năng từ vụ va chạm tốc độ cao, không sử dụng đầu đạn chứa thuốc nổ như tên lửa thông thường.

Điểm độc đáo của tên lửa là sau khi phóng ra khỏi ống phóng nó sẽ thực hiện một màn xoắn ốc trước khi lao đến mục tiêu. Có thông tin cho rằng, tên lửa bay xoắn ốc là để tìm kiếm mục tiêu, nhưng thực tế thì quá trình xoắn ốc để thu động năng cho vụ va chạm với mục tiêu ở tốc độ cao.

THAAD đã trải qua rất nhiều lần thử nghiệm, thành công cũng nhiều nhưng cũng không ít thất bại. Tuy vậy , đây vẫn là một trong những hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung tối tân nhất thế giới hiện nay.

Hệ thống đã chứng minh khả năng tương thích dữ liệu mục tiêu cùng với hệ thống đánh chặn Aegis và Patriot PAC-3. THAAD cùng với Aegis, Patriot PAC-3 tạo nên hệ thống đánh chặn 3 tầng.

Trong đó, hệ thống Aegis chống mục tiêu ở tầm cao, THAAD ở tầm trung và PAC-3 ở tầm ngắn. Chúng thiết lập nên “cái ô che chắn” cho Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của đối phương.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Phan Nguyễn

Bình luận(0)