Mục đích Mỹ phát triển máy bay ném bom chiến lược tầm xa
- Nâng cao năng lực tác chiến tầm xa và bảo vệ an ninh quốc gia
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới của Không quân Mỹ có khả năng tàng hình cao, trang bị hệ thống thông tin hiện đại, năng lực tác chiến linh hoạt, mang được nhiều loại vũ khí, năng lực sát thương lớn.
Các chuyên gia đánh giá, máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới của Không quân Mỹ thậm chí có năng lực tàng hình mạnh gấp 5 lần so với các máy bay hiện tại. Trong thời bình, dựa vào các máy bay này Mỹ sẽ duy trì ưu thế tuyệt đối về năng lực uy hiếp, trong khi đó tại thời chiến sẽ bảo đảm khả năng tấn công và đột kích nhiều loại mục tiêu trong chiều sâu lãnh thổ của đối phương. Nếu như có chiến tranh xảy ra, tại giai đoạn đầu của cuộc chiến, Mỹ còn có thể sử dụng lực lượng này để thực hiện đòn tấn công chớp nhoáng tầm xa.
|
B-52 là máy bay ném bom hạng nặng siêu âm chiến lược được sử dụng lâu nhất trong không quân Mỹ đang bay huấn luyện. Ảnh: Wikipedia.org
|
- Gây ra nhiều thách thức lớn đối với Trung Quốc
Có thể nói, các tính năng kỹ chiến thuật trang bị trên máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới của Không quân Mỹ đều là nhằm vào Trung Quốc. Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức trong việc duy trì cân bằng chiến lược, năng lực phản kích và bản đảm uy hiếp chiến lược của mình. Đồng thời, việc Mỹ tạo áp lực tấn công bằng máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới sẽ khiến Trung Quốc phải đầu tư nhiều hơn vào hệ thống phòng không qua đó khiến giá thành Trung Quốc phải bỏ ra cho phòng ngự phải nhiều hơn những gì mà Mỹ đầu tư cho hệ thống tấn công.
Đặc điểm chủ yếu của máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Không quân Mỹ
Các nhà phân tích cho rằng, máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới của Mỹ sẽ có 5 đặc điểm chủ yếu như sau:
- Có năng lực tác chiến độc lập và được mạng hóa trình độ cao
Không quân Mỹ đặt ra yêu cầu cao đối với máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới, theo đó yêu cầu phải có năng lực mạng hóa trình độ cao và khả năng tác chiến độc lập mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới sẽ có thể hiệp đồng tác chiến linh hoạt với máy bay chiến đấu không người lái (có thể là RQ-180 hoặc biến thể tương đương đang được Công ty Northrop Grumman phát triển) và các trang bị tấn công điện tử trên không khác (có thể bao gồm nhiều loại máy bay không người lái loại nhỏ khác). Những thiết bị này sẽ là hạt nhân chính hình thành năng lực tác chiến tầm xa của Không quân Mỹ trong tương lai, dùng để chuyên thực hiện nhiệm vụ đột phá tuyến phòng không của đối phương hoặc chế áp hệ thống phòng không của đối phương ở giai đoạn đầu của cuộc chiến. Từ đó giúp Không quân Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan đến năng lực tấn công và bảo đảm hậu cần tầm xa như đã đề cập ở phần trước của tài liệu.
|
B-1B Lancer là máy bay ném bom chiến lược tầm xa có thể mang tới 84 quả bom truyền thống Mark 82 hoặc 24 quả bom thông minh, tên lửa tấn công hạt nhân tầm gần AGM-69A. Ảnh: Airforce Technology |
- Khả năng sinh tồn cao, có thể đột phá tuyến phòng không của đối phương dễ dàng
Căn cứ vào một số thông tin đã được Không quân Mỹ tiết lộ hồi tháng 9/2015, máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới được trang bị hệ thống đối kháng và trinh sát điện tử thế hệ mới nên có thể chế áp hoàn toàn hệ thống phòng không của đối phương.
Ngoài ra, căn cứ vào lộ trình phát triển kỹ thuật vũ khí laze của Không quân Mỹ có thể thấy, nhiều khả năng loại máy bay mới này còn được trang bị vũ khí laze tự vệ trước tên lửa của đối phương qua đó nâng cao năng lực sinh tồn trên không.
Hiện nay, vũ khí laze do Không quân Mỹ nghiên cứu chế tạo hiện đã có công suất lên tới 10.000W. Dự kiến năm 2022 sẽ được lắp đặt thử nghiệm trên máy bay chiến đấu F-15 và khi đó công suất của súng laze đã có thể lớn hơn mức 10.000W hiện tại.
- Bán kính tác chiến lớn, đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ được giao
Không quân Mỹ cho rằng, chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) sẽ không cho phép các máy bay tiếp dầu của Mỹ hoạt động trong phạm vi 930km tính từ khu vực phòng thủ của đối phương. Trong khi đó, đa số mục tiêu trên toàn cầu được Mỹ xác định đề nằm trong phạm vi từ 2.800 – 3.700km. Nếu như bán kính tác chiến của máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới đạt từ 3.900 – 4.600km thì mới có thể đáp ứng được tư duy tác chiến trên phạm vi toàn cầu của Không quân Mỹ đồng thời phải đạt được con số bán kính tác chiến trên thì mới đủ khả năng thâm nhập và tiêu diệt được các mục tiêu bên trong lãnh thổ của đối phương.
Do đó, nếu như xảy ra cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ thì trước khi tấn công vào bên trong lãnh thổ của Trung Quốc, Không quân Mỹ sẽ tiến hành tiếp dầu trên không cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới ở phạm vi ngoài 930km tính từ khu vực phòng thủ trên bộ của Trung Quốc. Đồng thời qua đó bảo đảm cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới đủ sức tác chiến trong phạm vi bán kính từ 3.900 – 4.600km và như vậy Không quân Mỹ hoàn toàn có thể duy trì năng lực ném bom toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc trong thời gian 1 giờ đồng hồ.
- Mang được nhiều loại vũ khí, năng lực tấn công linh hoạt
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới của Không quân có thể mang được một số loại vũ khí hiện đại tương lai mà Quân đội Mỹ đang phát triển. Theo kế hoạch, máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới sẽ thực hiện nhiệm vụ chính thức từ năm 2027, các loại vũ khí có thể mang theo bao gồm: bom hạt nhân B61-12, tên lửa hành trình AGM-158A, AGM-154, bom xuyên phá GBU-28, bom JDAM và bom đường kính nhỏ GBU-39.
|
B-2 Spirit là mẫu máy bay ném bom tàng hình chiến lược tầm xa có khả năng "xuyên thủng" các hệ thống phòng không tiên tiến nhất hiện nay. B-2 Spirit có khả năng mang 18 tấn vũ khí bao gồm cả vũ khí truyền thống và hạt nhân. Ảnh: Airforce Technology |
- Vừa có khả năng cận chiến vừa có khả năng tấn công bên ngoài khu vực phòng thủ của đối phương
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới của Không quân Mỹ sẽ có cả năng lực tấn công cận chiến khu vực phòng không và tấn công bên ngoài khu vực phòng ngự của đối phương. Tuy nhiên, các phân tích chỉ ra rằng, việc vận dụng khả năng tấn công cận chiến khu vực phòng không sẽ được sử dụng nhiều hơn.
Theo những tính toán ban đầu, nếu như máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới mang 1 tấn bom JDAM để thực hiện nhiệm vụ tấn công cận chiến thì trong một ngày một máy bay loại này có thể tiêu diệt ít nhất 450 mục tiêu điểm chuẩn khác nhau.
Theo tính toán của Không quân Mỹ, 3 đối thủ chủ yếu hiện nay của Mỹ là Nga, Iran và Triều Tiên hiện có lần lượt khoảng 250.000 mục tiêu, gần 82.000 mục tiêu và gần 74.000 mục tiêu mà Mỹ cần phải tiêu diệt, Như vậy, việc sử dụng máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới hiện nay đối với Mỹ là vô cùng quan trọng đồng thời qua đó chúng ta cũng có thể dự báo được số lượng máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới mà Không quân Mỹ cần phải có trong biên chế thời gian tới.