Máy bay cường kích Su-25 Nga và A-10 Mỹ: Ai hơn ai?

Google News

Máy bay cường kích Su-25 được đánh giá là vượt trội hơn A-10 ở cơ động, tốc độ, trong khi hỏa lực có phần "nhẹ" hơn A-10.

May bay cuong kich Su-25 Nga va A-10 My: Ai hon ai?
Máy bay cường kích Su-25 của Không quân Nga 
Chuyên gia quân sự, phi công khu trục (người lái máy bay tiêm kích), anh hùng của nước Nga, Magomed Tolboev so sánh khả năng của cường kích cơ Su-25 của Nga và A-10 Thunderbolt của Mỹ.
Magomed Tolboev - một trong số ít các phi công Nga, có đủ khả năng để so sánh hai loại cường kích cơ này bởi ông đã từng ngồi sau vô lăng của cả hai loại máy bay này.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh truyền hình "Star", chuyên gia Magomed Tolboev cho rằng Su-25 và A-10 là các cường kích cơ tấn công của quân đội Nga và Mỹ, được sử dụng để yểm trợ cận chiến trên không, các lực lượng mặt đất và tấn công các mục tiêu trên bộ, được thiết kế để để tiêu diệt kẻ thù trực tiếp trên chiến trường.
"Su-25 có khả năng cơ động hơn so với A-10, nó không bị những hạn chế như A-10. Ví dụ, Su-25 hoàn toàn có thể thực hiện thuật lái nhào lộn phức tạp trên không, trong khi A-10 không thể, A-10 bị hạn chế ở các góc bay chao liệng, không thể bay sâu vào các hẻm núi, trong khi các khả năng này Su-25 thực hiện được”, chuyên gia Tolboev phân tích.
Theo đánh giá của chuyên gia Tolboev, điểm khác nhau cơ bản của 2 cường kích cơ này là ở động cơ. "Động cơ của A-10 mạnh hơn Su-25, tuy nhiên nó cũng rất dễ bị tổn thương, bởi vì nó được trang bị ở phía trên đuôi và nhìn rất lộ, trong khi động cơ của Su-25 được thiết kế nằm dưới bụng rất kín và được bao phủ dưới tấm titan.
May bay cuong kich Su-25 Nga va A-10 My: Ai hon ai?-Hinh-2
 Máy bay cường kích A-10 Thunderbolt của Không quân Mỹ
“Nếu một trong các động cơ của Su-25 bị tên lửa của đối phương đánh trúng thì động cơ thứ 2 của nó vẫn làm việc bình thường", chuyên gia Tolboev giải thích thêm.
Cũng theo ông Tolboev, động cơ của Su-25 là loại động cơ “ăn tạp”, trong khi A-10 chỉ bay được bằng loại dầu lửa máy bay. Chuyên gia này cũng cho rằng Su-25 vượt trội hơn hẳn A-10 và có khả năng “sống sót” cao hơn trên chiến trường.
Chuyên gia Tolboev kể về tình huống ông gặp phải tại Afghanistan, khi đó các tên lửa bắn trúng động cơ bên phải của Su-25, khiến động cơ bị phá hủy hoàn toàn, trong khi động cơ bên trái hầu như không bị ảnh hưởng và ông đã bay đến đích bằng một động cơ.
Ngoại hình cũng là điểm yếu của A-10, từ đầu cabin đến đuôi là khoảng cách dài và cồng kềnh, do vậy, các tên lửa cao xạ Shilka dễ dàng bắn hạ được nó.
Ngoài ra, do khả năng cơ động của A-10 Thunderbolt kém hơn nhiều so với Su-25, do đó, chúng gặp khó khăn trong xoay sở và né tránh khi chiến đấu. Bởi vậy, chúng rất dễ bị bắn hạ.
Hệ thống vũ khí chính của A-10 gồm: một pháo GAU-8 Avenger cỡ nòng 30mm và có thể mang theo hơn 7 tấn vũ khí với nhiều loại bom và tên lửa khác nhau nhờ 11 giá treo vũ khí bên dưới thân. A-10 đạt tốc độ tối đa khoảng 700km/h.
Su-25 cũng được trang bị vũ khí mạnh: với 1 khẩu pháo cỡ nòng 30mm Gryazev-Shipunov GSh-30-2 và vũ khí tấn công mặt đất, nó có thể mang 5 tấn vũ khí. Su-25 có thể đạt tốc độ 975km/h với tầm hoạt động lên tới 750km cùng 11 giá treo vũ khí.
"Su-25 rất nhanh nhẹn và linh hoạt, do vậy, rất khó để vô hiệu hóa được chúng", chuyên gia Tolboev nhấn mạnh.
Chuyên gia Tolboev kết luận với khả năng cơ động và tốc độ cao hơn, Su-25 sẽ chiếm ưu thế trước A-10, và trong 2 máy bay cường kích này, ông chọn Su-25 vì nó đáng tin cậy, dễ bảo trì và yểm trợ hiệu quả cho các đơn vị khác trên chiến trường.
Theo Infonet

Bình luận(0)