Hồi tháng 2/2014, tại nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi ở St Peterburg đã diễn ra lễ khởi công long trọng đóng tàu ngầm động cơ diesel-điện mang tên Krasnodar thuộc Project 636 Varshavyanka (NATO định danh là Kilo).
Nhiều người tự hỏi, có gì mà hưng phấn vậy đối với lễ khởi công long trọng, khi mà đây không phải là tàu ngầm hạt nhân, mà chỉ là “tàu ngầm điện - diesel đơn giản”. Liệu đây có phải là minh chứng về sự lạc hậu của ngành đóng tàu Nga? Hoàn toàn không!
|
Hạ thủy tàu ngầm Kilo 636 đóng cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.
|
Theo Tư lệnh Hải quân Nga Victor Chirkov, lô tàu ngầm 6 chiếc thuộc Project 636 đang đóng hiện nay “sẽ tăng cường tiềm lực và khả năng cho liên binh đoàn chiến thuật thường trực của Hải quân Nga ở Địa Trung hải hoàn thành các nhiệm vụ”. Việc đóng xong toàn bộ lô tàu ngầm này phải được hoàn tất trước năm 2016, và toàn bộ 6 tàu ngầm của dự án này sẽ được biên chế cho Hạm đội Biển Đen.
Proejct 636 - đó là sự phát triển của Nga từ Project 877 Paltus (Cá thờn bơn) rất thành công thời Liên Xô. Theo định danh của NATO, tàu ngầm của cả hai dự án có tên là Kilo. Các con tàu của Project 877 còn được gọi là Varshavyanka, bởi vì thoạt đầu chúng được dùng để trang bị cho hải quân của các nước thành viên Hiệp ước Warszawa (Vacsava). Ở phương Tây, người ta gọi tàu ngầm này là “hố đen” trong đại dương, bởi vì nó thật sự hầu như không bị các máy dò thủy âm chống tàu ngầm thậm chí rất nhạy của các lực lượng NATO phát hiện.
Rất tiếc, tàu ngầm Varshavyanka đã không được biên chế hàng loạt cho hải quân các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Đơn giản là khi bắt đầu sản xuất hàng loạt các tàu ngầm này thì ở Liên Xô đang rộ lên phong trào “cải tổ”, còn cộng đồng các nước XHCN đã rạn nứt. Một số không nhiều các tàu ngầm này đã được biên chế cho Hải quân Liên Xô, sau đó là Nga. Nhưng điều này không hề làm giảm ý nghĩa của dự án.
|
Tàu ngầm HQ-183 TP HCM của Việt Nam thử nghiệm trên biển.
|
Các tàu ngầm Project 877 và 636 được thiết kế tại Phòng thiết kế Trung tâm trang bị kỹ thuật hải quân Rubin (Đá đỏ) ở St Peterburg dưới sự lãnh đạo của tổng công trình sư Yu. N. Kormilitsyn . Nó được bắt đầu đóng từ năm 1979 ở Viễn Đông, ở thành phố Gorkiy (nay là Nizhniy Gorod) và Leningrad (nay là St Peterburg). Sau khi Liên Xô tan rã, nhờ những nỗ lực của Rosvoozheniye (Vũ khí Nga) khi đó, sau này là Rosoboroneksport (Xuất khẩu quốc phòng Nga), tàu ngầm lớp Kilo đã được bán cho Algeria, Việt Nam, Ấn Độ, Iran và Trung Quốc. Hiện nay vẫn có nhiều đặt hàng mua loại tàu ngầm này.
Tất nhiên, không thể so sánh tàu ngầm điện - diesel với những chủ nhân thực sự của đại dương sâu thẳm - các tàu ngầm nguyên tử đa năng “cá mập” và các tàu ngầm tuần dương chiến lược. Song chúng vẫn có những ưu thế của mình.
Tàu ngầm động cơ diesel – điện rẻ hơn rất nhiều khi sản xuất cũng như khai thác sử dụng. Chúng ít gây ồn hơn lúc lặn khi dùng ắc quy. Còn về hỏa lực, nếu không tính đến
vũ khí tên lửa hạt nhân chiến lược, thì chúng không thua kém các tàu ngầm hạt nhân đa năng thợ săn bao nhiêu. Vũ khí
ngư lôi của chúng thực sự là như nhau, và ngày nay tàu ngầm điện - diesel còn được trang bị tên lửa hành trình. Vì vậy, tại các khu vực thuộc vùng biên giới hoặc đặc quyền kinh tế thì những con tàu này này là những lính gác biển sâu tốt nhất.
|
Tàu ngầm Kilo có 6 ống phóng ngư lôi 533mm có thể bắn cả ngư lôi và tên lửa.
|
Giữ lại toàn bộ ưu điểm của Project 877, Project 636 có công suất các máy diesel phát điện mạnh hơn, tốc độ khi lặn hoàn toàn lớn hơn, hải trình dùng chế độ động cơ diesel khi lặn lớn hơn, có mức độ ồn thấp hơn nhiều, thực chất là những tàu ngầm ít ồn nhất trên thế giới.
Tàu ngầm Project 636 có các tính năng sau: tốc độ khi lặn 20 dặm biển/giờ, độ sâu lặn tối đa 300 mét, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm.
Project 636 còn được trang bị các phương tiện hiện đại nhất để giảm mức ồn của tàu đến mức độ ồn của biển. Vì vậy mà chúng được gọi là “hố đen”, chính vì những con tàu này không để lộ mình cả qua phát ra tiếng động, cả vì phát sóng vô tuyến điện từ. Điều này đảm bảo cho tàu ngầm điện - diesel chắc chắn phát hiện ra địch trước và khả năng tấn công bằng tên lửa chống tàu từ cự ly lớn hơn cự ly đối phương phát hiện ra nó, cũng như khả năng kịp thời thoát khỏi cuộc tấn công của đối phương. Tàu ngầm loại này có trang thiết bị, vũ khí hiện đại hơn, gồm cả tên lửa phòng không và có cánh.
Còn có thể nêu ra nhiều tính năng khác đã được công bố công khai của tàu ngầm lớp này. Tàu ngầm lớp Kilo được trang bị các hệ thống thông tin - điều khiển chiến đấu đa năng sử dụng các máy tính điện tử tốc độ cao. Trên tàu ngầm có 6 máy phóng lôi 533 mm, cơ số ngư lôi 18 quả, thời gian nạp ngư lôi mới chỉ là 18 giây. Ngư lôi có thể được thay bằng 24 thủy lôi. Vũ khí phòng không của tàu ngầm có các tổ hợp
tên lửa phòng không Strela-3 hoặc Igla.
|
Chân vịt tàu ngầm Kilo 636.
|
Một biên đội thậm chí chỉ gồm 6 tàu ngầm loại này cũng có thể trở thành một lực lượng ghê gớm và đảm bảo lợi ích của Nga cả ở Biển Đen, cả ở Địa Trung hải. Hoặc là, theo lời đô đốc Victor Chirkov, “một trong những nhiệm vụ do các tàu ngầm không nguyên tử thực hiện là bảo vệ các tuyến đường biển”.
Với những tính năng tuyệt vời đó, các chuyên gia đóng tàu Nga nhận định là còn quá sớm để loại bỏ tàu ngầm động cơ diesel-điện. Hoàn toàn có thể xảy ra là sắp tới những tàu ngầm này sẽ có được “sức sống mới” và sẽ tạo nên sự cạnh tranh nghiêm túc với các tàu ngầm nguyên tử.