Tạp chí Jane's Defence Weekly đưa tin, công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng nhà nước Hindustan Aeronautics Limited (HAL) Ấn Độ lần đầu tiên đại tu thành công tiêm kích Su-30MKI và bàn giao cho Không quân Ấn Độ (IAF) vào hôm 9/1.
Quá trình đại tu Su-30MKI được thực hiện tại một nhà máy của HAL tại thành phố Nashik, miền Tây Ấn Độ. Đây cũng là nơi HAL được phía Nga chuyển giao giấy phép bảo dưỡng các động cơ máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ từ năm 2000. Được biết sau khi được đại tu lại một chiếc Su-30MKI có thể hoạt động thêm tối đa 14 năm hoặc 1.500 giờ bay.
|
Tiêm kích đa năng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.
|
Một nguồn tin của HAL tiết lộ với Jane’s cho biết, chi phí đại tu mỗi lần của một chiếc Su-30MKI là khoảng 18,3 triệu USD, với hơn 600 sửa đổi và khoảng 2.500 quy trình bắt buộc dành riêng cho loại máy bay tiêm kích này.
Ước tính các cơ sở sửa chữa máy bay quân sự của HAL có thể sửa chữa lớn khoảng 15 chiếc Su-30MKI/năm và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Mỗi chiếc Su-30MKI phải trải qua ít nhất 3 lần đại tu trong khoảng thời gian hoạt động 25 năm hoặc 6.000 giờ bay.
HAL có thể tự hào là công ty đầu tiên trên thế giới đại tu thành công Su-30, thay vì phải gửi sang Nga như trước đây. Sau đại tu sửa chữa lớn, "tiêm kích đa năng Su-30MKI có thể bay thêm 1.500 giờ hoặc hoạt động tiếp trong 10 năm, ông S Subrahmanyam", – Giám đốc quản lý khu phức hợp hàng không Nashik của HAL trả lời phỏng vấn tờ Times of India.
Tuy nhiên, để có ngày hôm nay HAL đã phải mất hơn 10 năm để phát triển cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng được các yêu cầu bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu những chiếc Su-30MKI với qui mô lớn.
Một quan chức quân sự cấp cao cho biết, có khá nhiều bí mật ở HAL khi mà IAF và Bộ quốc phòng Ấn Độ âm thầm chi 3 tỷ USD để phía Nga đồng ý cấp giấy phép sản xuất 140 chiếc Su-30MKI tại khu phức hợp hàng không Nashik.
|
Việc đại tu thành công Su-30MKI trong nước giúp Ấn Độ đẩy nhanh tốc độ sửa chữa các máy bay sau thời gian dài hoạt động, bắt đầu xuất hiện hỏng hóc.
|
Và cũng có thể trong tương lai Ấn Độ sẽ cho phép đại tu các biến thể Su-30 khác do Nga sản xuất tại các cơ sở sửa chữa máy bay của nước này, khi mà hầu hết các quốc gia có mối quan hệ đối tác khá tốt với Ấn Độ như Algeria, Malaysia, Uganda, Venezuela và Việt Nam đều sở hữu mẫu tiêm kích đa năng này.
Không quân Ấn Độ lần đầu tiên đưa vào trang bị mẫu tiêm kích đa năng Su-30 với biến thể Su-30K là vào cuối những năm 1990, với trị giá lên tới 1,46 tỷ USD vào thời điểm đó từ Nga. Với sự thành công của Su-30 trong lực lượng Không quân Ấn Độ, Bộ quốc phòng nước này tiếp tục mua thêm biến thể hiện đại hơn của mẫu tiêm kích đa năng này là Su-30MKI.
Dựa trên kế hoạch của IAF cho đến năm 2020, Ấn Độ sẽ sở hữu khoảng 272 chiếc Su-30MKI và đây sẽ là mẫu máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Ấn Độ trong tương lai.
Đánh giá của Jane’s
Với việc chỉ có thể duy trì khoảng 34 phi đội máy bay chiến đấu hiện tại, Không quân Ấn Độ đang bị đánh giá là thiếu sức mạnh răn đe trên không thật sự. Trong khi đó thương vụ mua 126 chiếc tiêm kích Rafale từ Dassault Aviation vẫn đang bế tắc, mặt khác những mẫu tiêm kích thế hệ cũ như MiG-21 đã không còn khả năng hoạt động khiến IAF không còn quá nhiều sự lựa chọn. Chính điều này sẽ khiến tiêm kích đa năng Su-30MKI trong Không quân Ấn Độ tăng lên đáng kể trong thời gian sắp tới.
|
Su-30MKI đóng vai trò "xương sống" lực lượng không quân chiến đấu Ấn Độ.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar gần đây cho biết, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ mua thêm giấy phép sản xuất Su-30MKI từ Nga nhằm bù đắp sự thiếu hụt máy bay chiến cho các phi đội của IAF.
Tuy nhiên, Su-30MKI lại chiếm đến khoảng 50% tổng số máy chiến đấu của Không quân Ấn Độ và điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn lên HAL, để có thể đảm bảo cho số máy bay này hoạt động như mong muốn.
Mặt khác việc HAL có thể tiến hành đại tu Su-30MKI trong nước cũng giúp một phần nào đó cho Không quân Ấn Độ, khi mà thời gian gửi các máy bay Su-30 đến Nga để đại tu lại quá lâu cũng như chi phí tốn kém hơn gấp nhiều lần.