Công ty quốc phòng Rafael (Israel) và Tập đoàn Raytheon (Mỹ) đang tìm kiếm một sự chấp thuận từ Lầu Năm Góc để tích hợp tên lửa Stunner vào hệ thống phòng không – phòng thủ tên lửa Patriot thế hệ 4.
Hệ thống mới sẽ có tên là Hệ thống Patriot tính năng tiên tiến và giá cả phải chăng (PAAC-4). Đây dự kiến sẽ là sự kết hợp của tên lửa Stunner dùng cho hệ thống David's Sling với hệ thống radar, bệ phóng được nâng cấp mạnh từ Patriot PAC-3.
Cả 2 tập đoàn dưới sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng Israel đang thực hiện vận động hành lang cho một khoản tài trợ khiêm tốn khoảng 20 triệu USD từ nguồn ngân sách Liên bang để phát triển một hệ thống thử nghiệm nhằm chứng minh tính khả thi về cả giá cả lẫn hiệu quả hoạt động của PAAC-4.
“Ý tưởng là lấy Stunner và tích hợp nó vào cấu trúc của lực lượng Quân đội Mỹ, tận dụng những tính năng sẵn có của các hệ thống Raytheon (như PAC-3)”, một quan chức phụ trách chương trình của Israel nói.
Vị quan chức này cũng cho biết, theo thỏa thuận hợp tác hiện có giữa Raytheon và Rafael thì phía Mỹ sẽ đóng vai trò là nhà thầu chính với ít nhất 60% tên lửa Stunner được sản xuất tại Mỹ.
|
Như vậy, những năm qua, Raytheon và Rafael đang nỗ lực phát triển hệ thống tên lửa Patriot PAAC-4, kế thừa PAC-3 thành công.
|
Trong năm qua, theo nguồn tin, hai tập đoàn đã có những trình bày tóm tắt lên các quan chức quân đội, chính phủ và quốc hội Mỹ về đề xuất nâng cấp hệ thống Patriot.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước, nguồn tin từ Lầu Năm Góc đã khẳng định rằng Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) và Quân đội Mỹ đang xem xét đến việc sử dụng tên lửa Stunner như một giải pháp triển vọng nhằm đáp ứng yêu cầu trong tương lai của lực lượng quân sự Mỹ. Tuy nhiên, nguồn tin cũng nhấn mạnh, “mục tiêu chính trước mắt của chúng tôi là đảm bảo khả năng hoạt động thời gian ban đầu cho hệ thống David's Sling, đây là sự hỗ trợ được Israel yêu cầu”.
Hệ thống phòng không David’s Sling còn được gọi là Magic Wand (Đũa thần), là kết quả hợp tác giữa Rafael và Raytheon, đặt dưới sự quản lý chung của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ và Tổ chức phòng thủ tên lửa Israel. Hệ thống có khả năng đánh chặn tên lửa ở cự ly từ 40-300km, tốc độ tối đa Mach 6. Biến thể tương lai sẽ được tối ưu hóa khả năng đánh chặn tên lửa hành trình, máy bay có người lái và mục tiêu đạn đạo.
Hệ thống sử dụng đạn tên lửa Stunner kết cấu với 2 tầng đẩy động cơ nhiên liệu rắn, có khả năng điều chỉnh quỹ đạo ở pha giữa, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết nhờ được trang bị được trang bị 2 loại đầu tự dẫn kết hợp giữa radar và cảm biến quang điện.
Sự kết hợp 2 đầu tự dẫn cũng nâng cao khả năng đánh trúng mục tiêu của tên lửa. Theo đó, 2 đầu tự dẫn sẽ bổ sung cho nhau nếu một trong 2 gặp sự cố hoặc bị gây nhiễu nặng.
Được thiết kế với công nghệ “hit-to-kill”, hệ thống có khả năng đối phó hiệu quả với các mối đe dọa đến từ tên lửa và máy bay của đối phương.
|
Bắn thử nghiệm tên lửa đối không Stunner.
|
Hệ thống David's Sling đã đánh chặn thành công lần đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái. Từ đó đến nay hệ thống đã trải qua nhiều lần thử nghiệm khác và theo kế hoạch thì còn ít nhất một bài kiểm tra nữa mà David's Sling phải vượt qua để chính thức có mặt trong biên chế của Không quân Israel vào năm 2014.
Do mỗi năm nhà nước Do Thái phải hứng chịu hàng ngàn vụ pháo kích và bắn rocket. Theo thống kê, hàng năm, lực lượng Hezbollah ở Lebanon bắn hơn 4.000 quả tên lửa vào Israel. Vì lý do này, Israel buộc phải thúc đẩy phát triển một loạt các hệ thống phòng không khác nhau từ tầm thấp đến tầm trung, tầm cao và siêu cao.
Hệ thống Iron Dome, hệ thống David’s Sling và và Patriot PAC-2 chịu trách nhiệm đánh chặn tên lửa, đạn pháo và máy bay tầm thấp cũng như tầm trung. Để chống lại các mối đe dọa từ tên lửa tên lửa tầm xa như Scud hay Shihab, Israel sử dụng hệ thống Arrow-2. Chịu trách nhiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo ngoài bầu khí quyển là hệ thống Arrow-3.
Trong thông cáo báo chí về kết quả hợp tác thiết kế và phát triển với Rafael, Mike Booen - Phó chủ tịch Raytheon đã nói về tên lửa Stunner rằng nó sẽ “thiết lập lại những phương trình về hiệu suất, chi phí và giá trị cho tên lửa thuộc hệ thống phòng thủ. Chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết, khả năng hit-to-kill có ở một mức giá dành cho tên lửa chiến thuật”.