Máy bay tiêm kích bom Su-17M2 (S-32M2) “Fitter-D”
|
Một chiếc Su-17M2 (S-32M2) chuẩn bị cất cánh |
Việc phát triển một phiên bản mới cho mẫu máy bay tiêm kích bom Su-17M được khởi xướng bởi Nghị quyết số 42 của Ủy ban về các vấn đề công nghiệp quân sự (VPK) vào ngày 16/2/1972. Và một nghị quyết chung được thông qua bởi Bộ Công nghiệp Hàng không (MAP) và Không quân Liên Xô vào ngày 16/12/1972. Phiên bản mới này không chỉ tấn công các mục tiêu dưới mặt đất, mặt nước trong mọi điều kiện thời tiết mà còn tấn công được các mục tiêu trên không.
Công việc thiết kế dựa trên một bản thiết kể được sửa đổi lại cho các trang thiết bị của Su-17 được văn phòng thiết kế Sukhoi đưa ra trong giữa năm 1972, bao gồm bộ dẫn đường KN-23, kính ngắm ASP-17 và kính ngắm ném bom PKB-3-17S. Ngoài ra bao gồm một số thay đổi trong thiết kế:
- Phần mũi được kéo dài thêm 200mm
- Mặt trên của phần mũi được hạ thấp xuống nhằm tăng trường nhìn của phi công
- Tăng khả năng chứa nhiên liệu thêm 200 lít, tổng cộng lượng nhiên liệu mà Su-17M2 mang được là 4.620 lít
- Lắp radar Doppler DISS-7 đo vận tốc và góc lệch ở dưới mũi máy bay, ngay phía trước càng đáp trước
- Lắp bộ điều áp khí trơ trong thùng nhiên liệu lắp trong thân nhằm giảm thiệt hại do chiến đấu
- Thiết bị liên kết chỉ huy bằng radio cho tên lửa không đối đất thay vì lắp trong chóp nón mũi máy bay thì được tháo ra và lắp trong hệ thống có vỏ bọc lắp ngay giá treo vũ khí phía bên trong của cánh phải
- Lắp hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng laser Fon trong chóp nón mũi máy bay
|
Hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng laser Fon (khoanh tròn đỏ) và radar Doppler DISS-7 đo vận tốc và góc lệch gắn ở dưới mũi Su-17M2 (mũi tên xanh) |
Sau khi hiệu chỉnh và sửa đổi, trong lượng máy bay tăng thêm 400kg.
Trong cùng năm, các tài liệu kỹ thuật của phiên bản máy bay tiêm kích bom được cải tiến này nhận tên là Su-17M2 (Izdeliye S-32M2) và gửi tới nhà máy Komsomol’sk-on-Amure. Nguyên mẫu đầu tiên của máy bay Su-17M2 hoàn thành vào cuối năm 1973, chuyến bay đầu tiên hoàn thành vào tháng 12/1973. Thử nghiệm cấp Quốc gia được bắt đầu vào tháng 3/1974.
Như một phần của cuộc thử nghiệm, nhà máy sản xuất thêm 2 nguyên mẫu nữa. Các phi công thử nghiệm tham gia cuộc thử nghiệm này là A.N.Isakov, V.S. Ilyushin, A.Ivanov, V.A.Krechetov và Yu Yegorov. Trong cuộc thử nghiệm này họ quan tâm đến khả năng hoạt động của các thiết bị mới, bao gồm hệ thống dẫn đường KN-23, hệ thống điều khiển tự động SAU-22M và kính ngắm ASP-17 và PBK-3-17S.
Cuộc thử nghiệm cấp Quốc gia sớm hoàn thành vào năm 1974, Su-17M2 chứng tỏ khả năng hoạt động hiệu quả của hệ thống dẫn đường và ngắm bắn mục tiêu sau khi cải tiến.
Sau cuộc thử nghiệm cấp Quốc gia hoàn thành, Su-17M2 sẽ được trang bị các loại vũ khí mới, trong đó có tên lửa không đối đất Kh-25 (AS-10 Karen) và tên lửa chống bức xạ Kh-28 (AS-9 Kyle).
Trong đó, tên lửa chống bức xạ Kh-28 được lắp dưới thân máy bay bằng giá treo PU-28, máy bay sẽ mang theo hệ thống chỉ thị nguồn bức xạ có vỏ bọc Metel-A (Snowstorm-A) hỗ trợ chỉ thị mục tiêu cho tên lửa Kh-28. Hệ thống sẽ dò và phát hiện nguồn bức xạ của radar mục tiêu, sau đó truyền về bộ tiếp nhận thông tin PRG-28 lắp trong khoang tên lửa.
Vào năm 1975, một trong hai nguyên mẫu Su-17M2 được cải tiến để thử nghiệm tên lửa khôngđối đất dẫn đường bằng laser bán chủ động Kh-29L (AS-14 Kedge). Đến năm 1976, cũng nguyên mẫu ấy được dùng để thử nghiệm trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn đường bằng hồng ngoại R-60 (AA-8 Aphid). Sau cuộc thử nghiệm, mẫu tên lửa R-60 đã hoàn thành và được trang bị cho Su-17M2.
Một số vũ khí và số lượng mà Su-17M2 mang theo bao gồm:
- 2 tên lửa không đối đất dẫn đường bằng radio Kh-23 (AS-7 Kerry) với thiết bị liên kết chỉ huy bằng radio có vỏ bọc Delta-NG
- 2 tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser bán chủ động Kh-25 (AS-10 Karen) với hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng laser có vỏ bọc Prozhektor-1
- 1 tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser bán chủ động Kh-29L (AS-14 Kedge) với hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng laser có vỏ bọc Prozhektor-1
- 1 tên lửa chống bức xạ Kh-28 (AS-9 Kyle) với hệ thống chỉ thị nguồn bức xạ có vỏ bọc Metel-A
- 2 tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn đường bằng hồng ngoại R-60 (AA-8 Aphid)
- 6 giàn phóng rocket UB-32-57 chứa 192 rocket S-5K 57mm
- 6 rocket S-24 240mm
- 2 rocket S-25 340mm
- 20 bom không điều khiển 100kg OFAB-100
- 10 bom không điều khiển 250kg OFAB-250
- 8 bom không điều khiển 500kg OFAB-500
- 4 bom napalm ZB-500
- 2 bom hạt nhân chiến thuật RN-24
- 2 hệ thống pháo có vỏ bọc SPPU-22
- 4 thùng nhiên liệu phụ PTB-800
- 2 thùng nhiên liệu phụ PTB-1150.
|
Su-17M2 lắp tên lửa chống bức xạ Kh-28 (AS-9 Kyle) dưới bụng |
Với trang bị tên lửa Kh-25, Kh-29L và hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng laser Prozhektor-1, Su-17M2 là máy bay tiêm kích bom trang bị vũ khí tự động hóa đầu tiên trên thế giới.
Hệ thống điện tử hàng không của Su-17M2 bao gồm:
- Hệ thống dẫn đường KN-23
- Ăng ten dẫn đường tầm ngắn/ hỗ trợ hạ cánh RSBN-5S
- Radar Doppler đo tốc độ và góc lệch DISS-7
- Ăng ten tìm hướng tự động ARK-15M
- Radio đo cao A-031
- Hệ thống thu thập dữ liệu không khí SVS-P-72-3
- Cảm biến đo góc tấn (AoA) và lực trọng trường G UUAP-72
- Hệ thống điều khiển tự động SAU-22M
- Ăng ten cảnh báo bị radar khóa Beryora-L
- Hệ thống tác chiến điện tử có vỏ bọc SPS-142B.
Trọng lượng rỗng của Su-17M2 là 10.450kg, trọng lượng cất cánh tối đa là 19.000kg. Tốc độ tối đa khi bay ở độ cao gần mặt nước biển là 1.350km/h và 1250km/h nếu mang vũ khí. Ở độ cao lớn thì tốc độ tối đa là 2230km/h và 1600km/h nếu mang vũ khí. Trần bay của Su-17M2 15.400m và tốc độ leo cao của nó đạt 200m/s.
Ở độ cao 1.000m, máy bay có thể tăng tốc từ 600-1.100km/h trong 21,5s và từ 1.100-1.600km/h trong 16 giây. Tầm hoạt động khi mang vũ khí là 800km và 1.320km với thùng nhiên liệu phụ ở độ cao gần mặt nước biển. Ở độ cao lớn thì tầm hoạt động tối đa là 1.600km với thùng nhiên liệu bên trong và 2.300km với các thùng nhiên liệu phụ.
Có tổng cộng 268 chiếc Su-17M2 được sản xuất, NATO đặt biệt danh là “Fitter-D”.
|
Su-17M2 đang đậu ở khu vực sân bay. |
Máy bay trinh sát chiến thuật Su-17M2R
Máy bay Su-17M2 cải tiến mang hệ thống trinh sát có vỏ bọc KKR-1.
Máy bay thử nghiệm Su-17M2D
Từ khi động cơ AL-21F-3 được trang bị chính thức cho Su-24, Bộ Công nghiệp Hàng không muốn xem xét sự khả thi của Su-17M2 khi sử dụng động cơ Tumanskiy R29B-300, với lực đẩy mạnh hơn nhưng tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn. Các tính toán cho thấy với đường kính của động cơ lớn hơn, sẽ phải mở rộng phần khung thân sau của máy bay, sẽ khiến các công việc sản xuất ở nhà máy phức tạp và không đồng bộ. Tuy nhiên Văn phòng thiết kế Sukhoi muốn 1 chiếc để thử nghiệm.
|
Su-17M2D thử nghiệm cất cánh ở khu vực đất mềm bằng càng đáp dạng thanh trượt, phần đuôi đứng được kéo dài và mở rộng một chút và khung thân giữa được thiết kế phình ra. |
Chiếc Su-17M2 dùng để thử nghiệm động cơ R29B-300 đặt tên là Su-17M2D (chữ”D” cho “Dvigatel”-động cơ). Phần đuôi đứng được kéo dài và mở rộng một chút và khung thân giữa được thiết kế phình ra để chứa thêm nhiên liệu cũng như các hệ thống thủy lực, dây cáp...
|
Cận cảnh càng đáp bằng thanh trượt của Su-17M2D. |
Chiếc Su-7M2D được hoàn thành vào cuối năm 1974 và bay lần đầu vào tháng 1/1975. Trong tháng 6 nó được gửi tới Viện Nghiên cứu Hàng không Dân dụng Quốc gia Cờ đỏ để thử nghiệm khả năng thao diễn và khả năng cất/ hạ cánh ở đường băng dã chiến, đất mềm. Càng đáp được thay bằng dạng thanh trượt.
Sau cuộc thử nghiệm, Su-17M2D cho thấy khả năng thao diễn kém hơn, tiêu hao nhiên liệu hơn và tăng tốc kém hơn. Động cơ cũng phức tạp hơn khi bảo trì và sửa chữa. Vì vậy mẫu này không được sản xuất để trang bị cho Không quân Liên Xô mà dùng để cho phiên bản xuất khẩu.
|
Chiếc Su-17M2D đang được trưng bày tại lối vào Văn phòng thiết kế Sukhoi. |
Máy bay tiêm kích bom xuất khẩu Su-22 (S-32M2K) “Fitter-F”
Máy bay Su-22 (Izdeliye S-32M2K) là phiên bản xuất khẩu của Su-17M2 với việc trang bị động cơ Turmanskiy R29B-300S. Không có nhiều sự khác biệt với phiên bản Su-17M2, trừ động cơ và hệ thống phân biệt bạn-thù. Nó mang được các loại vũ khí của Su-17M2 trừ vũ khí hạt nhân và hệ thống pháo có vỏ bọc SPPU-22 thay bằng UPK-23-250.
Nguyên mẫu đầu tiên của Su-22 được hoàn thành năm 1975 và công việc sản xuất kéo dài từ năm 1976 đến năm 1980. Có 90 chiếc được sản xuất. NATO đặt biệt danh là “Fitter-F” để chỉ rõ sự khác biệt ở khung thân do động cơ.
|
Su-22 Fitter-F của Không quân Peru. |
Máy bay trinh sát chiến thuật Su-22R
Máy bay Su-22R cải tiến mang hệ thống trinh sát có vỏ bọc KKR-1.