Trung tá Lued Lincuna, thuộc Hải quân Philippines cho biết trên hãng tin PNA ngày 17/5 rằng, “cho tới thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch nào để cho tàu chiến BRP Rajah Humabon (PF-11) nghỉ hưu”, ngay cả khi nước này đang sắm nhiều tàu chiến mới.
Chỉ tính riêng thời gian phục vụ cho Hải quân Philippines, đến nay BRP Rajah Humabon (PF-11) đã phục vụ được 36 năm. Hiện chiến hạm này đang được giao nhiệm vụ ở vùng Manila-Cavite. Điều đáng nói, theo Lincuna, các thiết bị cơ khí, vũ khí và định vị của con tàu được cho là vẫn đang hoạt động tốt.
|
BRP Rajah Humabon (PF-11) từng diệt tàu ngầm phát xít Đức vẫn đang phục vụ trong Hải quân Philippines. |
Đặc biệt, nguồn tin từ PNA cho hay,
Hải quân Philippines nhiều khi phải miễn cưỡng cho các chiến hạm già cỗi nghỉ hưu có thể vì nhu cầu cần nhiều thân tàu để phục vụ cho các nhiệm vụ khác nhau.
Trước khi biên chế BRP Gregorio Del Pilar (PF-15) vào năm 2011 và BRP Ramon Alcaraz vào năm 2013, tàu khu trục già cỗi BRP Rajah Humabon cùng với 3 tàu tuần tra lớp Jacino (trước đây là các tàu tuần tra lớp Peacock) đã đóng vai trò như là xương sống của Hải quân Philippines.
Trong thực tế, BRP Rajah Humabon đã bắt đầu tham gia Hải quân Mỹ từ năm 1943 với tên USS Atherton (DE-169), đóng vai trò tuần tra và chống ngầm ở khu vực Atlantic. Chiến hạm này từng phá hủy tàu ngầm U-boat (U-853) của Đức ở ngoài bờ biển Rhode Island vào ngày 9/5/1945.
Tới giữa năm 1945, con tàu hoạt động ở vùng Thái Bình Dương và được nghỉ hưu vào ngày 10/12/1945. Tuy nhiên, sau đó nó lại được chuyển cho chính phủ Nhật Bản và phục vụ trong lực lượng phòng vệ Nhật Bản với tên JDS Hatsuhi (DE-263) vào ngày 14/6/1955.
Cùng với chiến hạm đàn anh JDS Asahi (DE-262), con tàu đã trở thành một trong những chiến hạm đầu tiên hình thành nên Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản. Nhưng sau đó cả hai con tàu này đều đã được nghỉ hưu và trở về Hải quân Mỹ vào tháng 6/1975, rồi được bán cho Philippines vào ngày 13/9/1976. Nó đã được đổi tên thành RPS Rajah Humabon (PS-78) khi hiện đại hóa vào năm 1979 ở Hàn Quốc.
|
Cận cảnh con tàu BRP Rajah Humabon (PF-11) tại Vịnh Subic.
|
Sau đó nó được đưa vào biên chế của
Hải quân Philippines năm 1980, tới năm 1996 chính thức lấy số hiệu là BRP Rajah Humabon (PF-11). Tàu được trang bị 3 khẩu pháo Mark 22 có phạm vi tác chiến 13.400 m và có khả năng sử dụng như một hệ thống phòng không hạn chế. Con tàu cũng mang 3 pháo nòng đôi phòng không Mark 1 Bofors L/60 cỡ 40 mm , 6 khẩu pháo Mark 4 cỡ 20 mm và 4 đại liên M2 Browing.
Nó còn được trang bị radar định vị và tìm kiếm tầm ngắn Raytheon AN/SPS-64(V)11 và radar định vị Furuno, thay thế các radar cũ RCA/GE Mark 26 và SPS-5.
Trong khi động cơ của con tàu trang bị 2 động cơ EMD 16-645E7, sản sinh công suất 6.140 mã lực, cho phạm vi hoạt động 11.110 km và tốc độ tới 14 knots (26 km/h).
Hiện Philippines đang tham gia vào nhiều hợp đồng mua tàu mới hơn và có khả năng tác chiến hơn cho hạm đội của mình. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Philippines cũng đang mở thầu hợp đồng 2 tàu tên lửa trị giá 18 triệu PhP (khoảng 403 nghìn USD).
Tới nay đã có 4 công ty tham gia đấu thầu dự án này, gồm hãng Navantia của Tây Ban Nha, Công ty Offshore & Shipbuilding, Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co Ltd và Hyundai Heavy Industries Inc của Hàn Quốc.
Những tàu tên lửa được đặt hàng có thể thực hiện các nhiệm vụ phòng không, chống tàu nổi, chống ngầm và tác chiến điện tử. Chúng được cho sẽ mở rộng khả năng tuần tra biển cùng với một chiếc trực thăng đi kèm. Nó có thể hoạt động ở phạm vi 4.500 hải lý ở tốc độ 15 knots và đi liên tục trong vòng 1 tháng ở điều kiện khí hậu nhiệt đới và có thể tăng tốc tới 25 knots khi cần thiết.
Hệ thống định vị trên tàu chiến mới, tối thiểu phải có 2 hệ thống radar định vị, GPS, thiết bị dò âm thanh ở tầng sâu, và hệ thống theo dõi tàu thuyền. Trong khi hệ thống vũ khí của nó tối thiểu phải có 1 súng 76 mm, 4 pháo cỡ 50-caliber, các tên lửa đối tàu và phòng không cùng các ngư lôi chống ngầm.