Giới chức Mỹ “nhức óc” khi TT Obama muốn dừng mua Tomahawk

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Obama đã quyết định ngừng mua hàng loạt tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và tên lửa chống tăng Hellfire. 

The Washington Free Bacon đã cho đăng tải một thông tin có thể gây chấn động Lầu Năm Góc cũng như giới quân sự khối NATO. Trang này đăng tin rằng, Tổng thống Obama đang tìm cách chấm dứt việc mua hàng đối với 2 chương trình tên lửa thành công nhất của Mỹ là tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và tên lửa chống tăng Hellfire.
Dưới đây là nội dung bài viết của tác giả Adam Kredo có tiêu đề “Obama giết chương trình Tomahawk và Hellfire” được đăng tải trên The Washington Free Bacon ngày 24/3:
Tin chấn động
Nền tảng sức mạnh của Hải quân Mỹ đang bị loại bỏ theo chương trình cắt giảm ngân sách của Tổng thống Obama. Tổng thống đang tìm cách xóa bỏ 2 chương trình tên lửa thành công nhất của Hải quân Mỹ mà theo các chuyên gia quân sự nói rằng nó đã giúp duy trì ưu thế quân sự của của Hải quân Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
 Tổng thống Obama muốn dừng mua tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa chống tăng Hellfire.
Tomahawk được biết đến như chương trình tên lửa tiên tiến nhất thế giới đang được thiết lập để cắt giảm 128 triệu USD theo đề xuất ngân sách của Tổng thống Obama vào năm 2015 và loại bỏ hoàn toàn vào năm 2016 theo dự thảo ngân sách được công bố bởi hải quân.
Ngoài việc cắt giảm tiền cho chương trình, số lượng tên lửa Tomahawk được mua bởi Hải quân Mỹ sẽ giảm từ 196 trong năm 2013 xuống còn 100 quả trong năm 2015. Số lượng mua sau đó sẽ giảm xuống bằng 0 vào năm 2016.
Hải quân Mỹ cũng sẽ bị buộc phải hủy bỏ việc mua sắm tên lửa chống tăng Hellfire được xem là có hiệu quả rất cao vào năm 2015 theo đề nghị của Tổng thống Obama. Việc đề xuất loại bỏ các chương trình tên lửa trên được xem là một cú sốc đối với các nhà lập pháp và các chuyên gia quân sự. Kết thúc những chương trình tên lửa này sẽ làm xói mòn đáng kể năng lực quân sự của Mỹ trong việc chống lại đối phương.
 Đây thực sự là sự thất khó chấp nhận vì trong suốt nhiều năm, Tomahawk là thứ vũ khí quan trọng thể hiện ưu thế sức mạnh quân sự Mỹ. Nó luôn là "quân tiên phong" mở đầu cho các chiến dịch quân sự Mỹ.
Nước Mỹ có gì để thay thế Tomahawk?
Randy Forbes, một thành viên của Ủy ban dịch vụ vũ trang đại diện cho bang Virginia nói: “Đề xuất ngân sách của chính quyền thấp hơn nhiều các nguồn lực đầu tư tối thiểu của chúng ta và các loại đạn dược bị loại bỏ tạo ra những khoảng trống nguy hiểm trong các khu vực trọng điểm”.
Trong chiến dịch tấn công quân sự vào Libya năm 2011, Hải quân Mỹ đã dựa rất nhiều vào tên lửa Tomahawk, họ đã sử dụng khoảng 220 quả trong cuộc chiến này. Trung bình mỗi năm, Hải quân Mỹ dùng khoảng 100 tên lửa Tomahawk trong các hoạt động, việc cắt giảm mua sắm sẽ khiến dự trữ tên lửa cạn kiệt vào năm 2018.
Điều này đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến các chiến lược quốc phòng vì Lầu Năm Góc không có tên lửa sẵn sàng để thay thế Tomahawk. Ông Seth Cropsey - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức mạnh Hải quân Mỹ thuộc Viện Hudson, Mỹ bình luận: “Nó không có ý nghĩa, việc cắt giảm sẽ lấy đi của Mỹ sự ảnh hưởng và thống trị lĩnh vực quân sự”.
Câu hỏi đặt ra là nếu dừng mua Tomahawk, nước Mỹ có gì để thay thế?
Hải quân Mỹ đã sử dụng các biến thể khác nhau của Tomahawk với thành công rất to lớn trong hơn 30 năm qua trong chiến tranh Iraq, Afghanistan và khu vực Balkan. Chính quyền Mỹ dường như lấy các khoản cắt giảm từ chương trình Tomahawk và đầu tư cho một chương trình tên lửa mới mà các chuyên gia tin rằng việc thử nghiệm và sẵn sàng đi vào hoạt động ít nhất không dưới 10 năm tới.
“Nó chắc chắn là thiển cận cho giá trị của Tomahawk giống như một “vũ khí đáng tin cậy”, Mackenzie Eaglen một cựu nhân viên của Lầu Năm Góc đã nói. Eaglen chia sẽ thêm: “Những ngày mở đầu Mỹ dẫn dắt hoạt động thiết lập vùng cấm bay trên Libya, Tomahawk đã cho thấy tầm quan trọng của vũ khí này cho đến ngày hôm nay”.
Nhìn chung, Hải quân Mỹ đã phải giảm đi một nửa kế hoạch mua sắm vũ khí ảnh hưởng đến một loạt các vũ khí chiến thuật và tên lửa. Các chuyên gia hải quân và các cựu nhân viên hải quân lo ngại rằng việc loại bỏ tên lửa Tomahawk và Hellfire trong khi chưa có vũ khí thay thế sẽ gây nguy hiểm cho uy quyền của Hải quân Mỹ khi phải đối mặt với những quân đội ngày càng tiên tiến từ Triều Tiên tới Trung Đông.
Tomahawk tấn công mục tiêu.
Trung tá nghỉ hưu Steve Russell gọi việc cắt giảm chương trình Tomahawk là “một sự tàn phá vì nhiều lý do”.
“Chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ lớn bởi vì chính sách quốc gia của chúng ta cho các hoạt động phản ứng nhanh phụ thuộc vào các đội ngũ an ninh quốc gia mà vũ khí răn đe chủ lực là Tomahawk” Steve Russell đã nói.
“Các công cụ chúng tôi sử dụng rất thường xuyên và đáng tuyên dương bây giờ đang phải cắt giảm, có một số hữu hạn của Tomahawk đã được thực hiện và họ không được bổ sung. Nếu chính sách quốc gia của chúng ta phụ thuộc vào một phản ứng ngay lập tức với các tên lửa, và chúng ta không có gì để thay thế vậy sau đó chúng ta sẽ làm gì”, Steve Russell đã nói.
Triều Tiên đã thử nghiệm thành công tên lửa đa tầng và các tên lửa đạn đạo khác trong những tháng gần đây. Các chuyên gia hải quân cho rằng đó là một dấu hiệu cho thấy khả năng phòng thủ của hải quân sẽ trở nên quan trọng ở Thái Bình Dương trong những năm tới.
Trong khi đó chương trình tên lửa chống tàu thay thế cho Tomahawk đang được thử nghiệm và chưa sẵn sàng để thay thế trong vòng 10 năm tới. Chi phí cho dự án LRASM đang gia tăng một cách đột biến và thử nghiệm đã bị hoãn lại.
 Ngoài Tomahawk, chính quyền Mỹ muốn dừng mua tên lửa chống tăng chủ lực Hellfire.
Trung tá nghỉ hưu Steve Russell nhấn mạnh thêm: “Bạn phải tự hỏi bản thân mình, một tên lửa chống tàu sẽ không thể cho chúng ta khả năng tấn công len lỏi vào một hang động ở Tora Bora, để thay thế Tomahawk bằng một cái gì đó không cần thiết, tệ hại và đầu tư vào một cái gì đó thậm chí không có khả năng vượt qua các thử nghiệm cơ bản sẽ gây ra một mối quan ngại thực sự”.
Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin cắt giảm chương trình tên lửa Tomahawk và Hellfire.
Bình Đức

Bình luận(0)