Kỳ 2: Phá vây không thành, Đô đốc Nga tử nạn
Sau trận tập kích đêm 8/2, tới mờ sáng 9/4 khi tiến hành trinh sát Lữ Thuận người Nhật cho rằng phía Nga tổn thất nặng nề. Đô đốc Togo đã quyết định tổng tấn công đánh gục Hải quân Nga ở đây, bất chấp hỏa lực pháo binh bờ biển.
Và trận chiến cảng Lữ Thuận bùng nổ, không còn là một đòn tập kích bằng ngư lôi, mà là cuộc chiến của những thiết giáp hạm với pháo lớn.
Đô đốc Togo tung Hải đội 1 vào trận, Hải đội dự bị sẵn sàng tiếp ứng phía sau. Các thiết giáp hạm Nhật Bản dẫn đầu đội hình, băng băng tiến về cảng Lữ Thuận. Đối thủ đầu tiên họ gặp phải là tuần dương hạm Nga Boyarin đang làm nhiệm vụ tuần tra. Đơn độc trên biển, Boyarin đã hành động chính xác khi bắn vào chiếc soái hạm Mikasa ở tầm bắn cực đại của pháo 120mm, sau đó quay đầu rút lui.
Hạm đội Nga ở cảng Lữ Thuận cũng đã kịp thời xuất kích ứng chiến. 11h trưa, hai bên khai hỏa vào nhau ở cự li 7.000m. Người Nhật tập trung các khẩu pháo 305mm lớn nhất của họ bắn phá các trận địa pháo binh bờ biển, trong khi sử dụng các khẩu pháo 203mm và 152mm để bắn các tàu chiến Nga.
|
Tranh vẽ pháo bờ biển Hải quân Đế quốc Nga tại Lữ Thuận tấn công tàu chiến Nhật.
|
Do phán đoán sai tình hình địch, người Nhật rơi vào bẫy. Hỏa lực từ pháo binh bờ biển và pháo hạm tàu Nga bắn chéo cánh sẻ, khiến người Nhật lúng túng. Chiếc soái hạm Mikasa cùng nhiều tàu khác bị trúng đạn và chịu thiệt hại nặng. Nhưng người Nhật cũng chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn cháy các chiến hạm Novik, Petropavlovsk, Poltava, Diana và Askold của Nga.
Đến 12h20 phút, Đô đốc Togo buộc phải cho Hạm đội Nhật rút lui trong mưa pháo của quân Nga. Mặc dù bị bắn phá dữ dội, các thiết giáp hạm Nhật Bản vẫn nhanh chóng rút ra khỏi vùng nguy hiểm. Các thiết giáp hạm mạnh nhất của quân Nhật như Shikishima, Iwate, Fuji và Hatsuse đều bị hư hại. Tuần dương hạm Nga Novik đuổi theo truy kích đã bị đánh trả bằng ngư lôi.
Trận hải chiến Lữ Thuận diễn ra bất phân thắng bại, người Nga bị thương vong 150 người, trong khi con số này bên phía Nhật là 132 người. Nhiều tàu chiến bị hư hỏng nặng, nhưng hạm đội Nhật đã kịp thời sửa chữa. Trong khi đó việc sửa chữa tàu chiến Nga ở cảng Lữ Thuận gặp nhiều khó khăn
Dù bị bất ngờ và một số chiến hạm lớn bị hư hỏng nặng, nhưng người Nga đã chiến đấu rất dũng cảm. Hải chiến cảng Lữ Thuận đã trở thành đỉnh cao mẫu mực, nơi phát triển những nguyên tắc của nghệ thuật tác chiến Hải quân Liên Xô sau này.
Theo đó, quân Nga bám chặt các pháo đài ven biển, bất chấp tàu chiến Nhật pháo kích vẫn ra sức phản kích bắn trả. Các tàu chiến của Nhật bị lực lượng pháo binh bờ biển ít ỏi của Nga đánh bật ra khỏi cảng. Cảng Lữ Thuận cũng ghi dấu ấn lớn trong lịch sử chiến tranh hiện đại: Đây là nơi khai sinh ra tác chiến điện tử, khi người Nga gây nhiễu vô tuyến hạm tàu Nhật, khiến chúng không thể bắn phá cảng Lữ Thuận có hiệu quả. Quân phòng thủ cảng cũng đã phát minh ra súng cối, một vũ khí khá phổ biến hiện nay.
Đô đốc Togo biết mình khó có thể đánh gục Hạm đội Nga trong cảng Lữ Thuận, ông nghĩ đến chuyện bịt đường ra vào cảng bằng cách đánh đắm những tàu vận tải cũ chở đầy gạch đá và xi măng. Cách làm này đã thất bại đến 3 lần vì sự cảnh giác của quân Nga. Những ngày vây hãm cảng Lữ Thuận kéo dài, và tinh thần quân Nga xuống thấp.
|
Tàu chiến Nga tại Lữ Thuận.
|
Sa hoàng cử Đô đốc Stepan Makarov đến Lữ Thuận thay thế Đô đốc Stark kém may mắn. Nhưng Đô đốc Togo tài ba đã cho người Nga ăn một quả lừa. Ngày 10/3, 4 khu trục hạm Nhật Bản được đưa đến gần cảng Lữ Thuận làm mồi nhử. Người Nga mắc mưu và cử 6 khu trục hạm cố gắng đuổi theo. Trong khi đó, người Nhật tiến hành rải thủy lôi chặn đường về của người Nga, đánh chìm 2 tàu khu trục.
Không kém cạnh, Đô đốc Makarov trả đũa bằng một đòn tấn công vào 2 tuần dương hạm Fuji và Yashima của Nhật, làm chiếc Fuji hư hỏng nặng. Nhưng số phận cũng không mỉm cười với đô đốc Makarov, khi soái hạm Petropavlosk bị trúng thủy lôi và chìm ngày 13/4. Thiết giáp hạm Pobieda của Nga cũng bị thương vì thủy lôi.
Trước cái chết của một đối thủ tài danh nhưng yểu mệnh, đô đốc Togo đã hạ lệnh cho tất cả các chiến hạm treo cờ rủ và để tang đô đốc Makarov trong một ngày.
Cảng Lữ Thuận bị bao vây, và những nỗ lực phá vây của người Nga không thành. Nhưng người Nhật cũng gặp nhiều thiệt hại vì thủy lôi do quân Nga rải. Ngay cả khi đã mất, Đô đốc Makarov cũng “kéo xuống địa ngục” nhiều chiến hạm lớn, lượng giãn nước hàng ngàn tấn của Nhật Bản.
Nghệ thuật sử dụng thủy lôi trong chiến tranh Nga – Nhật cũng là kinh nghiệm quí báu cho Hải quân Liên Xô sau này, khi họ xây dựng trận địa phòng ngự bảo vệ vịnh Phần Lan bằng pháo bờ biển và ngư lôi, khiến hải quân Đức mạnh gấp nhiều lần phải bó tay.