Giải mã tên lửa phóng vệ tinh Triều Tiên

Google News

Các loại tên lửa đẩy đưa vệ tinh Triều Tiên lên quỹ đạo đều được thiết kế dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Cuối những năm 1990, Triều Tiên bắt đầu chương trình chinh phục không gian sau khi đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển tên lửa đạn đạo.

Lên quỹ đạo bằng tên lửa đạn đạo

Ngày 31/8/1998, Triền Tiên phóng tên lửa đẩy Paektusen mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-1 lên quỹ đạo. Paektusan được chế tạo dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa Taepodong 1. Nó thiết kế với 3 tầng động cơ gồm: 2 tầng động cơ nhiên liệu lỏng và tầng thứ 3 dùng động cơ nhiên liệu rắn.

Trên lý thuyết khi phóng, tầng 1 tên lửa Paektusan sẽ đốt cháy trong 95 giây trước khi tách tầng và rơi xuống biển cách nơi phóng 250km. Tầng thứ 2 sẽ hoạt động trong 144 giây rồi tách tầng và rơi xuống vị trí cách nơi phóng 1.650km và tầng thứ 3 cháy trong 27 giây đưa vệ tinh đi vào quỹ đạo.

Theo thông tin từ Triều Tiên, cuộc phóng này đã thành công mĩ mãn nhưng chính phủ Mỹ thì cho rằng cuộc phóng đã thất bại sau khi tầng động cơ thứ 3 gặp lỗi.

 

Tên lửa đẩy Unha-3 trên bệ phóng vốn được phát triển từ tên lửa đạn đạo liên lục địa Taepodong-2.
Tên lửa đẩy Unha-3 trên bệ phóng vốn được phát triển từ tên lửa đạn đạo liên lục địa Taepodong-2.

Phải 8 năm sau, Triều Tiên mới thực hiện cuộc phóng vệ tinh tiếp theo bằng tên lửa Taepodong-2 đưa một “thiết bị không xác định” lên quỹ đạo.

 

Taepodong-2 là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa cải tiến từ Taepodong-1. Loại tên lửa này thiết kế với 3 tầng động cơ nhiên liệu rắn (trong đó tầng thứ nhất là của tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan-1 còn tầng 2-3 của tên lửa Rodong-1 hoặc Hwasong-6), trọng lượng 79,18 tấn, tải trọng 500kg, tầm bắn 4.000-6.000km.

Ngày 4/7/2006, tại trung tâm phóng Tonghae, tên lửa đẩy Taepodong-2 được phóng lên quỹ đạo, nhưng 35-40 giây sau khi phóng nó đã nổ tung và rơi xuống biển. Tương tự cuộc phóng năm 1998, chính quyền Triều Tiên không thừa nhận thất bại này.

Sau cuộc phóng này, Triều Tiên chuyển sang sử dụng tên lửa đẩy mang tên Unha (thiết kế dựa trên tên lửa đạn đạo Taepodong-2). Đây có thể coi phương tiện phóng chính thức được dùng nhiều lần trong chương trình chinh phục không gian của Triều Tiên.

Tên lửa đẩy Unha gồm 3 tầng động cơ: tầng 1 động cơ nhiên liệu lỏng cháy trong 120 giây; tầng 2 động cơ nhiên liệu lỏng cháy trong 110 giây và tầng 3 động cơ nhiên liệu rắn cháy trong 40 giây.

Cuộc phóng đầu tiên bằng tên lửa Unha thực hiện năm 2009, ngày 5/4 tên lửa đẩy Unha-2 mang theo vệ tinh viễn thông Kwangmyongsong-2 rời bệ phóng từ trung tâm Tonghae.

Phía Triều Tiên tuyên bố cuộc phóng thành công, Unha-2 đã đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Nhưng, chính quyền Mỹ cho rằng tầng thứ nhất tên lửa rơi xuống biển Nhật Bản trong khi các tầng khác rơi xuống Thái Bình Dương.

Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, tên lửa rơi cách bệ phóng 3.850km mặc dù tầng thứ 2 hoạt động bình thường nhưng tầng thứ 3 đã bị lỗi.

Ngày 13/4/2012, Triều Tiên phóng tên lửa đẩy Unha-3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo tại trung tâm phóng Sohae.

Không khá hơn hai lần trước, sau khi phóng hơn 1 phút tên lửa Unha-3 đã vỡ thành 20 mảnh rơi xuống biển Hoàng Hải. Đặc biệt, lần đầu tiên chính quyền Triều Tiên thừa nhận vụ phóng tên lửa thất bại.

Và lần này, không cần phải chờ tới vài năm, chỉ sau 8 tháng từ cuộc phóng mới nhất Triều Tiên quyết định phóng tên lửa Unha-3 lần hai mang theo phiên bản vệ tinh Kwangmyongsong-3. Cuộc phóng dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 10-22/12.

Cuộc phóng lần thứ 5 đang vấp phải sự phản ứng dữ dội từ Mỹ và đồng minh. Các quốc gia này đều cáo buộc Triều Tiên tiến hành thử nghiệm tên lửa tầm xa ngụy trang dưới cuộc phóng vệ tinh dân sự.

Những cáo buộc “chủ quan”

Sở dĩ các nước này cáo buộc Triều Tiên “thử tên lửa tầm xa” do các loại tên lửa đẩy đều phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa được cho là có tầm bắn tới 6.000km.

Tuy nhiên, nếu cho là chỉ Triều Tiên mới sử dụng tên lửa đạn đạo làm phương tiện phóng vệ tinh là sai.

Con đường chinh phục không gian mà Triều Tiên đang đi có nhiều nét tương đồng với con đường của Liên Xô (Nga) – Mỹ. Hai quốc gia này cũng từng phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy cải tiến từ tên lửa đạn đạo.

 

Tên lửa đẩy Soyuz-U của Nga là "hậu duệ" tên lửa đạn đạo liên lục địa R-7.
Tên lửa đẩy Soyuz-U của Nga là "hậu duệ" tên lửa đạn đạo liên lục địa R-7.
Năm 1957, Liên Xô phóng lên quỹ đạo vệ tinh đầu tiên của nhân loại Sputnik 1 bằng tên lửa đẩy Sputnik-PS. Đây vốn là mẫu tên lửa chế tạo dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa R-7 Semyorka. Cho tới tận ngày nay, người Nga vẫn dùng các loại tên lửa đẩy “hậu duệ” của R-7.

 

Còn nước Mỹ, năm 1960, họ đưa vào sử dụng tên lửa đẩy Delta vốn được chế tạo dựa trên tên lửa đạn đạo tầm trung PGM-17 Thor. Hoặc “gia đình” tên lửa đẩy Atlas được chế tạo dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa SM-65 Atlas.

Một số loại tên lửa đẩy sau này của Nga – Mỹ không còn phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo. Nhưng nếu không có những kinh nghiệm thu được từ phát triển tên lửa đạn đạo thì khó có được những thành tựu chinh phục không gian.

Vì vậy, có thể nói những cáo buộc của Mỹ và đồng minh có phần “chủ quan” hoặc “cố tình”.

Hoàng Lê (tổng hợp)

[links()]

Bình luận(0)