Đạn mồi bẫy Gremlin - ác mộng của tên lửa phòng không

Google News

Gremlin tạo ra tín hiệu giả chiến đấu cơ để dụ tên lửa phòng không bắn vào nó trong khi máy bay thật phía sau lặng lẽ khai hỏa diệt mục tiêu khiến đối phương không kịp trở tay.

Tên lửa phòng không là mối đe dọa lớn nhất đối với các máy bay chiến đấu nói chung và của Mỹ nói riêng khi làm nhiệm vụ. Mỹ đã phát triển nhiều biện pháp gây nhiễu cơ chế dẫn đường của tên lửa khiến chúng không nhận dạng được mục tiêu, nhưng vẫn không giúp làm giảm nguy cơ bị bắn hạ.
Các loại tên lửa phòng không tiên tiến như S-300, S-400 của Nga có thể bắn hạ bất kỳ máy bay chiến đấu tiên tiến nào, ngay cả khi chúng được trang bị “tấm áo giáp điện từ” chắc chắn.
Nhằm đảm bảo an toàn cho các máy bay chiến đấu, Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA), Mỹ đã khởi động dự án phát triển đạn mồi bẫy khá độc đáo.
Theo tạp chí khoa học Popular Mechanics, đạn mồi bẫy mới do DARPA phát triển được gọi là Gremlin. Thực chất, nó là một loại máy bay không người lái (UAV) mini. Gremlin sẽ được phóng từ máy bay ném bom hoặc máy bay chiến đấu từ khoảng cách an toàn bên ngoài tầm hoạt động của các hệ thống phòng không.
Gremlin được trang bị động cơ với phạm vi hoạt động khoảng 800 km và có khả năng bay lang thang trong 3 giờ đồng hồ. Sau đó, Gremlin có thể quay trở lại và được máy bay vận tải C-130 thu hồi bằng kỹ thuật “bắt cá trên không” (máy bay C-130 sẽ thả một chiếc lưới để Gremlin vướng vào, sau đó sẽ kéo chúng vào bên trong khoang). DARPA cho biết, mỗi Gremlin có thể tái sử dụng ít nhất 20 lần.
Hiệu ứng bầy đàn đáng sợ
Đạn mồi bẫy Gremlin có cơ chế hoạt động khá đơn giản. Người ta trang bị cho chúng bộ thiết bị mô phỏng tín hiệu để tạo ra một mục tiêu tương tự như máy bay.
Khi Gremlin được phóng vào khu vực hoạt động của radar trinh sát, trên màn hình hiện sóng của kíp trắc thủ, nó sẽ hiển thị như một máy bay chiến đấu để đánh lừa ê kíp vận hành.
 Đồ họa mô phỏng cơ chế hoạt động kiểu "bầy đàn" của đạn mồi bẫy Gremlin. Ảnh: DARPA.
Nhiệm vụ của Gremlin là thu hút tên lửa phòng không bắn vào nó. Trong khi đó, máy bay chiến đấu bay phía sau sẽ lặng lẽ tiếp cận và phóng tên lửa khiến đối phương không kịp trở tay.
Ngoài nhiệm vụ làm mồi nhử, Gremlin có thể mang thiết bị gây nhiễu khiến radar phòng không đối phương không thể nhận dạng mục tiêu. Gremlin cũng có thể lắp thiết bị dò tìm và xác định tín hiệu radar cung cấp tham số cho máy bay chiến đấu phía sau.
Một trong những tính năng đáng sợ của Gremlin là hiệu ứng “bầy đàn”. Người ta có thể phóng hàng chục, thậm chí hàng trăm Gremlin để mô phỏng cuộc tấn công của hàng trăm máy bay, gây choáng ngợp cho đối phương.
Khi đó, ê kíp vận hành hệ thống phòng không đối phương có thể nhầm lẫn đám UAV Gremlin là hàng trăm máy bay chiến đấu đang lao đến nên dồn hỏa lực phòng không vào chúng. Trong khi đó, mối nguy hiểm thực sự đang ở phía sau vài chục kilomet.
Trong tác chiến phòng không, việc phát hiện sớm mục tiêu và khai hỏa trước đối phương là yếu tố sống còn. Các kỹ sư của DARPA muốn sử dụng Gremlin để dụ đối phương khai hỏa trước vào mục tiêu giả để máy bay chiến đấu phía sau rãnh tay diệt mục tiêu.
Ở chế độ gây nhiễu, Gremlin có thể đồng bộ hóa tín hiệu để tăng cường độ phát sóng làm quá tải radar của đối phương. Khi đó, Gremlin có thể hoạt động như một vũ khí viba.
Bùa hộ mệnh cho F-35
 Tên lửa mồi nhử MALD-J lắp trên máy bay ném bom chiến lược B-52 trưng bày tại triển lãm hàng không Paris Air Show 2015. Ảnh: Raytheon.
Theo DARPA, cơ chế hoạt động của Gremlin tương tự tên lửa mồi nhử ADM-20 Quail trang bị cho máy bay ném bom chiến lược B-52 trong thập niên 50-60. Tuy nhiên, ADM-20 có thời gian hoạt động chỉ 40 phút nên hiệu quả nhử đối phương chưa cao. Ngoài ra, chúng chỉ sử dụng được một lần dẫn đến chi phí cao.
Đến những năm 1990, tập đoàn Raytheon đã phát triển tên lửa mồi nhử ADM-160 MALD để đánh lừa hệ thống phòng không đối phương. Năm 2002, Không quân Mỹ hủy bỏ chương trình ADM-160 vì các thử nghiệm cho thấy nó không đạt yêu cầu về phạm vi và thời gian hoạt động cần thiết.
Đại diện DARPA cho biết, có 2 yếu tố làm cho Gremlin hiệu quả hơn nhiều so với các loại đạn mồi nhử trước đó. Đầu tiên, Gremlin được chế tạo với chi phí thấp và có thể tái sử dụng. Mỗi UAV Gremlin có đơn giá khoảng 700.000 USD nên có thể triển khai với số lượng lớn.
Yếu tố thứ 2 khiến Gremlin hiệu quả và nguy hiểm hơn là hiệu ứng “bầy đàn”. Chúng có thể kết hợp với nhau tạo nên một khối thống nhất khiến đối phương đối phó vất vả hơn. Gremlin có thể là “bùa hộ mệnh” cho tiêm kích tàng hình F-35 khi đối mặt với các hệ thống phòng không tiên tiến như S-300 hay S-400 của Nga.
Theo Quốc Việt/Zing

Bình luận(0)