Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA mới đây bất ngờ công bố hình ảnh về một thiết bị lạ được cho là đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng tuyên bố, các nhà khoa học nước này đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để lắp vào tên lửa đạn đạo.
Tuyên bố của ông Kim cùng những hình ảnh về một xưởng chế tạo tên lửa của Triều Tiên càng làm cho mối đe dọa từ tên lửa của Bình Nhưỡng trở nên nguy hiểm hơn. Thậm chí nhà lãnh đạo Kim Jong Un còn ra lệnh tiếp tục thử nghiệm hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.
Trước những động thái mới từ Bình Nhưỡng, đánh chặn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang trở thành vấn đề “đau đầu” đối với Hàn Quốc. Mặc dù Seoul và Washington đang thảo luận việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở bán đảo Triều Tiên, nhưng động thái này đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Bắc Kinh.
Clip siêu hạm Sejong Đại đế tác chiến:
Sejong Đại đế có phải là cứu cánh?
Nói đến phòng thủ tên lửa, chúng ta thường nghe nói nhiều về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên các chiến hạm Aegis của Mỹ. Hải quân Hàn Quốc cũng sở hữu tàu khu trục lớp Sejong Đại đế được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, phiên bản Baseline 7 Phase 1.
|
Sejong Đại đế là tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis có lượng giãn nước lớn nhất thế giới. Ảnh: U.S Navy |
Cảm biến chính của tàu là radar AN/SPY-1D (V), tương tự loại lắp trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ. Tàu được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực MK-99 để dẫn đường cho tên lửa phòng không SM-2.
Vũ khí phòng không chủ lực của Sejong Đại đế là tên lửa SM-2 block IIIA hoặc IIIB. Các tên lửa được bố trí trong các ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk41. Tên lửa SM-2 block IIIA có tầm bắn tối đa 167 km, tầm cao 24,4 km.
Về mặt lý thuyết, sự kết hợp giữa tên lửa radar AN/SPY-1D và tên lửa SM-2 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung. Tuy nhiên, theo thông tin từ chương trình Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis (Aegis BMD) của Hải quân Mỹ thì vũ khí của tàu Sejong Đại đế có vẻ chưa phù hợp.
Để đánh chặn tên lửa đạn đạo, Aegis BMD yêu cầu phải sử dụng tên lửa đánh chặn SM-3 hoặc RIM 67 SM-2 block IV. Trong đó, SM-3 được sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo ở đối phương ở pha giữa khi tên lửa chuẩn bị tái nhập bầu khí quyển. Còn SM-2 block IV sử dụng để đánh chặn đầu đạn ở pha cuối.
Mặt khác, Mỹ chỉ cung cấp tính năng phòng thủ tên lửa trong chương trình Aegis BMD cho Nhật Bản, cụ thể là tàu khu trục lớp Kongo. Hiện tại chưa có thông tin nào về việc Mỹ cho phép Hàn Quốc tham gia vào Aegis BMD. Như vậy, khả năng phòng thủ tên lửa của tàu khu trục Sejong Đại đế vẫn còn để ngỏ.
|
Tên lửa SM-2 block IIIA trên tàu khu trục Sejong Đại đế chưa phải là vũ khí lý tưởng để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Ảnh: FAS |
Với hệ thống vũ khí như hiện tại, khả năng tàu khu trục Sejong Đại đế có thể làm nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là khá thấp. Mặt khác, Aegis BMD được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở trên biển.
Nếu Triều Tiên có phóng tên lửa về phía Hàn Quốc thì quỹ đạo bay của nó sẽ nằm ở trên đất liền nên khả năng đánh chặn thành công của hệ thống Aegis BMD không cao. Vì radar AN/SPY-1 vốn được thiết kế để nhận dạng mục tiêu đặc trưng ở môi trường trên biển, xa đất liền.
Các phiên bản đầu của radar AN/SPY-1 gặp khó khăn khi nhận dạng mục tiêu ở môi trường lộn xộn gần bờ biển. Do đó, việc sử dụng tàu khu trục Sejong Đại đế để đánh chặn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể chưa phải là giải pháp tối ưu nhất.
Nhiều khả năng, Hàn Quốc sẽ nghiêng về giải pháp đề nghị Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD để đối phó hiệu quả hơn với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc tham gia vào chương trình Aegis BMD của tàu khu trục Sejong Đại đế là khá dễ dàng. Tàu đã có sẵn hệ thống chiến đấu Aegis, chỉ cần nâng cấp về hệ thống điều khiển hỏa lực và bổ sung thêm tên lửa SM-3 là có thể thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.