Ngày 16/11 vừa qua, Nga đã tiến hành bàn giao cho Ấn Độ tàu sân bay INS Vikramaditya. Buổi lễ bàn giao có sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony. Tàu sân bay INS Vikramaditya sẽ thay thế cho tàu sân bay INS Viraat dự kiến ngưng hoạt động vào năm 2015.
Tàu sân bay INS Vikramaditya sẽ về nước dưới sự hộ tống của 5 tàu chiến trong Hải quân Ấn Độ. Phương tiện truyền thông Ấn Độ cho biết, tàu sân bay INS Vikramaditya sẽ hoạt động với vai trò soái hạm của Hải quân Ấn Độ và sẽ về nước qua biển A Rập như một minh chứng cho sức mạnh quân sự của họ. “Đây là một khoảnh khắc đầy tự hào cho đất nước”, truyền thông Ấn Độ đã viết.
|
Chuyên gia Trung Quốc mổ xẻ chê bai hết mức tàu sân bay Ấn Độ, nhưng họ quên mất rằng tàu sân bay Liêu Ninh cũng có cùng nguồn gốc với tàu Vikramaditya.
|
Ngay khi tàu sân bay INS Vikramaditya được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ, các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã lên tiếng “chê bai” tàu sân bay này cũng như nhóm tàu hộ tống cho nó. Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, nhóm tàu sân bay Ấn Độ thiếu trầm trọng khả năng đảm đương phòng không tầm xa như các tàu Aegis của Mỹ.
Họ ví von rằng, Hải quân Trung Quốc có loại tàu chiến Aegis như vậy - khu trục phòng không Type 052D. Việc thiếu các tàu khu trục phòng không cấp hạm đội làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tàu sân bay này. Tuy nhiên, có lẽ họ đã quên rằng chương trình tàu khu trục Kolkata (đang hoàn thiện) của Ấn Độ được đánh giá là một trong những tàu chiến hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Tàu khu trục Kolkata được trang bị tới 3 hệ thống tên lửa phòng không đủ 3 cấp độ, tầm thấp, tầm trung và tầm xa. Tàu khu trục này thậm chí còn vượt trội so với Type 052D của Trung Quốc. Nhà phân tích Zheng Wenhai cho rằng, Hải quân Ấn Độ có nhiều năm vận hành tàu sân bay nhưng chưa bao giờ có nhóm tác chiến tàu sân bay đúng nghĩa.
|
Trung Quốc có Type 052D thì Ấn Độ có siêu hạm phòng không Project 15A Kolkata.
|
Ông Wenhai cho rằng, Hải quân Ấn Độ thiếu năng lực cảnh báo sớm đường không hoạt động từ tàu sân bay. Mặc dù Mỹ có thể bán máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeye cho Ấn Độ nhưng máy bay này không thể hoạt động trên tàu sân bay INS Vikramaditya. Nếu không có các máy bay AWACS hoạt động, tàu sân bay của Ấn Độ sẽ không có khả năng nhận thức tình huống ở mức độ cao điều này ảnh hưởng xấu đến khả năng tác chiến.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cố tình quên là tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Hai tàu sân bay này đều được thiết kế boong tàu theo kiểu nhảy cầu nên không thể hoạt động các máy bay cánh cố định tải trọng lớn. Vị chuyên gia này chỉ ra điểm yếu của tàu sân bay Ấn Độ nhưng chính ông ta lại thừa nhận luôn “điểm yếu chí tử” của tàu sân bay Liêu Ninh.
|
Tàu Liêu Ninh cũng dùng boong phóng nhảy cầu, vì vậy chuyên gia Trung Quốc chê tàu Ấn Độ cũng đồng nghĩa với việc họ từ thừa nhận điểm yếu của Liêu Ninh.
|
Nói về tiêm kích trên hạm, ông Wenhai cho rằng, tiêm kích trên hạm MiG-29K có khả năng hoạt động tác chiến thua kém tiêm kích trên hạm F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ và sau tiêm kích trên hạm J-15 của nước này. Mặc dù xét về tải trọng vũ khí MiG-29K không bằng J-15 nhưng điều đó không có nghĩa là MiG-29K sẽ kém J-15 mà ngược lại.
Cần nhớ rằng J-15 là một tiêm kích “hồn Nga da Trung Quốc” sao chép lại từ nguyên mẫu T-10K của tiêm kích hạm Su-33. Trong khi đó MiG-29K được thiết kế để thay thế Su-33, hiển nhiên là nó phải tốt hơn tiêm kích cũ. Còn J-15 vẫn là một mẫu thử nghiệm không hơn không kém, còn MiG-29K đã đi vào hoạt động trong Hải quân Nga và sẵn sàng hoạt động trong Hải quân Ấn Độ.
|
Tiêm kích hạm MiG-29K được Hải quân Nga lựa chọn để thay thế Su-33, không có lý gì nó lại kém hơn J-15 - bản sao chép công nghệ từ Su-33.
|
Một khía cạnh khác mà chuyên gia Trung Quốc chê bài tàu sân bay Ấn Độ là có lượng giãn nước nhỏ hơn nhiều so với tàu sân bay Liêu Ninh. Tàu sân bay INS Vikramaditya có lượng giãn nước toàn tải 45.000 tấn mang theo 30 máy bay các loại trong đó có 24 chiếc tiêm kích trên hạm MiG-29K.
Còn tàu sân bay Liêu Ninh có lượng giãn nước toàn tải 65.000 tấn, mang theo khoảng 56 máy bay trong đó có 30 tiêm kích trên hạm J-15. Lý thuyết là như vậy nhưng hiện tại tàu sân bay Liêu Ninh vẫn phải nằm “đắp chiếu” tại cảng nhiều hơn là hoạt động vì chưa có tiêm kích trên hạm.
Chê tàu sân bay INS Vikramaditya, đánh giá thấp tiêm kích trên hạm MiG-29K, nhưng hành động này của các chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng tự phơi bày luôn các điểm yếu của tàu sân bay Liêu Ninh.