Các bước tiến kỹ thuật quân sự Việt Nam (9)

Google News

Cải tiến xe tăng-thiết giáp và chế tạo áo giáp chống đạn là 2 trong nhiều thành tựu kỹ thuật quân sự mới của Việt Nam.

- Cải tiến xe tăng-thiết giáp và chế tạo áo giáp chống đạn là 2 trong nhiều thành tựu kỹ thuật quân sự mới của Việt Nam.

Cục kỹ thuật Binh chủng TTG luôn làm tốt công tác duy trì đảm bảo vũ khí trang bị cho các đơn vị toàn quân, đặc biệt cục còn đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến xe tăng, tên lửa.

Cục kỹ thuật thường xuyên tăng cường đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hệ số kỹ thuật cho vũ khí trang bị tăng – thiết giáp và tên lửa đặc chủng, luôn đảm bảo hệ số sẵn sàng chiến đấu cho các loại vũ khí khí tài.

Ngoài ra, cục kỹ thuật đã chủ động làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng, nhà máy Z153, phối hợp các cơ quan chức năng khác của Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện dự án cải tiến, hiện đại hóa nhiều vũ khí trang bị tăng – thiết giáp.

Điển hình là dự án cải tiến xe tăng T-54B, sản phẩm sau khi cải tiến đã tổ chức chạy và bắn thử thành công.
Sửa chữa xe tăng-thiết giáp ở Lữ đoàn xe tăng 215
Sửa chữa xe tăng-thiết giáp ở Lữ đoàn xe tăng 215

Trong 11 tháng đầu năm 2012, hoạt động khai thác trạm, Binh chủng Tăng-Thiết đã cơ bản đầu tư quy trình công nghệ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất các nhóm xe có trong biên chế cơ bản hoàn thành; thực hiện nghiêm các quy trình công nghệ.

Binh chủng đã hoàn chỉnh quy trình sửa chữa xe T54, T55, BMP-1, tổ chức sửa chữa mẫu và hoàn chỉnh quy trình sửa chữa xe thiết giáp bánh lốp; đầu tư củng cố, nâng cấp trạm xưởng sửa chữa, mua sắm trang thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất xe tăng-thiết giáp.

Chế tạo áo giáp chống đạn


Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã nghiên cứu chế tạo thành công áo giáp chống đạn từ vật liệu gốm oxit nhôm (Al2O3) siêu mịn tăng bền bằng Zr­O2 nano và vật liệu dyneema, có khả năng chống đạn đạt tiêu chuẩn cấp III+ theo tiêu chuẩn NIJ0101.04 của Mỹ.

Đây là sản phẩm của đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo áo giáp chống đạn trên cơ sở gốm Al2O3 tăng bền bằng nano ZrO2” do Tiến sĩ Tạ Văn Khoa thuộc Phòng Vật liệu (Viện Công nghệ) làm chủ nhiệm.

Tác giả đã nghiên cứu hoàn thành công nghệ chế tạo vật liệu gốm Al2O3 tăng bền bằng ZrO2 nano, với các hạt ZrO2 nano phân tán đồng đều trên nền Al2O3 giúp nâng cao đáng kể cơ tính của vật liệu.
 
Áo giáp chống đạn của Việt Nam.
Áo giáp chống đạn của Việt Nam.

Từ loại vật liệu đặc chủng này, tác giả đã nghiên cứu chế tạo thành công các tấm gốm có kết cấu dạng “mosai” đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật chế tạo tấm gốm chống đạn có khả năng chịu được nhiều phát bắn. Đồng thời, đề tài cũng xác định được công nghệ chế tạo tấm ép dyneema đạt độ bền cao, đáp ứng các yêu cầu chế tạo tấm chống đạn.

Đề tài đã chế tạo thành công 4 loại áo giáp chống đạn gồm: 2 loại từ vật liệu gốm Al2O3 tăng bền bằng ZrO2 nano và vật liệu composit dyneema đạt cấp độ chống đạn cấp III+ theo tiêu chuẩn NIJ0101.04 của Mỹ (chống được đạn 7,62x54mm); 2 loại áo giáp chống đạn còn lại được chế tạo từ 100% composit dyneema, có thể chống đạn súng AK47 cỡ 7,62x39mm theo tiêu chuẩn NIJ0101.04 của Mỹ ở khoảng cách bắn 15m.

Áo giáp chống đạn được chế tạo từ 100% composit dyneema có khối lượng nhẹ (khoảng 3,4kg/bộ) nên rất phù hợp cho trang bị. Các sản phẩm đều đã được thử nghiệm đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ, chiến thuật đặt ra.

Cải tiến thành công ca nô BMK-150


Cục Kỹ thuật thuộc Binh chủng Công binh đã nghiên cứu cải tiến thành công động cơ ca nô BMK-150 dùng để dắt phao PMP khi ghép cầu phao.

Ca nô BMK-150 được trang bị cho các đơn vị công binh sử dụng để kéo dắt phao PMP khi lắp cầu nối hoặc lai dắt phà từ phao PMP. Ngoài ra, ca nô còn được sử dụng trong chỉ huy, tuần tiễu, cơ động chiến đấu, cứu hộ cứu nạn… ca nô BMK-150 được lắp 2 động cơ xăng một dãy 6 xy-lanh.

Đây là loại động cơ xăng thế hệ cũ, công suất nhỏ. Qua thời gian dài sử dụng, hiện nay động cơ đã xuống cấp, không phát huy hết công suất như ban đầu. Hơn nữa, lượng tiêu thụ nhiên liệu cũng lớn hơn, trong khi độ tin cậy hoạt động lại giảm.
Ca nô BMK-150 chạy thử sau khi cải tiến động cơ.
Ca nô BMK-150 chạy thử sau khi cải tiến động cơ.

Việc bảo đảm kỹ thuật cho ca nô BMK-150 ở các đơn vị cũng ngày càng khó khăn do khan hiếm vật tư thay thế. Do đó, việc nghiên cứu diesel hóa 2 động cơ chính của ca nô BMK-150 là nhiệm vụ cần thiết.

Thay động cơ xăng bằng động cơ diesel cho ca nô BMK-150 mang lại nhiều ưu điểm: Động cơ diesel có độ bền cao, làm việc tin cậy và ít phải bảo dưỡng hơn so với động cơ xăng; tiết kiệm đáng kể nhiên liệu (giảm tiêu hao nhiên liệu từ 30% đến 40%).

Cục Kỹ thuật (Binh chủng Công binh) phối hợp với Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự (Tổng cục Kỹ thuật) đã nghiên cứu thiết kế và thực hiện diesel hóa thành công ca nô BMK-150.

Động cơ diesel được lựa chọn là loại động cơ có lắp bơm tăng áp được thiết kế nhỏ gọn với công suất lớn nhất là 90 mã lực, tương đương với động cơ nguyên thủy.

Kích thước lắp ráp của động cơ phù hợp với khoang động lực của ca nô BMK-150, không làm thay đổi nhiều đến kết cấu chung cũng như khả năng chịu tải của ca nô. Ngoài ra, động cơ thay thế có giá thành rẻ, phụ tùng thay thế sẵn có trên thị trường.

BMK-150 sau khi cải tiến (cải tạo, nâng cấp hệ thống động lực; cải tạo, nâng cấp hệ thống điện và các cơ cấu điều khiển; khôi phục các cụm hệ thống khác…) đã nâng cao đáng kể tính năng kỹ chiến thuật, tuổi thọ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như độ tin cậy khi hoạt động so với sản phẩm cũ.
 
Yến Phạm (theo Báo Quân đội Nhân dân)

Bình luận(0)