Lê Lựu lập quỹ nhà văn 1 tỷ

Google News

(Kiến Thức) - Dành số tiền chắt chiu, tiết kiệm cả đời, nhà văn Lê Lựu  thành lập quỹ nhà văn 1 tỷ đồng với mong muốn phát triển văn học nông thôn.

Dành 1 tỷ đồng để thành lập quỹ nhà văn mang tên mình, Lê Lựu đã khiến nhiều người bất ngờ, xúc động. Lý do, không chỉ cảm phục trước tâm huyết của một nhà văn già mà còn bởi ông vốn không phải là đại gia.
 Nhà văn Lê Lựu.
Cuộc sống và những nỗi buồn của tác giả "Thời xa vắng" có lẽ nhiều người đã từng biết đến. Hai đời vợ, 3 đứa con, thế nhưng đến cuối đời Lê Lựu lại sống một cuộc sống cô độc trong căn phòng cũng chính là nơi làm việc tại Trung tâm Văn hóa Doanh nhân. 
Người thân của ông cũng là những nhân viên trong Trung tâm mà không phải con cái hay cháu chắt. Không những thế ông còn mang trong mình cả thảy 14 căn bệnh: tim, phổi, thận, tiểu đường, tai biến…
Chia sẻ lý do dành 1 tỷ để thành lập quỹ, Lê Lựu cho biết, ông vốn xuất thân từ nông dân nên mong muốn có một cái gì đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của sáng tác văn học ở mảng đề tài nông nghiệp và nông thôn. Đây cũng chính là mảng đề tài đã làm nên tên tuổi của nhà văn Lê Lựu.
Về kinh phí của quỹ, Lê Lựu chia sẻ, ngoài 1 tỷ ông đóng góp, nhà văn kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè, người hâm mộ, các nhà hảo tâm, các doanh nhân, doanh nghiệp. Hiện tại đã có doanh nghiệp ủng hộ 100 triệu và doanh nhân Tạ Đức Quyết ủng hộ quỹ 1.000 mét vuông đất tại đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh) để làm trại sáng tác cho các nhà văn.
Trước câu hỏi, dành số tiền khá lớn để làm quỹ, cuộc sống của nhà văn có gặp khó khăn, Lê Lựu cho biết, ông vẫn còn lương, chế độ bảo hiểm của quân đội nên không ảnh hưởng đến cuộc sống và chữa bệnh.
 Cuộc sống của nhà văn Lê Lựu tại Trung tâm Văn hóa Doanh nhân.
Trong sự nghiệp cầm bút, với khoảng 20 tác phẩm, dù không nhiều nhưng đủ để tên tuổi Lê Lựu còn sống mãi trong lòng bạn đọc. Trong những tác phẩm ấy phải kể đến: Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Mở rừng…
Đặc biệt, tác phẩm nổi tiếng nhất của Lê Lựu là “Thời xa vắng”, đó cũng là câu chuyện ông lấy nguyên mẫu từ chính mình. Cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh chuyển thể thành phim truyện nhựa năm 2003 và giành giải thưởng Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam 2004.
Nguyệt Cát

Bình luận(0)