Câu hỏi đầu tiên khi con bước ra khỏi cổng trường thi thường là “con có làm bài được không”. Câu hỏi này đôi khi tưởng là cửa miệng vô thức phát ra, nhưng thực sự đó là tình cảm, kỳ vọng, mong chờ dồn nén trong lòng phụ huynh từ bao ngày qua, từ khi con ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi có thể nói là quyết định cánh cửa vào đời…
Nhưng có lẽ sự quan tâm, lo lắng của cha mẹ đôi khi vô tình lại tạo áp lực thi cử căng thẳng cho chính bản thân phụ huynh và cho con trẻ.
|
Ảnh minh họa: Internet |
17- 18 có lẽ là lứa tuổi còn ăn chưa no lo chưa tới, nhất là với những cậu ấm cô chiêu quen được cha mẹ bao bọc, thế nên đối với các em sự lo lắng, chuẩn bị cho kỳ thi dù rất quan trọng này cũng có thể không phải là điều gì quá căng thẳng, áp lực. Nhiều bậc phụ huynh vẫn bảo: “nó cứ nhơn nhơn có biết lo gì đâu”, “mình còn lo hơn nó”, hay “nó thi mà mình lo như đi đánh trận, còn nó thì cứ bình chân như vại”,…
Thậm chí nhiều bậc cha mẹ đến ngày con thi còn mất ăn mất ngủ, lo lắng, căng thẳng chuẩn bị cho con. Không ít phụ huynh đêm trước ngày thi lo đến nỗi thức trắng đêm, canh cho con ngủ để đến giờ thì gọi dậy, không sợ con ngủ quên. Cũng không ít phụ huynh cầu kỳ chuẩn bị bữa ăn sáng sao cho đủ dinh dưỡng, ấm bụng để con đi thi mà lại không “phạm húy”. Rồi lại có những phụ huynh, ngày con thi cha mẹ cũng dậy sớm, sửa soạn ban thờ, thắp nén nhang mong ông bà tổ tiên phù hộ cho con thi tốt,…
Lại có những gia đình mà ngày thi cử như những ngày vào “trận chiến”, đến không khí cũng căng thẳng, ngột ngạt, cười không dám cười, nói không dám nói, đến “thở cũng phải khẽ khàng” vì sợ “kinh động” đến không gian yên tĩnh, ảnh hưởng sự tập trung ôn bài của con…
Thực sự tất cả những điều ấy, phần này hay phần khác đều hiện diện trong đời sống của mỗi gia đình có con là sĩ tử. Những điều ấy có thể chỉ là xuất phát từ sự quan tâm, lo lắng cho con. Nhưng ranh giới giữa sự quan tâm và vô tình tạo áp lực trong hoàn cảnh này vô cùng mong manh.
Cùng là quan tâm, lo lắng; nhưng đón con ra khỏi phòng thi bằng nụ cười tươi tắn và câu hỏi “mệt không con?” chắc chắn sẽ có giá trị động viên tinh thần con hơn rất nhiều thái độ lo lắng, căng thẳng, ánh mắt đăm chiêu và câu hỏi “làm được bài không con”, “đề thế nào”, “đề có dễ không”, “làm hết không”,…
Cùng là quan tâm, lo lắng; nhưng đón con khỏi phòng thi với nụ cười ấm áp và rủ rê trà sữa, cà phê, hay về nhà nghỉ ngơi, nói dăm ba câu chuyện linh tinh giúp con thư giãn chắc chắn có giá trị tinh thần tốt hơn nhiều lần so với việc lên mạng xem đáp án rồi cùng nhau nhẩm tính số điểm đạt được…
Cùng là quan tâm, lo lắng; nhưng việc nhìn con, đoán thái độ khi con ra khỏi phòng thi và chia sẻ buồn vui, động viên kịp thời, sát thực tế chắc chắn có giá trị tinh thần tốt hơn việc dò hỏi gây áp lực căng thẳng cho con. Chẳng hạn nhìn vẻ mặt, thái độ của con kém vui, thì câu nói “Thôi thi xong là xong rồi, về nghỉ ngơi thôi con, kết quả thế nào tính tiếp” chắc chắn sẽ khiến trẻ cảm thấy được yêu thương và tìm chỗ dựa tinh thần nơi cha mẹ nhiều hơn rất nhiều so với thái độ bực bội, khó chịu, kiểu: “nhìn thế kia là không làm được bài rồi”…
Thi THPT Quốc gia 2019, suy cho cùng cũng chỉ là một kỳ thi trong vô số những kỳ thi mà các con đã trải qua trong đời. Trúng tủ hay không, đề dễ hay khó, làm được nhiều hay ít, kết quả cao hay thấp,… đều là chuyện đã qua sau khi cánh cổng trường thi khép lại.
Cha mẹ hãy đơn giản nghĩ rằng tấm bằng đại học không phải cánh cửa duy nhất vào đời, để từ đó có cái nhìn thoáng hơn, đừng tạo thêm áp lực, căng thẳng cho con cái. Hãy chào đón con bằng nụ cười thật tươi, hỏi con có mệt không, “về nhà đi con” đã là cách động viên con lớn nhất, ít áp lực nhất cho cả phụ huynh và sĩ tử….