Phân tích đề Ngữ văn THPT Quốc gia 2019: Hay và phân loại cao

Google News

(Kiến Thức) -Đề thi Ngữ văn đã được các học sinh, giáo viên, chuyên gia giáo dục đánh giá là có tính phân loại cao nhưng không khó và đều có trong chương trình học. Đề thi an toàn khi vừa sức với cả những học sinh trung bình, tuy nhiên cần sự hiểu biết sâu sắc thì mới đạt điểm cao, tuyệt đối nên có sự phân hóa cao.

Sáng 25/6, hơn 886.000 thí sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019 với môn thi Ngữ Văn với thời gian làm bài 120 phút. Ngay khi kết thúc môn thi đầu tiên, đề thi Ngữ văn đã được các học sinh, giáo viên, chuyên gia giáo dục đánh giá là có tính phân loại cao nhưng không khó và đều có trong chương trình học. Đề thi cũng được đánh giá là an toàn khi vừa sức với cả những học sinh trung bình, tuy nhiên cần sự hiểu biết sâu sắc thì mới đạt điểm cao, tuyệt đối nên có sự phân hóa cao.
Đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia 2019 gồm 2 phần. Phần Đọc hiểu (3 điểm với 4 câu hỏi), ngữ liệu là 1 đoạn trích trong tác phẩm “trước biển” của Vũ Quần Phương (Thơ Việt Nam 1945-1985, NXB Văn học, 1985) và phần làm văn 7 điểm với 2 câu hỏi. Trong đó, câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh, từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, viết đoạn văn về sức mạnh ý chí con người trong cuộc sống. Câu nghị luận văn học yêu cầu nêu cảm nhận về hình tượng dòng sông Hương, trong đoạn trích tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Phan tich de Ngu van THPT Quoc gia 2019: Hay va phan loai cao
 Đề thi môn Ngữ Văn.
Đánh giá tổng thể đề thi năm nay có tính phân hóa cao, bám sát cấu trúc chung của Bộ GD&ĐT đã định hướng vừa giưa được đặc trưng bộ môn, đảm bảo đúng cấu trúc mang tính thống nhất lại vừa kiểm tra được kiến thức kỹ năng của các thí sinh.
Những ngữ liệu cho phần Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học có dung lượng vừa phải phù hợp với thời lượng 120 phút, có khả năng khơi gợi những suy nghĩ, xúc cảm mang giá trị nhân văn và có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc cho học trò.
Cụ thể, câu đọc hiểu là một đoạn văn bản thơ “Trước biển” của nhà thơ Vũ Quần Phương. Đây là 1 ngữ liệu mới với học sinh nhưng các dạng câu hỏi như thể loại; ý nghĩa hình ảnh thơ; hiệu quả biện pháp tu từ; suy nghĩ của học sinh về 1 vấn đề “hành trình theo đuổi khát vọng”... Các thí sinh khi ôn luyện đều đã được làm quen.
Đáng chú ý, trong phần đọc hiểu những câu hỏi từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao hầu như không thay đổi từ nội dung, mức độ cho đến phạm vi kiến thức, kĩ năng. Những yêu cầu kiểm về kiến thức Tiếng Việt vẫn được lưu ý nhiều hơn so với kiểm tra khả năng suy nghĩ và cảm nhận về nội dung của ngữ liệu.
Sự chênh lệch ở mức độ khó nhân lên ở các câu hỏi như nếu câu một chỉ nhận diện thể thơ điều này không khó khi thí sinh đã có kiến thức sẽ biết ngay khổ thơ thuộc thể thơ tự do. Câu 2, sự thông hiểu chỉ dừng lại trong việc giải mã nội dung các dòng thơ tương đối hiển ngôn khi ngay trong nội dung của hai dòng thơ đã nói lên những khó khăn, cực nhọc, vất vả của biết bao kiếp người. Đồng thời, ca ngợi những phẩm chất cần cù, chịu khó, hy sinh của con người, thể hiện tấm lòng thương cảm, xót xa, yêu mến, trân trọng của tác giả đối với những con người gắn bó cuộc đời với biển cả.
Câu 3 yêu cầu học sinh phải chỉ ra hiệu quả của phép điệp trong 4 dòng thơ. Câu này có thể sẽ khiến nhiều thí sinh cảm thấy khó khi sự mơ hồ giữa 1 tầng nghĩa không hướng tới ý nghĩa của phần thông hiểu cũng như chủ đề sẽ hướng tới của phần nghị luận xã hội sau đó. Tuy nhiên, nếu đã học kỹ có thể hiểu phép điệp trong 4 dòng thơ trên giúp nhấn mạnh, tô đậm vẻ đẹp của biển cả: hào hiệp, kiên nhẫn, nghiêm trang, từ đó tác giả thể hiện tình yêu của mình với biển cả; khẳng định, ca ngợi phẩm chất của con người lao động. Những nhịp thơ nhanh gấp gáp như lời kể về câu chuyện của biển cả muôn đời.
Bởi vậy, các câu hỏi 1,2,3 không hoàn toàn mang chức năng là sự chuẩn bị, khai phá, khơi mở cho nội dung vận dụng cao trong câu 4 . Tuy nhiên, tại câu hỏi 4 về những suy nghĩ của bản thân về hành trình theo đuổi khát vọng của con người thì không quá khó. Học sinh chỉ cần chỉ là được khát vọng là những ước mơ, mong muốn của con người trong cuộc sống. Tuy nhiên, hành trình theo đuổi khát vọng không bao giờ là đơn giản, thuận lợi, có những hi sinh, những mất mát. Vượt lên trên tất cả là sự hiên ngang, ý chí nghị lực phi thường luôn sẵn sàng tiến về phía trước và khi đủ đam mê để theo đuổi tận cùng khát vọng, sẽ gặt hái những thành công, những kinh nghiệm hay bài học quý giá.
Câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn về “sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống” khá thực tiễn với cuộc sống, tạo được hứng thú cho học sinh cảm nhận và đưa ra quan điểm của bản thân từ góc nhìn chân thực, mang tính cụ thể, không giáo điều, máy móc và cũng là vấn đề tương đối phù hợp với 9 câu thơ sau của ngữ liệu Đọc hiểu. Câu nghị luận xã hội này cũng không đánh đố, có tính định hướng tốt, vấn đề bao quát, chạm đến lẽ sống “ý chí” con người; nhưng vẫn gợi được tính thời đại, thời sự, trách nhiệm suy nghĩ của giới trẻ.
Những thí sinh đã được ôn luyện học tập, có kỹ năng am hiểu cuộc sống đều có thể hiểu cách triển khai từ việc giới thiệu về sức mạnh của ý chí (giúp con người có đủ niềm tin tin, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành công, liên tưởng công việc học tập...) từ đó phân tích những biểu hiện của sức mạnh ý chí như liên tưởng sức mạnh ý chí đã giúp các anh hùng xưa lập nên những kỳ tích, ngày nay giúp phát triển đất nước vững mạnh. Con người ở thời điểm nào cũng vậy, nếu không có ý chí khát vọng, làm sao có thể cập bến hạnh phúc, đề cập đến khổ thơ của Vũ Quần Phương bên cạnh việc ngợi ca khát vọng còn đề cao sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Từ đó, bàn luận mở rộng vấn đề về việc luôn rèn luyện cho bản thân có ý chí thép từ những hành động nhỏ nhất và lấy ví dụ về những kẻ không có ý chí, thấy khó khăn là nản lòng, thấy thử thách là chùn bước và nếu như không có ý chí sẽ không thể vượt lên trong cuộc sống mà chỉ trông vào sự thương hại và giúp đỡ của người khác như thế khác gì sống mòn. Cuối cùng là liên hệ với bản thân và rút ra bài học từ việc đó.
Tại câu Nghị luận văn học, theo các thầy cô trong Tổ Văn của Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, ngữ liệu nghị luận là phần mở đầu của đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông” – một đoạn văn đẹp, giàu chất thơ, thể hiện sinh động vẻ đẹp hung vĩ, thơ mộng, đắm say của dòng sông Hương nơi thượng nguồn và cũng thể hiện đồng thời những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: tài hoa và trí tuệ, sâu sắc và tình tứ, hướng nội và đắm say…Đây là một ngữ liệu giúp khơi gợi những xúc cảm thẩm mĩ phong phú của học trò.
Đối với câu hỏi này, yêu cầu nghị luận được thể hiện trong 2 ý của câu lệnh: Ý thứ nhất là cảm nhận về hình tượng sông Hương là một nội dung phù hợp, chính xác với ngữ liệu, cũng là yêu cầu thể hiện vấn đề trọng tâm cơ bản của toàn bộ bài bút kí. Ý thứ hai, “nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường” thực chất là yêu cầu học sinh phải chỉ ra được góc nhìn mang tính chất mới mẻ, độc đáo của nhà văn về dòng sông Hương của xứ Huế - bởi theo tâm thế của văn học nghệ thuật từ văn, thơ, nhạc, họa từ xưa đến nay luôn hình dung miêu tả về sông Hương chỉ với một “khuôn mặt kinh thành” của một dòng sông êm đềm, phẳng lặng, nhiều khi buồn bã, tự như không trôi chảy…và ngược dòng không gian, tìm hiểu vẻ đẹp của sông Hương nơi thượng nguồn chính là góc nhìn mới mẻ, độc đáo ấy của nhà văn giúp người đọc có thể khám phá những gương mặt khác, những vẻ đẹp khác của dòng sông, cũng giúp lí giải được “vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ” của dòng sông trong thành Huế. Và do đó, nếu diễn đạt trong câu lệnh là “góc nhìn mới về sông Hương” có lẽ sẽ chính xác hơn là cách nhìn mang tính “phát hiện”.
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)