TS. Phạm Đức Thi kể chuyện khám bệnh cho trời thời “ông bà anh”

Google News

“Thời ấy, tính toán dùng bàn gảy, thước lôgarit, đề tài nghiên cứu đều “chay”. Nhưng chúng tôi rất chịu khó quan sát bầu trời, chú trọng ghi chép, tổng kết hiện tượng xảy ra hàng ngày...”, TS. Phạm Đức Thi, nhà dự báo khí tượng hàng đầu Việt Nam nhớ lại.

Định mệnh gắn tôi với việc "khám bệnh" cho trời
TS. Phạm Đức Thi, nguyên Trưởng phòng Dự báo Hạn vừa và dài, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, là chuyên gia kì cựu về dự báo khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
TS. Pham Duc Thi ke chuyen kham benh cho troi thoi “ong ba anh”
 TS. Phạm Đức Thi
TS. Phạm Đức Thi đến với ngành khí tượng một cách tình cờ, định mệnh. Ông kể lúc thiếu thời, ông yêu ngành sinh vật. Từ những năm miền Bắc mới được giải phóng (1954), ông đã mày mò ghép thành công cam trên bưởi và trồng nhiều loại hoa, cây cảnh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông quyết định thi vào khoa Sinh vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Chưa kịp nhập học, ông nhận được giấy báo đi học nước ngoài (Liên Xô). “Tôi cùng hai bạn khác được thông báo sẽ đi học ngành ngoại giao. Sau một năm học ngoại ngữ chúng tôi được lên tàu liên vận sang Liên Xô”.
Ông kể tiếp: "Cuộc đời thật lắm bất ngờ. Vừa chân ướt, chân ráo đến Matxcơva tôi lại được thông báo sẽ chuyển từ ngành xã hội sang ngành khoa học tự nhiên. Thế là tôi chuyển về học Khí tượng tại trường Đại học Khí tượng Thủy văn Odessa, Ucraina. Tôi chưa từng nghe đến từ “khí tượng” bao giờ nên hết sức bỡ ngỡ, rất chán nhưng phải chấp hành. Tôi thực sự bước chân vào ngành khí tượng từ đó”.
TS. Phạm Đức Thi tâm sự, sau này khi học và làm việc ông dần yêu công việc “lặng lẽ” này. Đặc biệt, năm 1971, đúng năm lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành Bắc Bộ, ông được cử đi học nghiên cứu định hướng nghiên cứu về mưa lớn, hạn hán. Đó là bước ngoặt trong sự nghiệp nghiên cứu của ông, như một cái nghiệp đeo bám cho đến cuối đời: đi sâu nghiên cứu quy luật các hiện tượng thời tiết cực đoan như rét đậm, rét hại, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán...
Tôi ôm mặt khóc: Dự báo đúng rồi
TS. Phạm Đức Thi kể, ở thế hệ ông, điều kiện vật chất, trang thiết bị kỹ thuật rất thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu. Tính toán chủ yếu dùng bàn gảy, thước lôgarit. Sau này mới có máy tính nhưng ở mức độ còn thô sơ. Các đề tài nghiên cứu đều “chay”, sau này có chút kinh phí nhưng rất khiêm tốn.
Mặt khác chiến tranh phá hoại của Mỹ ra Miền Bắc rất ác liệt, sự quan tâm của xã hội đối với khí tượng thủy văn lúc ấy còn ít, nếu có thể nói là khá thờ ơ.
“Vượt lên tất cả với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng tôi rất chịu khó quan sát bầu trời, chú trọng ghi chép, tổng kết những hiện tượng thời tiết xảy ra hàng ngày, đúc kết quy luật của chúng...”, TS. Phạm Đức Thi khẳng định.
TS. Pham Duc Thi ke chuyen kham benh cho troi thoi “ong ba anh”-Hinh-2
Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng TS. Phạm Đức Thi vẫn đi khắp nơi để đưa các kiến thức khí tượng, thủy văn, môi trường đến với cộng đồng.
Ông kể thêm, chính trong những ngày gian khó, thành quả tạo ra có một ý nghĩa vô cùng to lớn.
Ông bật mí khoảng năm 1967, khi được Nha Khí tượng điều về công tác tại Đài Khí tượng tỉnh Hải Hưng (sáp nhập giữa 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên), ông nhận ra đối tượng phục vụ chính ở địa phương là nông nghiệp nên ngoài kiến thức về khí tượng thủy văn, ông tìm đọc nhiều tài liệu về nông nghiệp như lúa, ngô, khoai...
"Có thời kỳ tôi đạp xe hàng tháng đến hầu hết các huyện, thị ở trong tỉnh để tuyên truyền về lịch thời vụ cây lúa do tôi biên soạn và những điều cần thiết để tránh những yếu tố thời tiết nguy hiểm xảy ra có hại cho cây trồng. Vụ đông xuân năm đó, nhân dân thắng lớn. Nhìn những thành quả mình làm ra giúp đỡ được bà con, tôi thấy mình là người có ích", TS. Phạm Đức Thi chia sẻ.
Đặc biệt, ông nhớ lại kỉ niệm đặc biệt trong đời. Đó là năm 1968, sau trận lụt ở Hải Dương, nước đã rút nhưng còn nhiều trên đồng ruộng. Đúng lúc đó Chủ tịch tỉnh gặp và hỏi TS. Phạm Đức Thi: mấy ngày tới mưa hay nắng để tỉnh có hướng chỉ đạo.
Ông kể, ông đã thật sự lo lắng về yêu cầu quá lớn và quá nghiêm trọng đối với một kỹ sư dự báo mới ra trường như ông. Song lấy lại bình tĩnh, ông can đảm trả lời: “Thưa các đồng chí, sẽ có mưa to trong một vài ngày tới”.
Sau buổi gặp đó, về cơ quan ông lo lắng đến mất ăn, mất ngủ, luôn ngồi cạnh máy điện thoại nghe ngóng thông tin, theo dõi biến động thời tiết hàng giờ. Cả ngày hôm đó và ngày hôm sau trời không mưa, ông hồi hộp đợi. Đêm hôm sau trời chuyển gió, sấm chớp ầm ầm và mưa to. Ông ôm mặt khóc: Dự báo đúng rồi.
Buổi trưa sau hôm mưa, ông đã nhận được cuộc gọi: "Cám ơn đồng chí về bản tin dự báo vừa rồi. Tính toán sơ bộ, do chủ động tháo nước không phải dùng máy bơm nên tỉnh tiết kiệm được khoảng 20.000 đồng".
Ông nhớ lại "Hai chục ngàn lúc đó to lắm. Tôi bất ngờ và cảm động về việc các lãnh đạo tỉnh đã tin vào dự báo mà tháo nước cho tự chảy đi, thật táo bạo. Đó là kết quả phục vụ dự báo đầu tiên, một kỉ niệm nhớ đời, tạo động lực cho tôi đi sâu vào nghề nghiệp”.
Mong ngành khí tượng được đầu tư hơn nữa
Sau khi nghỉ hưu (2001), TS. Phạm Đức Thi cũng như một số đồng nghiệp khác gần như không nghỉ ngơi, tham gia đào tạo trên đại học, liên danh cùng nhiều tác giả biên soạn tài liệu, xuất bản các ấn phẩm về biến đổi khí hậu, môi trường...
Ông bôn ba nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam, từ vùng núi đến miền ven biển, tổ chức các lớp tập huấn về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đưa các kiến thức khí tượng, thủy văn, môi trường đến với cộng đồng.
Đặc biệt, hiện nay biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ khiến, thiên tai xảy ra thường xuyên, khốc liệt hơn ở nhiều địa phương. Điều này khiến TS. Phạm Đức Thi lo lắng. “Mong mỏi của tôi, chắc cũng là mong mỏi của nhiều nhà khí tượng thủy văn khác, là nâng cao hơn năng lực dự báo, nhất là dự báo các hiện tượng thời tiết thủy văn cực đoan, phục vụ phòng chống thiên tai”, ông khẳng định.
Muốn vậy, theo TS. Phạm Đức Thi, ngành khí tượng thủy văn cần được hiện đại hóa cao hơn. Đầu tư về con người và các trang thiết bị hiện đại theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực. Ngoài ra, cần tăng các trạm đo tự động các yếu tố khí tượng thủy văn cho các vùng sâu vùng xa, nơi dễ xảy ra thiên tai. Cùng với đó là nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ môi trường, chủ động trong phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lan Hoa

>> xem thêm

Bình luận(0)