GS. Nguyễn Tấn Hùng và “giấc mộng” xe lăn điều khiển bằng ý nghĩa

Google News

Giúp người khuyết tật nặng hoạt động độc lập và kiểm soát tốt hơn là một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm trong sự nghiệp của GS. TS. Nguyễn Tấn Hùng. Và giấc mộng đã thành hiện thực. Sản phẩm được xếp thứ ba trong 100 sáng chế hàng đầu của Úc năm 2011.

Sáng chế vì con
GS.TS Nguyễn Tấn Hùng là nhà khoa học Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Úc. Từ năm 2018, ông giữ chức phó hiệu trưởng phụ trách khoa khoa học kỹ thuật và công nghệ tại Đại học Công nghệ Swinburne.
GS. Nguyen Tan Hung va “giac mong” xe lan dieu khien bang y nghia
GS.TS. Nguyễn Tấn Hùng.  
Đam mê của GS.TS. Nguyễn Tấn Hùng là nghiên cứu kỹ thuật y sinh, trí tuệ nhân tạo và khoa học thần kinh. Trong đó, ông dành nhiều tâm tư để hiện thực hóa giấc mơ tạo ra một sản phẩm giúp người khuyết tật nặng hoạt động độc lập và kiểm soát tốt hơn.
GS.TS. Nguyễn Tấn Hùng kể, ông dành hết tâm lực cũng như trí lực để nghiên cứu về lĩnh vực này một phần vì lý do cá nhân. Năm 2005, con trai lớn của ông gặp tai nạn và khả năng bị liệt.
Với ý nghĩa phải làm gì đó cho con và những người khuyết tật, ông liền nghĩ đến chiếc xe lăn. Nghiên cứu về xe lăn thực ra đã có từ rất lâu, nhưng giấc mơ của ông là phải tạo ra một cuộc cách mạng lớn cho chiếc xe lăn, đấy là sử dụng ý nghĩa để điều khiển xe lăn.
Trong khoảng gần 10 năm với nhiều tâm sức, trí tuệ và thời gian xe lăn thông minh Aviator ra đời với hai loại là SAM (thiết bị bán tự động) và TIM (thiết bị thông minh do suy nghĩ điều khiển).
Đối với xe lăn SAM, người sử dụng đội mũ trang bị cảm biến không dây và cử động đầu để điều khiển xe với sự hỗ trợ của máy tính và các cảm biến laser và camera. Còn với xe lăn TIM, người sử dụng mang máy quét nhỏ hơn hộp diêm sau đầu. Máy quét nhận diện sóng não (điện não đồ) rồi diễn dịch thành lệnh điều khiển xe lăn. 
Điều đáng nói, chính con trai ông sau khi khỏi bệnh đã đồng hành cùng ông xây dựng, hoàn thành công trình này. Đặc biệt, con trai ông đã dùng chính công trình này để làm đề tài nghiên cứu lấy học vị tiến sỹ.
Hệ thống xe lăn Aviator của GS.TS. Nguyễn Tấn Hùng sau này được xếp thứ ba trong 100 sáng chế hàng đầu của Úc năm 2011 do tạp chí kinh tế và cải tiến Anthill (Úc) bình chọn.
Hướng về quê hương
Trước khi thành công với sáng kiến Aviator, GS.TS. Nguyễn Tấn Hùng đã rất nổi tiếng trên đất Úc. Ông và các cộng sự của mình đã nghiên cứu và thành công với nhiều phát minh về thiết bị y tế.
GS. Nguyen Tan Hung va “giac mong” xe lan dieu khien bang y nghia-Hinh-2
 GS.TS. Nguyễn Tấn Hùng bên hệ thống xe lăn Aviator
Ông cho biết, một trong những sản phẩm gây tiếng vang khác của ông trong giới khoa học phải kể đến phát minh HypoMon với thiết bị chuyên theo dõi chứng bệnh tiểu đường.
Thiết bị này giúp đo được lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức quy định và kết nối với một hệ thống báo động giúp bệnh nhân tránh khỏi những biến chứng do giảm glucoza huyết mà không cần phải lấy máu làm xét nghiệm.
Ngoài ra, ông và các cộng sự còn nghiên cứu chế tạo các thiết bị chuyên phát giác bệnh ung thư vú sớm, máy báo chứng bệnh parkinson, máy kiểm tra sức khỏe dành cho các tài xế…
GS.TS. Nguyễn Tấn Hùng đã có 330 bài nghiên cứu xuất bản với các bút danh Nguyen, HT; Nguyen, Hung T.; Nguyen, Hung Tan. Ông đã được cấp 13 bằng sáng chế, được trao huân chương "Thành viên Úc" (AM-Member of the Order of Australia) năm 2002, giải thưởng Giảng dạy UTS (hạng mục cá nhân) năm 2000 và huy chương về nghiên cứu đặc biệt tại UTS năm 2016.
Đặc biệt, dù là nhà khoa học nổi tiếng trên đất Úc, nhưng GS.TS. Nguyễn Tấn Hùng luôn nhớ về quê hương.
Ông cho biết, dù đang sinh sống, làm việc tại Australia nhưng hàng năm, ông vẫn tranh thủ thời gian về thăm quê hương và mong muốn "làm gì đó" cho đất nước.
Ông kể ông luôn tạo cơ hội và giúp đỡ sinh viên Việt Nam tại nơi ông làm việc. Có khá nhiều bạn sinh viên Việt Nam đã và đang trở thành một bộ phận không thể thiếu trong mạng lưới nghiên cứu mà ông và các cộng sự đã xây dựng.
GS.TS. Nguyễn Tấn Hùng rời Việt Nam vào năm 1971 khi nhận học bổng ngành kỹ sư điện ở Úc. Ông lấy bằng thạc sĩ năm 1977 và định cư ở nước này vào năm 1979. Đến năm 1980, ông nhận bằng tiến sĩ và làm việc tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS), sau đó lần lượt giữ chức phó trưởng khoa (năm 2003-2009) và trưởng khoa (năm 2010-2014) khoa kỹ thuật và công nghệ thông tin, trợ lý phó hiệu trưởng (năm 2014-2017).

Mời độc giả xem video:Bé gái 20 tháng tuổi mắc Covid-19. Nguồn: THDT.



Thu Hà (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)