Năm 2024, PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh vinh dự là 1 trong 135 trí thức cả nước được Liên hiệp các Hội KH& KT Việt Nam tôn vinh là "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu.
|
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh (hàng trên cùng, thứ 2 từ trái qua) vinh dự được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng danh hiệu “Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu” năm 2024. |
Đất nước đủ nguồn dược liệu chăm sóc sức khỏe người dân
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam và hiện là Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, đất nước ta có nguồn dược liệu rất phong phú, đủ để chăm sóc sức khỏe của người dân. Đây là một lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Nguồn dược liệu phong phú có thể kể đến từ dược liệu ngắn ngày như hoa cúc, cà gai leo… đến dược liệu 1 năm 1 vụ như hoài sơn…, rồi lâu năm như ba kích, đinh lăng, sâm, quế… Đặc biệt, cả 4 loại dược liệu quý, được gọi là tứ đại danh dược là sâm – nhung – quế - phụ thì Việt Nam đều có.
|
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh tại Ngày Hội Đông y năm 2023. Ảnh: Mai Loan. |
Với nguồn dược liệu phong phú như vậy, tại Việt Nam, khi người dân đau ốm thì có thể tìm tới cả Đông y lần Tây y để chữa bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình khám chữa bệnh, đối với việc cấp cứu, các bệnh viện Tây y đang chiếm ưu thế và làm rất tốt. Nhưng việc điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, điều trị bằng Đông y rất hiệu quả, ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng.
Chẳng hạn, đối với nhóm các bệnh về cơ xương khớp khi dùng thuốc thảo dược, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu mang lại hiệu quả tốt mà không có tác dụng phụ, trong khi sử dụng Tây y trong thời gian dài có thể sẽ ảnh hưởng tới dạ dày, giảm bạch cầu… Hoặc đối với chứng bệnh mất ngủ, Đông y có thuốc giúp an thần, mang lại giấc ngủ ngon và sâu, cơ thể vẫn khỏe mạnh, trong khi dùng thuốc ngủ Tây y có thể mệt mỏi.
Hoặc trong đại dịch COVID-19, Đông y cũng tham gia rất hiệu quả, nhất là điều trị các rối loạn về sức khoẻ của chứng Hậu COVID-19.
Ngoài ra, đối với vấn đề sức khỏe, hai là thẩm mỹ, các sản phẩm từ Đông y hoặc có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên được đặc biệt ưa chuộng vì hiệu quả cao trong điều trị bệnh lại lành tính, ít hoặc hầu như không có tác dụng phụ. Đây cũng là xu hướng của thế giới. Đông y có nguyên tắc: “Đẹp hình hài là công năng của huyết. Mạnh hình hài là công năng của khí”. Thuốc bổ huyết làm cho huyết đầy đủ, huyết mát, huyết lưu thông, làm cho khí huyết đầy đủ thì người sẽ hồng hào, đẹp tự nhiên. Vậy là vừa làm đẹp, vừa tốt cho sức khỏe.
“Đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh đã nói câu nổi tiếng “Nam dược trị Nam nhân”, nhưng kiến thức khám chữa bệnh bằng Đông y hiện nay nếu không được đào tạo một cách chuẩn mực thì chính những người biết cây thuốc sẽ dần ít đi. Cho nên, Hội Đông y Việt Nam đang phối hợp với Hội Quân dân y chuẩn bị xuất bản cuốn sách: “Những cây thuốc, vị thuốc trải nghiệm từ bộ đội cụ Hồ”. Đây là cuốn sách rất đặc biệt, nguồn từ phỏng vấn trực tiếp từ những người lính”, ông Cảnh chia sẻ.
Cơ duyên từ Tây y “rẽ ngang” sang Đông y
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh sinh năm 1960 tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Chia sẻ về lý do chọn Đông y, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho rằng, có lẽ là do số mệnh, nhưng cũng là một niềm đam mê, nhiệt huyết.
“Đó là tình yêu đối với cây cỏ, với cây thuốc. Và một điều rất quan trọng, đó là Đông y đã đem tới cho tôi một cơ thể khỏe mạnh. Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ đã chăm sóc sức khỏe cho tôi đều bằng Đông y. Tôi tốt nghiệp BS Tây y, chuyên ngành Nội nhi của Trường ĐH Y Hà Nội năm 1978. Sau đó, tôi mới sang Trung Quốc học Đông y. Đó là một cái “duyên”. Do tôi yêu thích Đông y từ nhỏ. Cho đến bây giờ, tôi thấy mình đã chọn đúng nghề, và rất hạnh phúc vì điều đó”, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh chia sẻ.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh là một trong những bác sĩ có uy tín và nổi bật trong ngành Đông y. Ông không chỉ giảng dạy tại Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam mà còn tham gia vào nhiều công trình nghiên cứu quan trọng về y học cổ truyền. Những công trình nghiên cứu của ông đã góp phần nâng cao giá trị khoa học của y học cổ truyền, đặc biệt trong việc ứng dụng các bài thuốc dân gian vào điều trị các bệnh lý phổ biến.
Trong suốt sự nghiệp của mình, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh đã thực hiện nhiều nghiên cứu về các bài thuốc chữa bệnh, đồng thời kết hợp Đông y với Tây y để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Ông cũng là người luôn trăn trở với việc làm sao để có thể nâng cao chất lượng của nền y học cổ truyền, trong đó có việc đào tạo đội ngũ lương y.
Theo ông Cảnh, mục tiêu lớn nhất của Đông y là chăm sóc sức khỏe cho người dân bằng các phương pháp y học cổ truyền. Muốn chăm sóc sức khỏe cho người dân bằng các phương pháp y học cổ truyền, gốc vấn đề là về nhân lực. Hiện nay, ngành Đông y có hai nhóm nhân lực. Thứ nhất, được các trường đại học, cao đẳng đào tạo, có tính chất hàn lâm là chính. Nhóm thứ 2 là nhân lực do truyền nghề từ những gia đình có truyền thống làm nghề y học cổ truyền.
Đặc biệt, có một nhóm người yêu thích y học cổ truyền được các thầy thuốc Đông y có kinh nghiệm truyền dạy, hoặc được các Hội Đông y truyền dạy để có năng lực để khám chữa bệnh bằng Đông y, được gọi là lương y. Điều đáng nói, chương trình đào tạo cho nhóm này không thống nhất, mong muốn học tập của thầy dạy cho họ cũng chưa thống nhất, cho nên, trình độ của họ chưa có thống nhất chung.
“Cho nên, trăn trở của tôi là cần có một chương trình thống nhất về trình độ, có chất lượng, đào tạo bài bản. Cùng với đó, cần tổ chức được kỳ thi đánh giá, đảm bảo khi ra khám, chữa bệnh phải đạt được chuẩn, sàn tối thiểu. Bởi đây là nghề liên quan trực tiếp tới sức khỏe người bệnh. Làm sao để trong trường hợp kể cả không chữa được bệnh thì thầy thuốc cũng không gây ổn hại thêm cho sức khỏe người bệnh vì sự thiếu hiểu biết”, ông Cảnh nói.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về Luật Quảng cáo (sửa đổi). Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự bức xúc đối với quảng cáo sai sự thật trên mạng. PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho hay, với những quảng cáo không được kiểm soát đang làm rối loạn thông tin, và ở chừng mực nào đó đã gây nguy hiểm cho người tiêu dùng khi tin vào những quảng cáo đó.
“Việc sử dụng những thuốc không rõ nguồn gốc, không được cấp phép để điều trị bệnh có thể dẫn tới nguy hiểm. Chúng tôi rất phản đối việc này, đề nghị cơ quan nhà nước cần có chế tài để kiểm soát”, ông Cảnh nói.