Côn trùng chọn tôi
Tôi có cơ hội trò chuyện với GS.TS. Bùi Công Hiển, nguyên giảng viên khoa Sinh, ĐH KHTN, ĐH QGHN, nhà côn trùng học hàng đầu Việt Nam cách đây khoảng 10 năm. Khi đó, ông đã nghỉ hưu và đang ấp ủ cùng bạn của mình mở một phòng trưng bày tranh làm từ côn trùng.
|
Ở tuổi 80, GS.TS.Bùi Công Hiển vẫn hăng say làm việc. |
Bẵng đi một vài năm, tôi lại có dịp
theo chân GS.TS. Bùi Công Hiển tham quan mô hình nuôi bướm nhân tạo ở Ba Vì (Hà Nội) do chính ông thực hiện. Trong những lần gặp đó, ông đã kể cho tôi nghe về thế giới côn trùng, về lợi ích của côn trùng và cái duyên của ông gắn với côn trùng.
Ông kể, khi còn là sinh viên, ông theo học Khoa Vạn vật học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ông kể lúc đấy hiểu biết về côn trùng của ông còn ít. Phần lớn do thầy giao đề tài gì thì làm đề tài đó. ông làm “Nghiên cứu tính hướng quang của côn trùng”, “Sinh học, sinh thái học Mọt gạo (Sitophilus oryzae)” đều do các thầy hướng dẫn gợi ý.
“Sau này khi được khi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, tôi được phân công vào nhóm côn trùng của Bộ môn Động vật không xương sống, Khoa Sinh học. Khi đi làm nghiên cứu sinh ở CHDC Đức, theo lời khuyên của GS. Đào Văn Tiến tôi chọn hướng nghiên cứu về Sinh lý học côn trùng, một hướng nghiên cứu vô cùng xương xẩu. Có lẽ tôi có duyên với côn trùng, nên côn trùng đã chọn tôi”, ông hóm hỉnh chia sẻ.
Ông kể, từ cái duyên kỳ ngộ ấy, ông tập trung nghiên cứu về côn trùng theo nhiều hướng như côn trùng hại kho, côn trùng học ứng dụng, Pheromon của côn trùng, côn trùng ở Việt Nam và phòng trừ côn trùng gây hại, tài nguyên côn trùng ở Việt Nam cùng những côn trùng có giá trị...
Từ những nghiên cứu này, GS.TS. Bùi Công Hiển đã khám phá vẻ đẹp của côn trùng, lợi ích của công trùng mà ông gọi là “mỏ vàng”.
Ông khẳng định với hơn 1 triệu loài và sinh sống ở mọi sinh cảnh, không có sinh vật nào gắn bó với con người, vừa là “thù, vừa là “bạn” như côn trùng. Cho dù nhỏ bé, nhưng thế giới côn trùng vừa “lãng mạn”, vừa “thực tế”.
Côn trùng có thể giết chết người, nhưng cũng tạo ra nghề nuôi sống hàng triệu người. Ông đặt câu hỏi: nếu côn trùng không có mặt trên hành tinh thì liệu con người sẽ sống thế nào khi trái đất ngập tràn xác chết của động, thực vật; khi hoa trái không được thụ phấn…
Buồn vì Việt Nam đang lãng phí mỏ vàng
GS.TS. Bùi Công Hiển kể, khi nghiên cứu về côn trùng, ông phát hiện nhiều người gọi côn trùng là “sâu bọ” ám chỉ côn trùng là loài có hại. Côn trùng “có tội lỗi” với con người. Nhưng số đó chỉ chiếm chưa tới 1% trong hơn 1 triệu loài. Thực tế chúng ta đang “một con sâu, làm rầu cả nồi canh côn trùng”.
|
GS.TS. Bùi Công Hiển cho biết, chúng ta chưa biết khai thác mỏ vàng từ côn trùng. |
Ông cho biết, côn trùng mang lại 10 ích lợi cho tự nhiên và 15 ích lợi cho con người như làm thực phẩm, làm đẹp, cải tạo đất, thụ phấn cho cây...
Đặc biệt Việt Nam là nước đa dạng sinh học cao, với số lượng côn trùng lớn. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết cách khai thác mỏ vàng từ côn trùng. Hiện nay, theo GS.TS. Bùi Công Hiển, ở nước ta các vấn đề bảo tồn và khai thác côn trùng, đặc biệt những loài ngoài tự nhiên rất ít được nghiên cứu.
“Tôi có dịp đi qua chợ ở Điện Biên, thấy bày bán sâu chít, ong đất… Xót xa lắm. Bởi người dân khai thác tự phát côn trùng đã vừa là “nạn nhân” của nghèo và lạc hậu, vừa là “tội nhân” phá hủy đa dạng sinh học”, ông tâm sự.
“Tại sao không nghiên cứu giúp họ nhân nuôi các đối tượng này thành trang trại để thu hoạch, chế biến ra các sản phẩm có giá trị như một số nước đã làm. Tại sao ở nhiều nước đã có các công ty buôn bán côn trùng, còn ở Việt Nam chỉ bán ở chợ như hàng trăm năm trước đây. Đầu năm nay, EU đã cho phép nuôi sâu bột (Tenebrio molitor) làm thực phẩm cho người, trong khi ở Việt Nam mới chỉ bán sâu bột cho chim cảnh ăn”, ông chia sẻ thêm.
Những dự định ở tuổi 80
Hiện, GS.TS. Bùi Công Hiển đã bước vào tuổi 80. Tuy nhiên, ông vẫn ấp ủ nhiều dự định. Phòng tranh làm từ côn trùng khi xưa vì nhiều lý do không mở được, nay ông vẫn quyết tâm làm. Cốm dinh dưỡng từ côn trùng mà ngày xưa ông đã từng làm thành công, có công thức bào chế, có sẵn cả mẫu mã, ông cũng không muốn bỏ giữa chừng.
“Tôi đã đặt vấn đề với Sở Văn hóa, Du lịch và thể thao cùng Bảo tàng Bắc Ninh. Theo tôi bên cạnh vật mẫu về tranh Đông Hồ truyền thống, nên có các tranh Đông Hồ từ cánh bướm để làm phong phú thêm tranh dân gian. Giờ tôi đang đợi nguồn tài trợ”, ông bật mí.
Nhà côn trùng học nổi tiếng còn cho biết: Hiện ông đã nghiên cứu, xây dựng xong quy trình, công nghệ nhân nuôi côn trùng, công nghệ làm cốm dinh dưỡng từ côn trùng. Điều ông mong ước là có doanh nghiệp, doanh nhân nào nhận ra được giá trị của côn trùng hỗ trợ, hoặc đầu tư xây dựng dự án nhân nuôi và khai thác một vài loài côn trùng cụ thể. Ông cho biết, ông sẵn sàng chuyển giao công nghệ.
GS.TS. Bùi Công Hiển: "Những vấn đề nghiên cứu về côn trùng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có điểm dừng. Càng hiểu, càng thấy ít. Tôi mong rằng sẽ có thêm những người trẻ quan tâm và nghiên cứu về côn trùng".
Mời độc giả xem video:Mối nguy từ sử dụng thực phẩm giảm cân trên mạng. Nguồn: VTV24.