Nữ giáo sư đầu tiên của châu Âu và bi kịch cuộc đời

Google News

Phá vỡ truyền thống hàng trăm năm khi trở thành một trong những phụ nữ đầu tiên lấy bằng tiến sĩ tại đại học châu Âu, Laura Bassi lại có cuộc sống cá nhân tràn ngập nốt trầm buồn.

Laura Bassi là một trong những nhà khoa học nổi bật nhất châu Âu trong thế kỷ 18 nhờ sự đổi mới, kiên trì, thách thức các chuẩn mực thời đại của bà, đồng thời mở đường cho thế hệ tương lai.
Phá vỡ khuôn mẫu lâu đời hàng thế kỷ
Laura Bassi sinh năm 1711 tại thành phố Bologna ở miền Đông Bắc Italia trong một gia đình khá giả có cha là một luật sư và quan hệ mật thiết với giới quý tộc. Bà là đứa con duy nhất còn sống của cha mẹ.
Bassi đã bộc lộ năng khiếu học hỏi và tìm hiểu từ rất sớm. Bất chấp những chuẩn mực giới tính phổ biến hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục của phụ nữ, gia đình Bassi nhận ra trí tuệ vượt trội và ủng hộ con gái theo đuổi kiến thức.
Nu giao su dau tien cua chau Au va bi kich cuoc doi
 Laura Bassi là nhà vật lý người Italia tiên phong vào thế kỷ 18 và là một trong những người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đạt được một loạt các cột mốc quan trọng trong khoa học và giáo dục.
Bassi được giáo dục tư nhân toàn diện tại nhà. Năm 5 tuổi, bà đã được dạy tiếng Latin, tiếng Pháp và toán học. Khi Bassi 13 tuổi, cha đã thuê một gia sư riêng, Gaetano Tacconi - giáo sư tại Đại học Y, để dạy dỗ bà trong suốt 7 năm. Bà được hướng dẫn nghiên cứu về giải phẫu, lịch sử tự nhiên, logic, siêu hình học, triết học, hóa học, thủy lực, cơ học, đại số, hình học, tiếng Hy Lạp cổ đại, tiếng Latin, tiếng Pháp và tiếng Ý.
Khi GS Tacconi nhận ra khả năng trí tuệ vượt trội của Bassi, ông đã giới thiệu cho bà những chủ đề khoa học tiên tiến, bao gồm cả quang học của Isaac Newton. Niềm đam mê khoa học của Bassi nảy nở và nuôi dưỡng trong suốt khoảng thời gian này.
Ở tuổi 21, bà đã phá vỡ truyền thống hàng thế kỷ khi bảo vệ luận án tiến sĩ triết học tại Đại học Bologna, trở thành người phụ nữ đầu tiên lấy bằng tiến sĩ từ một trường đại học châu Âu. Thành tích mang tính bước ngoặt này không chỉ thể hiện năng lực trí tuệ của Bassi mà còn đánh dấu khởi đầu sự nghiệp lẫy lừng của bà trong giới học thuật.
Năm 1732, bà kết hôn với Giovanni Giuseppe Veratti, một bác sĩ y khoa và giảng viên giải phẫu tại Đại học Bologna. Theo Bassi, cuộc hôn nhân đã giúp bà tự do thực hiện nhiệm vụ khoa học của mình. Mặc dù đam mê nghiên cứu khoa học nhưng bà không bỏ bê nhiệm vụ gia đình.
Năm 1738, Bassi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Vật lý Thực nghiệm tại Đại học Bologna, giúp bà trở thành nữ giáo sư đầu tiên tại một trường đại học Châu Âu.
Năm 1755, bà thành lập trường vật lý thực nghiệm và đào tạo ra nhiều thế hệ các nhà khoa học nổi bật như nhà sinh vật học Lazzaro Spallanzani và nhà vật lý Alessandro Volta.
Mất 7 đứa con và bi kịch phụ nữ trong khoa học
Nghiên cứu và thí nghiệm mang tính đột phá của bà về điện, từ và cơ học đã nhận được sự ghi nhận rộng rãi, giúp bà được công nhận là một trong những nhà vật lý hàng đầu trong thời đại của mình.
Tuy nhiên, giữa những thành công trong sự nghiệp, cuộc sống cá nhân của Bassi tràn ngập nốt trầm buồn. Mặc dù có trí tuệ phi thường và những đóng góp to lớn cho khoa học, bà phải đối mặt với vô số thách thức và trở ngại về cả chuyên môn lẫn đời sống cá nhân. Là một phụ nữ làm việc trong lĩnh vực do nam giới thống trị, bà luôn gặp phải sự phân biệt đối xử và hoài nghi, nhiều người đặt câu hỏi về khả năng của bà.
Nu giao su dau tien cua chau Au va bi kich cuoc doi-Hinh-2
 Đài tưởng niệm nhà khoa học Laura Bassi ở quê hương bà. Nữ giáo sư đầu tiên của châu Âu được nhớ đến như một nhân vật tiên phong trong vật lý và “phá rào” cho phụ nữ trong lĩnh vực khoa học.

Hồng y Prospero Lambertini, sau này là Giáo hoàng Benedict XIV nhận thấy tài năng và hỗ trợ công việc khoa học của Bassi. Bà được ông nhận vào Benedettini - một nhóm khoa học ưu tú gồm 25 học giả toàn nam.
Là phụ nữ, bà bị hạn chế hơn trong việc giảng bài trước công chúng so với các đồng nghiệp nam vì trường đại học tin rằng phụ nữ nên sống cuộc sống riêng tư. Trong suốt thời gian làm việc tại Đại học Bologna, bà đã vận động để được đối xử bình đẳng với các giảng viên nam của trường đại học, nhưng không thành công, theo thông tin từ Dự án History of Women, Philosophers and Scientists của Đại học Paderborn (Đức).
Tuy vậy, Laura Bassi đã nâng cao vị thế của phụ nữ trong giới học thuật và “phá rào” cho họ trong lĩnh vực khoa học.
Trong khi Bassi đạt được thành công vượt trội trong sự nghiệp, cuộc sống cá nhân của bà lại bị đánh dấu bởi nỗi buồn và mất mát sâu sắc. Bà sinh ra 12 người con nhưng không may, chỉ có 5 người trong số đó sống sót khi còn nhỏ, theo Society for Industrial and Applied Mathematics.
Vượt qua tất cả, bà vẫn kiên trì, để lại một di sản khoa học vượt qua ranh giới thời gian và hoàn cảnh. Bassi vẫn được ca ngợi là một người mẹ tận tụy, một người tiên phong và là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai dám ước mơ và bất chấp nghịch cảnh.
Năm 1778, Laura Bassi qua đời ở tuổi 66. Sức khỏe của bà sa sút do nhiều lần mang thai và biến chứng khi sinh con. Nguyên nhân sự ra đi của bà được ghi nhận là attacco di petto ("cơn đau ở ngực"). Bà được an táng tại nhà thờ ở Via Tagliapietre, trước lăng mộ của nhà khoa học đồng nghiệp thiên tài Luigi Galvani.

Theo Tử Huy/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)