Xây dựng và phát triển hoạt động của Hội ngành toàn quốc

Google News

Từ đầu năm 2024, VUSTA và các Hội ngành toàn quốc có phát huy vai trò, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức, triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ.


Xay dung va phat trien hoat dong cua Hoi nganh toan quoc
Lãnh đạo VUSTA Chủ trì giao ban hội ngành toàn quốc 
Phát biểu tại Hội nghị giao ban các Hội ngành toàn quốc năm 2024, Phó chủ tịch VUSTA Phạm Quang Thao khẳng định, các Hội ngành toàn quốc có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển tổ chức và hoạt động của VUSTA, đối với công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Đoàn Chủ tịch và Cơ quan TW VUSTA đã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của các Hội ngành toàn quốc; đồng thời triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2024 theo kế hoạch đã đề ra.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, các Hội ngành toàn quốc đã triển khai Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Vusta.
Điển hình là hoạt động tư vấn phản biện, trong đó 15 Hội ngành toàn quốc đã được VUSTA hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài tư vấn phản biện, hội thảo và có những hoạt động tư vấn phản biện sôi nổi, bám sát tình hình KT-XH của đất nước, ví dụ như các dự án Luật: góp ý Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Dự thảo Luật Quảng cáo; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Luật Tài nguyên nước, Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật BHYT, Luật Đường sắt, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật …đồng thời, phản biện các Nghị quyết của TW và một số địa phương như Tổng hội Cơ khí VN góp dự thảo Nghị quyết do Bộ Công Thương soạn thảo trình Thủ tướng quyết định và các ngành nghề sản phẩm cơ khí cần ưu tiên phát triển thuộc chiến lược phát triển Cơ khí Việt Nam giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2030. Tham gia đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện các dự thảo Luật, dự thảo nghị định và thông tư, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Hội ngành toàn quốc. Hội KHKT Cầu đường VN và Tổng hội Xây dựng VN góp ý sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng…
Ngoài ra, một số Hội ngành toàn quốc đã triển khai các đề tài, nhiệm vụ, dự án KHCN từ nguồn kinh phí do VUSTA hỗ trợ; đồng thời đăng ký các đề tài, nhiệm vụ, dự án KHCN cấp nhà nước và các đề tài nghị định thư. Một số Hội thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia như: Hội Vật lý Việt Nam tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình Phát triển Vật lý giai đoạn 2021-2025.
Các Hội ngành toàn quốc đã quan tâm phối hợp nhiều hơn hoạt động với các công ty, trường đại học, viện nghiên cứu trong công tác đề xuất, tham mưu chính sách trong các lĩnh vực chuyên ngành, ví dụ như: Hội Chăn nuôi VN và các Hiệp hội ngành hàng chăn nuôi phối hợp soạn thảo và gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, kiến nghị xem xét giải quyết ba vấn đề đang tồn tại, vướng mắc, bất hợp lý gây nhiều khó khăn, tốn kém về thời gian, chi phí đối với doanh nghiệp và người sản xuất chăn nuôi. Hội Khoa học Kinh tế VN phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện nghiên cứu về kinh tế tư nhân và thể chế, phối hợp với Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu về FDI trong bối cảnh mới.
Các Hội đã triển khai các hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức KHCN cho các tầng lớp nhân dân, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất. Tổng hội Y học VN đã phối hợp với các hội chuyên ngành và các cơ quan thông tin, truyền thông tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức hiểu biết của người dân ở cộng đồng và bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Hội Kiểm toán viên hành nghề VN đã tổ chức 41 lớp cập nhật kiến thức trực tuyến (online) với thời lượng trung bình từ 1-2 ngày/lớp, bao gồm 78 chuyên đề và 18.927 lượt học viên tham dự. Hội Thư viện Việt Nam đã phối hợp chỉ đạo các Chi hội thành viên triển khai mạnh mẽ các hoạt động thông tin, truyên truyền, trong đó có các cuộc trưng bày, triển lãm sách, báo, tư liệu mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 và nhất là tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 (21/4) năm 2024 trên nhiều địa bàn, khu dân cư từ Trung ương đến các địa phương.
Một số Hội đã triển khai cung cấp các dịch vụ đào tạo, tư vấn tại các trung tâm trực thuộc như Hội các phòng thử nghiệm VN đã có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, độ tin cậy của các kết quả thử nghiệm thông qua việc cung cấp dịch vụ hiệu chuẩn, dịch vụ thử nghiệm thành thạo, đào tạo nghiệp vụ thử nghiệm và công nhận năng lực phòng thử nghiệm theo ISO 17025. Trung tâm thuộc Hội Đo lường VN tiếp tục thực hiện các hoạt động tư vấn, đào tạo về xây dựng hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025, ISO 9001, ISO 15189... ; tham gia đào tạo và tư vấn xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường tại nhiều doanh nghiệp trong cả nước, đây là một trong những nội dung quan trọng của Đề án 996 nhằm đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch VUSTA Phạm Quang Thao, mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng hoạt động của các Hội ngành toàn quốc vẫn còn gặp một số khó khăn: Công tác phát triển tổ chức của các Hội chưa được phát huy toàn diện; Công tác chỉ đạo điều hành của các Hội, Chi hội địa phương, cơ sở chưa được bao quát, toàn diện; Một số Hội chưa chủ động hoặc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn lực phục vụ cho công tác Hội, khó khăn cả về kinh phí lẫn cơ sở vật chất là nguyên nhân quan trọng hàng đầu làm cho cả TW Hội và các Hội địa phương hạn chế trong việc triển khai đầy đủ các hoạt động cần có của tổ chức xã hội.
Công tác quản lý của nhiều Hội ngành toàn quốc còn chưa chặt chẽ, nhiều Hội ngành toàn quốc còn thiếu các quy chế, quy định về quản lý và hoạt động, các hình thức tập hợp trí thức còn đơn điệu, thiên về tính hàn lâm, thiếu hoạt động liên kết doanh nghiệp và thiếu tính xã hội, dẫn đến nhiều tầng lớp người dân trong xã hội ít biết đến Hội. Nội dung các hoạt động chưa hấp dẫn, đặc biệt đối với trí thức trẻ trong các trường đại học, viện nghiên cứu… Một số Hội ngành vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình kiện toàn tổ chức, triển khai công tác kết nạp hội thành viên.
Để xây dựng và phát triển hoạt động của Hội ngành toàn quốc trong thời gian tới, theo Phó chủ tịch VUSTA Phạm Quang Thao, cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; củng cố và phát triển tổ chức; tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; truyền thông và phổ biến kiến thức; nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống; tôn vinh trí thức và hợp tác quốc tế về KH&CN.
Chủ động triển khai thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa VUSTA và các Hội ngành toàn quốc. Tham gia tích cực và đẩy mạnh hoạt động của Khối thi đua các Hội ngành toàn quốc mà Hội là thành viên. Có các hoạt động cụ thể hưởng ứng phong trào thi đua hướng tới chào mừng Đại hội IX (nhiệm kỳ 2025-2030) của VUSTA.
Phối hợp với VUSTA kiến nghị, đề xuất các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, có lộ trình cụ thể chuyển giao một số dịch vụ công phù hợp cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đảm nhận.
Mở rộng mối quan hệ liên kết giữa Hội ngành toàn quốc với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt với các doanh nghiệp để tăng thêm điều kiện và nguồn lực thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Hội.
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa các Hội ngành toàn quốc với các Hội nghề nghiệp quốc tế trong các hoạt động chuyên môn, chú trọng quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè và đồng nghiệp quốc tế.
Theo HT/Vusta.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)