Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Phan Xuân Dũng cho biết, đại dịch COVID-19 một thảm họa của nhân loại đã ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến toàn thế giới, trong đó Việt Nam, đại dịch đã và đang làm đảo lộn tất cả mọi hoạt động đối với đời sống xã hội, gây ảnh hưởng lớn về sức khỏe, đến tính mạng con người và tổn thất nặng nề về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
|
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng. |
Ngày 14/7/2021, VUSTA đã tổ chức Hội thảo “Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch COVID-19”. Trên cơ sở kết quả hội thảo, VUSTA đã có văn bản gửi nhiều Ban, Bộ, ngành ở Trung ương, đề xuất giải pháp góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Tại Hội nghị “Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” do VUSTA tổ chức, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp phòng chống COVID-19. Những nỗ lực của các nhà khoa học đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao.
"Nhân buổi tọa đàm, VUSTA mong muốn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học trong hệ thống để tiếp tục đưa ra những đề xuất và giải pháp cụ thể góp phần vào phòng chống COVID-19, ổn định xã hội và hồi phục kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19" - Chủ tịch Pha Xuân Dũng nói.
Đông Tây y kết hợp
Tại tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, các thuốc kháng vi-rút có thể tác động đến nhiều khâu trong vòng đời của vi-rút SARS-CoV-2 qua đó ngăn chặn sự nhân lên của vi-rút và tiêu diệt. Trong đó, có 2 giai đoạn mà các thuốc kháng vi-rút thường hay hướng tới:
Thứ nhất, ở giai đoạn SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào vật chủ thông qua sự liên kết giữa protein S (Spike glycoprotein) của vi-rút với thụ thể ACE2 của tế bào chủ và được mồi bởi TMPRSS2 protease. Sự xâm nhập tế bào qua trung gian ACE2 và TMPRSS2 có thể bị chặn lại bởi các loại thuốc. Một số thuốc tiêu biểu có cơ chế tác động này có thể kể đến là Chloroquine (CQ), Hydroxychloroquine (HCQ), Arbiol,…
Thứ hai, sự sao chép và nhân lên của vi-rút cũng có thể bị ức chế bởi các loại thuốc chống vi-rút nhắm vào RNA polymerase phụ thuộc RNA của virus (RdRp) và protease chính (3Clpro). Một số thuốc tiêu biểu có cơ chế tác động này có thể kể đến là Lopinavir...
"Quan điểm của các bác sĩ tại nhiều quốc gia cho rằng Tocilizumab nên được dành cho những bệnh nhân COVID-19 nặng đã thất bại với các liệu pháp điều trị khác. Kết hợp Đông y và Tây y đem lại kết quả điều trị cao trong phòng chống dịch COVID-19" - GS.TS. Nguyễn Văn Kính nói.
Để làm được điều này, TTND.PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, đã kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa y học hiện đại và y học cổ truyền, sử dụng các phương pháp truyền thống để hỗ trợ điều trị và giúp góp phần hạn chế lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, khu cách ly.
PGS Cảnh cho biết thêm, thời gian vừa qua kết quả điều trị tại các đơn vị báo về đặc biệt tại Bệnh viện dã chiến số 1 quận Phú Nhuận TP HCM do Viện y dược dân tộc TP Hồ chí Minh làm chủ trì đã điều trị kết hợp Đông y và Tây y đem lại kết quả rất tốt. Một báo cáo về kết quả điều trị 546 bệnh nhân COVID cho biết: Tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng 16%; và tỷ lệ tử vong 0,05%. Số bệnh nhân khỏi bệnh 84% sau điều trị từ 7-13 ngày; trong đó số khởi bệnh sau 7 ngày đã lên đến 19%. Khỏi sau 13 ngày.
Theo PGS Cảnh cho hay, thuốc để sử dụng là dùng các bài thuốc để nâng cao chính khí (tăng cường miễn dịch đối với F1), người có nguy cơ cao; Các phương pháp xông (xông tinh dầu, nồi nước xông) để phòng bệnh; Các phương pháp Tây y đã được hướng dẫn để chăm sốc bệnh nhân.
Cùng quan điểm với PGS.TS Cảnh, GS Nguyễn Đức Nghĩa – Viện trưởng Viện Y – Dược Nano, INP cho biết, cơ chế phân tử hoạt đông kháng Virus và Sức mạnh tổng hợp của thuốc GRENODRUGS chống lại COVID 19 .
Theo GS Nghĩa thì các nhóm hoạt tính có trong thuốc phản ứng với Protein-S làm giảm quá trình xâm nhập của Protein-S vào tế bào người. Gắn vào thụ thể ACE II ngăn cản xâm nhập cua COVID-19. Ức chế sự sao chép RNA của virus bằng cách liên kết với SARS-CoV-2 Mpro. Can thiệp và ngăn chặn sự hình thành CS. Cuối cùng phân hủy COVID-19.
Những biện pháp hiệu quả
Kết luận buổi tọa đàm, TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, để phòng chống dịch bệnh COVID-19 một cách hiệu quả, các nhà khoa học đã đưa ra một số kiến nghị như sau.
Thứ nhất, rất cần sự tiếp tục quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự chủ động vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tập đoàn, doanh nghiệp và người dân, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân nhà khoa học, sự đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác.
Thứ hai, đề nghị các cơ quan của Đảng, Nhà nước tin tưởng vào kết quả nghiên cứu của đội ngũ trí thức KHCN nước nhà, đồng thời có các giải pháp thúc đẩy cho ra đời sớm các sản phẩm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu thành công; cho phép sản xuất lớn, trước tiên sử dụng cho người Việt Nam và tiến tới cho bạn bè trên thế giới.
Điều này không chỉ giúp ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19 mà còn là một giải pháp đặc biệt ưu tiên phát triển KHCN hiện đại của các nhà khoa học nước nhà ngang tầm khu vực và trên thế giới.
|
Các nhà khoa học trong hệ thống VUSTA đóng góp ý kiến về phòng chống COVID-19. |
Thứ ba, bên cạnh các giải pháp của Nhà nước như hiện nay, các Bộ, ngành Trung ương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam tập trung nghiên cứu, phát triển đa dạng hoá các sản phẩm phòng, chống COVID-19 trong nước như: nghiên cứu sản xuất vắc-xin; nghiên cứu phát triển các kỹ thuật chẩn đoán mới: xét nghiệm qua hơi thở, xét nghiệm bằng bệnh phẩm nước bọt để giảm chi phí và nhân lực; nghiên cứu hỗ trợ điều trị: máy thở oxy dòng cao (HFNC), máy monitor, nghiên cứu thuốc và các phác đồ điều trị mới; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị.
Thứ tư, trong bối cảnh cấp bách chống dịch COVID-19 như hiện nay, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực nghiên cứu trong nước, đề nghị Nhà nước có chính sách đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn cho các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, kể cả các tổ chức KHCN ngoài công lập để giúp các sản phẩm của các nhà KHCN Việt Nam sớm phát huy được hiệu quả trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Thứ năm, trong bối cảnh vắc-xin trên thế giới cung cấp cho người dân còn khan hiếm, đề nghị nhà nước tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin để đảm bảo đáp ứng vắc-xin trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Thứ sáu, việc huy động bác sĩ, y tá tình nguyện không quá dài chỉ 3-6 tháng, nên bồi dưỡng nghiệp vụ cơ bản để nâng cao hiệu quả,…
Thứ bảy, ngăn chặn từ môi trường: ngõ hẻm, luồng gió, hướng gió,…
Theo Chủ tịch Phan Xuân Dũng, trong thời gian tới, trí thức trong hệ thống VUSTA tiếp tục phát huy tiềm năng, trí tuệ để góp phần vào việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, VUSTA tiếp tục phát huy vai trò của các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc và đội ngũ trí thức tham gia có hiệu quả vào quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19.
Kết nối, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia ứng phó và phục hồi trong và sau đại dịch COVID-19. Ứng dụng khoa học công nghệ trong ứng phó với dịch COVID-19 và vai trò của trí thức – nhà khoa học.
"Ban tổ chức tọa đàm sẽ báo cáo với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về việc đội ngũ trí thức KHCN đã làm được những gì và sẽ làm gì" - TSKH Phan Xuân Dũng nói.