Dự án do tổ chức Grand Challenges Canada (GCC) tài trợ với mục tiêu chung: “Xây dựng Hà Nam thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thành công mô hình chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ giai đoạn đầu đời trên phạm vi toàn tỉnh, theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Y tế”.
Các mục tiêu cụ thể gồm: nâng cao năng lực cán bộ y tế - giáo dục - hội phụ nữ trong triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục cha mẹ tại cộng đồng về chăm sóc phát triển trẻ thơ toàn diện; cung cấp dịch vụ tập huấn tại cộng đồng theo mô hình Hành Trình Đầu Đời tại 109 xã phường định kỳ, có sự điều phối của UBND các xã phường; lồng ghép mô hình Hành Trình Đầu Đời vào hướng dẫn quốc gia các dịch vụ chăm sóc phát triển trẻ toàn diện trong 5 năm đầu đời và thúc đẩy nhân rộng mô hình tới một tỉnh thành ngoài tỉnh Hà Nam.
|
(Ảnh minh họa: RTCCD.org.vn) |
Dự án sẽ được triển khai tại tất cả xã, phường của tỉnh Hà Nam từ tháng 04/2021 đến tháng 6/2022 với tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại do tổ chức GCC tài trợ là 485.000 CAD.
Sau thành công của dự án giai đoạn 1 với mô hình thử nghiệm “Câu lạc bộ học tập cộng đồng vì sự phát triển toàn diện của trẻ” trong 1000 ngày đầu đời được triển khai thí điểm tại 3 xã của tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2 mô hình này đã được mở rộng trên 84 xã/ phường của tỉnh Hà Nam. Sau cả 2 giai đoạn, dự án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, có sự cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của mẹ và chỉ số phát triển của trẻ (nhận thức, ngôn ngữ, vận động) của nhóm được can thiệp. Ngoài ra, nhóm dự án đã đưa được một số nội dung trong sinh hoạt câu lạc bộ vào nội dung “Xây dựng hướng dẫn chuẩn Quốc gia về khám phát triển toàn diện và tư vấn cha mẹ - tài liệu cho cán bộ y tế”.
Dự án phê duyệt lần này là giai đoạn 3 với các vấn đề sẽ được giải quyết gồm: Nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc trẻ đúng theo khoa học của người mẹ và gia đình trong chăm sóc trẻ: chăm sóc đáp ứng, chăm sóc sức khỏe tốt, chăm sóc dinh dưỡng tốt, dạy trẻ học sớm thông qua học mà chơi-chơi mà học, duy trì môi trường sống an toàn; Cải thiện chỉ số thông minh của trẻ với điểm số phát triển cao ở các lĩnh vực Ngôn ngữ, Vận động, Cảm xúc-Xã hội, Hành vi ứng xử; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân; Tăng cường vai trò và sự tham gia của người chồng trong việc chăm sóc và nuôi dạy con.
Kết quả chủ yếu được kỳ vọng sau khi triển khai dự án gồm: Tối thiểu 1800 gia đình (4500 cha mẹ và ông bà của trẻ), tương đương 40.000 lượt người tham gia các hoạt động tập huấn, sinh hoạt CLB tổ chức 2 tuần/lần tại trạm y tế xã, phường; 2616 buổi tiêm chủng, dành cho 91.560 lượt trẻ em (từ 10.900 – 20.000 trẻ), được được tiến hành lồng ghép với buổi truyền thông cộng đồng (sử dụng video dự án); 109 phòng truyền thông với các góc trẻ em (đồ chơi) và góc truyền thông (trang thiết bị thực hành về chăm sóc trẻ) được trang trí, xây dựng và đưa vào vận hành bền vững tại trạm y tế; 350 cán bộ y tế, cô giáo mầm non, cán bộ hội phụ nữ chủ chốt tuyến xã phường được tập huấn kỹ năng đào tạo cha mẹ tích cực; Bộ tài liệu dự án bao gồm: (1) Bộ đào tạo giảng viên TOT; (2) Bộ tài liệu và video clip triển khai mô hình; (3) Bộ theo dõi giám sát đánh giá và báo cáo M&E được hoàn thiện, Bộ y tế thẩm định và hỗ trợ nhân rộng các tỉnh thông qua hợp tác với các Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC các tỉnh; Nội dung truyền thông dự án Hành Trình Đầu Đời được đưa vào kênh thông tin tài liệu tham khảo trong Hướng dẫn quốc gia các dịch vụ chăm sóc phát triển trẻ toàn diện trong 5 năm đầu đời, để bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh giới thiệu tới cha mẹ trên toàn quốc.
Xem thêm video: Ra mắt báo Tri thức & cuộc sống