Ngày 10/12/2021, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài tư vấn, phản biện và giám định xã hội “Đánh giá tác động của các chính sách về phát triển chè của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2010 - 2020, đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2021-2025” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ chủ trì thực hiện.
Thành phần Hội đồng gồm có: PGS.TS. Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng; TS Nguyễn Hữu La – Phó viện trưởng khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc; TS Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó viện trưởng viện bảo vệ thực vật; TS Đăng Văn Thư – Hội KHCN Chè Việt Nam; PGS.TS Ngô Tất Khương – Hội chè Việt Nam; Th.s Bùi Thị Kim Tuyến – Trưởng ban tư vấn phản biện &GĐXH và chuyên gia độc lập – PGS.TS Phạm Bích San.
Mục tiêu của đề tài là đánh giá những tác động trước và sau khi ban hành các chính sách phát triển chè của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2010 - 2020. Đề xuất các giải pháp, kiến nghị để điều chỉnh, bổ sung các chính sách, góp phần phát huy hiệu quả các chính sách phát triển chè gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng chè giai đoạn 2021 - 2025.
|
ThS. Khổng Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnhPhú Thọ, Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện đề tài |
Thay mặt nhóm nghiên cứu, Th.s. Khổng Mạnh Tiến – Chủ nhiệm đề tài báo cáo trước Hội đồng các nội dung chính của đề tài gồm: Đánh giá tổng quan về tình hình phát triển Chè và các sản phẩm Chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Đánh giá tác động của các cơ chế, chính sách phát triển Chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2010 – 2020; Đề xuất các giải pháp góp phần phát huy hiệu quả các chính sách phát triển Chè của tỉnh gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng Chè trong giai đoạn 2021 – 2025.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, trong giai đoạn 2010 - 2020 tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ 03 nhóm chủ trương, chính sách, cơ chế hộ trợ cùng với đó đã triển khai thực hiện đồng bộ, lồng ghép nhiều chương trình, đề án, dự án có liên quan để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển chè. Qua đó đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay tổng diện tích chè của tỉnh Phú Thọ đạt trên 15.700 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 181,8 nghìn tấn, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 118,9 tạ/ha, cao hơn 1,2 lần so với năng suất trung bình cả nước (87,2 tạ/ha); tỷ lệ diện tích các giống chè mới đạt 77,6%, trong đó, cơ cấu giống phục vụ chế biến chè xanh khoảng 30%, một số diện tích chè đã được cấp chứng nhận VietGAP,... Qua đó đã góp phần đưa Phú Thọ vươn lên là tỉnh xếp thứ 3 về diện tích và thứ 2 về sản lượng chè toàn quốc. Việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển cây chè là chủ trương đúng đắn của tỉnh, bên cạnh vùng nguyên liệu chế biến chè đen truyền thống, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh, chè đặc sản và một số sản phẩm mới (trồng bằng các giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...) tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Ðoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, Hạ Hòa.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các chủ trương, chính sách phát triển Chè của tỉnh thời gian qua vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu theo xu thế phát triển chung đó là: Chính sách phát triển chè chưa thật sự đủ mạnh so với một số tỉnh sản xuất chè khác trong vùng để phát huy hết hiệu quả, tiềm năng, lợi thế và truyền thống sản xuất chè của tỉnh, nhất là chè xanh chưa tạo được lợi thế canh tranh, danh tiếng trên thị trường. Phát triển chè của tỉnh mới đạt kết quả cao ở các chỉ tiêu về quy mô, số lượng, kỹ thuật, các chỉ tiêu về chất lượng, phát triển sản phẩm mới và gia tăng giá trị sản phẩm chè đạt thấp. Vùng nguyên liệu gắn với cơ cấu các giống chè mới chất lượng cao chưa nhiều, chưa đáp ứng được xu thế phát triển, chuyển dịch cơ cấu sản phầm ngành chè ở trong nước và thị trường quốc tế.v.v.
|
TS nguyễn Thị Bích Ngọc - phó viện trưởng viện bảo vệ thực vật, UVPB1 nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện đề tài. |
Tại Hội nghị nghiệm thu, các thành viên Hội đồng khoa học đã làm việc nghiêm túc, khách quan, từng thành viên hội đồng đưa ra những ý kiến nhận xét, đánh giá về toàn bộ nội dung và kết quả thực hiện đề tài. Hội đồng ghi nhận kết quả nghiên cứu cũng như thái độ làm việc nghiêm túc của nhóm thực hiện đề tài. PGS.TS. Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài kết luận: Đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung theo đề cương đã đăng ký. Kết quả của đề tài có ý nghĩa thực tiễn giúp các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Phú Thọ có thêm các thông tin, cơ sở khoa học về tác động của các chính sách phát triển chè giai đoạn 2010 - 2020 cũng như nghiên cứu, xem xét một số giải pháp, kiến nghị của nhóm thực hiện đề tài nhằm phát huy hiệu quả các chính sách phát triển Chè của tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, đề nghị Chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng để bổ sung, chỉnh sửa báo cáo tổng kết đề tài. Với những kết quả đạt được, đề tài đã được Hội đồng khoa học nhất trí nghiệm thu và xếp loại Khá.