Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp

Google News

Ông Nguyễn Văn Tiến thẳng thắn góp ý Luật Đất đai sửa đổi về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.

Sáng 5/10, tại hội thảo “Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" do VUSTA phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học.
Gop y cho Du thao Luat Dat dai sua doi ve tich tu, tap trung dat nong nghiep
Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. 
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đất đai là tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, tài sản vô cùng quý giá, diện tích đất đai hầu như không tăng, trong khi nhu cầu sử dụng đất đai ngày càng gia tăng. Ruộng đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, chủ yếu, chưa thể thay thế trong sản xuất nông nghiệp, gắn liền với nông dân, nông thôn. Tích tụ, tập trung ruộng đất được coi là một trong những giải pháp đột phá khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, hiện đại; đồng thời phải phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của nước ta và mục tiêu nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Sau Đổi mới (1986), nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo bước đột phá trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, phát huy tiềm năng đất đai, giải phóng năng lực sản xuất, đưa nền nông nghiệp nước ta phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ Luật Đất đai năm 1987 đến Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý, sử dụng hiệu quả ruộng đất, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phục vụ cơ câu lại nông nghiệp... Những chủ trương, chính sách đúng đắn đó đã tạo bước chuyển biến lớn trong tổ chức sản xuất nông nghiệp. Mở rộng diện tích, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản; nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp của hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp vẫn còn những hạn chế, vướng mắc.
Ông Nguyễn Văn Tiến thẳng thắn góp ý Luật Đất đai sửa đổi về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp. Theo đó, về cơ bản Điều 163 Tập trung đất nông nghiệp và Điều 164 Tích tụ đất nông nghiệp đáp ứng được các yêu cầu trong thực tiễn, phù hợp với các quy định của Hiếp pháp và sửa đổi Luật Đất đai. Xin kiến nghị một số điểm sau:
Điều 163. Tập trung đất nông nghiệp:
1. Nguyên tắc tập trung đất nông nghiệp: Đề nghị đưa điểm c, nên đầu tiên, thành:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự và các pháp luật khác có liên quan; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Bảo đảm công khai, minh bạch, tự nguyện, dân chủ, công bằng;
c) Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của tổ chức, cá nhân có liên quan; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;
d) Phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
2. Nhất trí với 3 phương thức tập trung đất nông nghiệp:
a) Dồn điền, đổi thửa;
b) Thuê quyền sử dụng đất;
c) Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
3. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung. Sửa lại câu sau là: Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
4. Trong thực tiễn, liên kết hợp tác sản xuất giữa các hộ nông dân để sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường trong một giai đoạn, thời kỳ nhất định với quy mô không lớn, nên không nhất thiết phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước. Vì vậy nên cân nhắc quy định: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quyết định.
Trường hợp trong phương án sử dụng đất có thay đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp thì phải thỏa thuận với chủ sử dụng đất về phương án hoàn trả đất nông nghiệp sau khi đã tham gia tập trung đất đai. Trường hợp tập trung đất nông nghiệp mà phải điều chỉnh lại quyền sử dụng đất thì thực hiện theo quy định tại Điều 188 của Luật này.
5. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ các bên trong việc thực hiện tập trung đất nông nghiệp và đảm bảo ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tập trung.
Cần xem xét lại việc bảo đảm ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tập trung để đảm bảo định hướng sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất nông nghiệp
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 164. Tích tụ đất nông nghiệp
1. Nguyên tắc tích tụ đất nông nghiệp: Đề nghị chuyển điểm b) lên đầu tiên, thành:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự và các pháp luật khác có liên quan; sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của các tổ chức, cá nhân có liên quan; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;
c) Phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
2. Các phương thức tích tụ đất nông nghiệp: Đề nghị bổ sung phương thức tặng, cho quyền sử dụng đất.
a) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp;
b) Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp;
c) Tặng, cho quyền sử dụng đất.
3. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ đất đai với quy mô phù hợp để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tích tụ. Đề nghị sửa ”với quy mô phù” hợp thành ”theo quy định của pháp luật đất đai”
4. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ các bên trong việc thực hiện tích tụ đất nông nghiệp và đảm bảo ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tích tụ. Đề nghị bỏ cụm từ: ”và đảm bảo ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tích tụ”.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. 
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)