Bà Phạm Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ KH&CN Bộ Công Thương cho biết: "Ngày nay, xu hướng các nước phát triển thường sử dụng các sản phẩm giấy có độ trắng nhỏ hơn 80%ISO. Trong khi đó người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng cọn và sử dụng các loại giấy có độ trắng khá cao lên tới 84-90%ISO cho nhu cầu ghi chép, học tập, in ấn... mà không biết rằng để có loại giấy có độ trắng cao và rất cao các nhà sản xuất phải sử dụng các loại chất tẩy trắng giấy".
|
Toàn cảnh hội thảo sử dụng giấy độ trắng thấp để bảo vệ sức khỏe và môi trường. |
Theo bà Giang, để sản xuất các loại giấy có độ trắng cao, các loại hóa chất, chất tẩy trắng giấy phải sử dụng ngày càng nhiều hơn, chính vì thế độ độc hại của giấy cũng ra tăng. Sự trắng sáng của giấy cũng ảnh hưởng không nhỏ tới mắt của người sử dụng.
TS.Nguyễn Đăng Quang, nguyên PGĐ Nhà xuất bản Giáo dục cũng đồng tình và khẳng định thêm: "Nhiều người nghĩ rằng dùng giấy trắng- càng trắng càng tốt, giấy càng trắng in hoặc viết mực đen lên thì sẽ đọc, nhìn dễ dàng. Khi học sinh liên tiếp phải đọc những dòng chữ chi chít trên hàng chục đến hàng trăm trang giấy sáng thì mắt sẽ bị lóa, mỏi và lâu ngày sẽ sinh ra cận thị".
Còn ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: "Việc sản xuất các loại giấy độ trắng cao tiêu tốn nhiều tài nguyên hơn hẳn. Rồi lượng chất thải độc hại từ các loại hóa chất được sử dụng trong việc tẩy và làm trắng giấy cũng nhiều hơn dẫn tới những ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và sức khỏe người dân. Hiện nay các cơ quan nhà nước, các công ty, trường học phần lớn đều sử dụng và thích sử dụng giấy thật trắng".
Những ý kiến trên của các chuyên gia được đưa ra tại Hội thảo sử dụng giấy độ trắng thấp để bảo vệ sức khỏe và môi trường do Báo Khoa học & Đời sống phối hợp với Công ty TNHH Viện CN giấy và Xenluylô tổ chức sáng nay, 21/8.
Tại hội thảo nhiều thông tin hữu ích liên quan tới tác hại của các loại giấy độ trắng cao với bệnh cận thị cũng như nhưng tác động tới mắt của trẻ nhỏ và học sinh đã được đưa ra.