Người phụ nữ ngộ độc thuốc tê nguy kịch khi nhổ răng khôn

Google News

Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cứu sống bệnh nhân ngộ độc thuốc tê nguy kịch do nhổ răng khôn ở phòng khám tư.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc Bùi Thái Chiến cho hay, tối 21/11, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc của trung tâm tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.T.M., 48 tuổi, ngụ huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Bệnh nhân được nhân viên phòng nha khoa tư nhân đưa đến trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc chậm, mệt, tức ngực, khó thở, kích thích, run giật cơ, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được…
Qua khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân đến một phòng khám nha tư nhân nhổ răng khôn. Sau khi chích thuốc tê (Lidocain) được 20 phút, bệnh nhân thấy mệt, khó chịu, tức ngực, lo lắng, được xử trí ban đầu rồi chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc cấp cứu.
Kíp trực xác định đây là một trường hợp ngộ độc thuốc tê cần phải xử trí gấp, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Các bác sĩ đã khẩn trương xử trí cho bệnh nhân theo phác đồ điều trị ngộ độc thuốc tê, cho bệnh nhân thở oxy và truyền dịch nâng huyết áp.
Sau 45 phút, bệnh nhân hết kích thích, hết run giật cơ, các chỉ số sinh tồn về mạch, huyết áp, nồng độ oxy trong máu, nhịp thở ổn định. Đến sáng 22-11, bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại trung tâm.
Nguoi phu nu ngo doc thuoc te nguy kich khi nho rang khon
 Sau khi được cấp cứu, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe - Ảnh BVCC
Bác sĩ chuyên khoa I Phùng Văn Phú, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc cho biết, hồi tháng 3/2024, khoa cũng tiếp nhận một bệnh nhân từ phòng khám nha khoa tư nhân đưa đến trong tình trạng khó thở, kích động, nói nhảm và run giật cơ.
Bệnh được xác định ngộ độc thuốc tê và được xử trí theo phác đồ, bệnh nhân sau đó ổn định và được xuất viện.
Theo y văn, thuốc tê là loại thuốc chế ngự đau an toàn và hiệu quả nhất, thường được bác sĩ nha khoa sử dụng hàng ngày để ức chế đau, khi làm các phẫu thuật, thủ thuật.
Tỷ lệ ngộ độc thuốc tê trong nha khoa rất thấp, rất hiếm xảy ra nếu tuân thủ đúng liều lượng và kỹ thuật gây tê, ngoại trừ một số bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như trẻ em, người già, người có bệnh lý về gan, thận.
Ngộ độc thuốc gây tê ở mức độ nặng, các biểu hiện có thể diễn tiến nhanh và thậm chí ngưng tim, ngừng thở, dẫn đến tử vong.
Thúy Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)