Thói quen xấu khiến trẻ bị bệnh

Google News

(Kiến Thức) - Mùa lạnh bệnh càng gặp hơn vì là mùa của các bệnh nhiễm, siêu vi và do một số thói quen không đúng của phụ huynh... 

Viêm hô hấp trên không cần dùng kháng sinh
Ngày 7/1, tại Khoa Hô hấp Chuyên sâu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM có 187 trẻ điều trị nội trú, trong đó có 28 bệnh nhi phải nằm Phòng Cấp Cứu của khoa. BS Nguyễn Hoàng Phong, Phó khoa cho biết, viêm hô hấp do tác nhân siêu vi chiếm khoảng 80%, thuận lợi khi gặp trời lạnh, điều kiện sinh hoạt ẩm thấp, đông đúc. Biểu hiện ở trẻ là ho, sổ mũi, có khi có sốt, đôi khi bỏ ăn. Diễn tiến bệnh đa số lành tính, nếu chăm sóc tốt sẽ hết sau 5 - 7 ngày, không cần phải nhập viện và không cần dùng kháng sinh. 
Bệnh viêm hô hấp chia làm 2 loại là viêm hô hấp trên và viêm hô hấp dưới. Viêm hô hấp trên là viêm từ mũi xuống ngã ba hầu họng, phần nhiều là viêm mũi, viêm họng, viêm hệ thống bạch huyết ở họng ở trẻ nhỏ, viêm tai. Viêm hô hấp trên có thể tự khỏi hoặc khi được điều trị. Nếu viêm hô hấp trên không được điều trị đúng sẽ tiến triển thành viêm hô hấp dưới mà dân gian hay gọi là sưng phổi (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hay viêm phổi), viêm phổi là 1 trong 4 loại bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ.
BS Nguyễn Hoàng Phong, Phó khoa Hô Hấp Chuyên sâu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM đang khám cho bệnh nhi viêm phổi. 
Trẻ bị cảm cũng phải khám bác sĩ   
BS Hoàng Phong lưu ý, khi trẻ bị ho, cảm, sổ mũi... đều phải đến bác sĩ nhi khám để có hướng điều trị đúng, không nên chủ quan hoặc tự ý sử dụng thuốc. Có phụ huynh thấy triệu chứng của trẻ giống như lần trước, không đưa đi khám được nên tự động dùng toa cũ hoặc tự mua thuốc. Đến khi tự chữa hoài không khỏi phải vào viện thì trẻ đã bị viêm phổi nặng, có trường hợp dẫn đến áp xe phổi phải dẫn lưu ra cả lít mủ trong phổi của trẻ. Có ông bố đã suýt mất con vì lấy thuốc nhỏ mũi của người lớn nhỏ làm trẻ khó thở, tim đập nhanh phải vào cấp cứu.
Mùa lạnh thì trẻ dễ bị nhiễm lạnh nhất nên phải giữ ấm. Tuy nhiên, do thân nhiệt của trẻ cao hơn người lớn, nếu ủ quá ấm cộng với mồ hôi ra nhiều không lau khô kịp và ngấm ngược vào cơ thể sẽ khiến bệnh nặng hơn. Do vậy, nhớ lưu ý kiểm tra phần lưng khi mặc ấm cho trẻ xem có bị ra mồ hôi ướt hay không. Phải luôn giữ cho da trẻ được thông thoáng, không bị ẩm, quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay.
Các thầy thuốc cũng hướng dẫn thêm, khi trẻ bệnh không nên ép ăn, chỉ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu và cho uống nước nhiều. Sau khi khỏi bệnh, trẻ vẫn cần được theo dõi sát và chăm sóc chu đáo (giữ ấm cơ thể, tránh bị lạnh, ưu tiên bồi dưỡng cho trẻ) để tránh tái phát bệnh. Ngoài ra, trẻ sinh mổ thường dễ bị khò khè do còn đờm nhớt ở đường hô hấp nên các bà mẹ đừng cho uống kháng sinh quá sớm mà nên đưa đến các trung tâm y tế để được hút đờm và tập vật lý trị liệu hô hấp theo chỉ định của bác sĩ. 
Một số trẻ nhỏ hay khóc đêm, bỏ bú, đơn thuần vì bị nghẹt mũi, do đó phải hút mũi và cho nằm đầu cao, vỗ lưng giúp trẻ ho và nôn ra chất đờm giải. Ho là một phản xạ rất tốt để bảo vệ phổi ở trẻ, vì vậy không tự tiện cho trẻ uống thuốc chống ho, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Khi trẻ sốt nhẹ chỉ cần cho uống nhiều nước, mặc đồ thoáng mát, rút mồ hôi, không nên ủ kín hoặc mặc đồ có nhiều chất liệu tổng hợp. Nếu trẻ sốt cao trên 38o thì có thể cho uống thuốc hạ sốt. 
Để đề phòng, các bà mẹ nên giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ăn ngủ của trẻ; giữ ấm không để trẻ bị nhiễm lạnh; tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm chủng, cho bú sữa mẹ sớm và bú mẹ. 
Bùi Hương

Bình luận(0)