Năm nay, Bộ GD-ĐT áp dụng nhiều chính sách mới trong tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia. Đây được xem là những thay đổi quan trọng trong chính sách tuyển thẳng đại học, cao đẳng chung được Bộ GD-ĐT áp dụng lần đầu tiên cho mùa tuyển sinh 2015.
Những thay đổi này được quy định chi tiết trong Hướng dẫn tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2015 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký ban hành mới đây.
|
Ảnh minh họa. |
Theo đó, quy định về việc tuyển thẳng đại học, cao đẳng năm 2015 thoáng hơn trước, giúp các trường có thể linh động trong việc quyết định tuyển thẳng.
Cụ thể, tuy xây dựng và công bố danh sách hơn 90 ngành đào tạo ĐH tiếp nhận tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia ở 12 môn thi, nhưng Bộ GD-ĐT không bắt buộc các trường phải tuân thủ tuyệt đối theo danh mục này.
Các trường có thể bổ sung các ngành đúng và ngành gần đối với từng môn thi HSG quốc gia, phù hợp với yêu cầu đầu vào các ngành đào tạo của trường.
Tuy nhiên, nếu mở rộng ngành tuyển thẳng so với danh mục chung, trường sẽ phải tuân thủ nguyên tắc xác lập chỉ tiêu tuyển thẳng vào trường ở các ngành mới do trường công bố (ngoài danh mục quy định), không được vượt quá 25% tổng số thí sinh đã được tuyển thẳng năm 2014.
Với quy định thoáng hơn trước đây, dự kiến sẽ có nhiều trường lần đầu áp dụng tuyển thẳng HSG quốc gia. Nhiều trường quân đội, một số trường đào tạo chuyên sâu... trước đây không có ngành đào tạo nào trong danh mục ngành gần, ngành đúng của Bộ GD-ĐT nên nhiều năm qua hầu như không áp dụng chính sách tuyển thẳng.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết, năm 2015, các trường căn cứ vào quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng và danh mục ngành đào tạo được tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT để quy định cụ thể ngành thí sinh được tuyển thẳng, tương ứng với loại giải và môn thi của thí sinh đoạt giải và quy trình xét xếp ngành học tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng... “Tất cả những quy định cụ thể này trường phải công bố công khai trước ngày 5/5", ông Nghĩa nói.
Thực tế, những năm gần đây, một số trường ĐH y dược ở cả khối dân sự và quân sự đều bắt đầu thực hiện chủ trương thu hẹp dần đối tượng tuyển thẳng so với quy định chung của Bộ GD-ĐT.
Theo đó, thông thường Bộ GD-ĐT công bố danh mục ngành gần, ngành đúng và các trường sẽ tuyển thẳng HSG đoạt giải ba trở lên tại kỳ thi HSG quốc gia vào các ngành học theo các môn thi tương ứng.
Từ năm 2014, ở một số ngành đào tạo của Trường ĐH Y Hà Nội như y đa khoa, răng hàm mặt chỉ tuyển thẳng học sinh đoạt giải nhất HSG quốc gia môn sinh, còn thí sinh đoạt giải nhì, giải ba được quyền ưu tiên xét tuyển, nghĩa là vẫn phải thi tuyển sinh bình thường và chỉ được xét trúng tuyển khi không có môn thi nào dưới 5 điểm.
Hay như ngành bác sĩ đa khoa của Học viện Quân y, các ngành đào tạo của Học viện Khoa học quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự từ năm 2014 đã giới hạn tỉ lệ tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia không quá 30% tổng chỉ tiêu nữ và không quá 20% tổng chỉ tiêu nam (trong các trường quân đội, ngành có tuyển sinh nữ cũng đã khống chế tỉ lệ trúng tuyển nữ tối đa 10% chỉ tiêu).
Tuy nhiên, với chính sách riêng này, các trường đã không ít lần nhận kiến nghị từ phụ huynh, học sinh cho rằng nhà trường thực hiện không đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Lãnh đạo một số trường “tốp trên” cho biết những quy định rõ ràng này của Bộ GD-ĐT giúp các trường minh bạch được việc tự chủ chính sách tuyển thẳng mà không vấp phải những kiến nghị, thậm chí đơn thư khiếu nại như một vài năm qua.
Văn bản Hướng dẫn tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2015:
Công tác tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy năm 2015 được thực hiện theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Quy chế tuyển sinh).
Để thống nhất thực hiện công tác tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng trong các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các đại học, học viện, các trường ĐH, CĐ (gọi chung là các trường) và các sở GDĐT một số nội dung sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Danh mục ngành tuyển thẳng
a) Đối với thí sinh đoạt giải Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia:
- Danh mục các ngành ĐH và CĐ đúng hoặc gần với môn thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia được quy định tại Phụ lục 4 và Phụ lục 5 của văn bản này;
- Các trường có thể bổ sung thêm các ngành đúng và ngành gần đối với từng môn thi HSG quốc gia phù hợp với yêu cầu đầu vào các ngành đào tạo của trường;
- Nếu không tiếp tục tuyển thẳng vào một số ngành đúng hoặc ngành gần với môn thi HSG quốc gia, các trường phải báo cáo Bộ GDĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.
b) Đối với thí sinh đoạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia:
Căn cứ vào kết quả dự án, đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật của thí sinh đoạt giải và danh mục các ngành đúng, ngành gần quy định tại Phụ lục 4 và 5 của văn bản này, Giám đốc các đại học, học viện và Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ xem xét tuyển thẳng vào ngành học phù hợp với kết quả dự án hoặc đề tài mà thí sinh đoạt giải.
2. Bảo lưu chế độ tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển
Thí sinh đoạt giải kỳ thi chọn HSG quốc gia, đoạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, nếu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) được bảo lưu để hưởng chế độ tuyển thẳng (hoặc ưu tiên xét tuyển) sau khi tốt nghiệp THPT theo quy định của các trường tại năm thí sinh đoạt giải.