Tại khu nội trú viện Lão khoa, năm nay cũng nhiều bệnh nhân không được về quê ăn tết vì đang dở đợt điều trị, hoặc tai biến mạch máu não bị biến chứng phải nằm lại. Cận Tết nhiều phòng bệnh đang trống dần, còn những người ở lại đã bắt đầu đón cái Tết buồn từ trong kí ức của mình.
Những người bệnh tay cắm kim truyền, ngày ngày vẫn nhận những đợt thuốc liều cao đưa vào cơ thể, quây lại với nhau hồi tưởng về kí ức Tết từ năm ngoái từ thịt con gà to cỡ nào, gói bao nhiêu bánh chưng, rồi mua bao nhiêu con cá chép cúng ông táo đến thua bao nhiêu tiền vì trò đỏ đen… Những câu chuyện giúp người bệnh và người nhà ấm lòng hơn.
|
Những em bé rất nhỏ này đã ăn Tết bệnh viện nhiều hơn Tết ở nhà. (Ảnh: Thu Hiền) |
Chị Trần Thị Năng ở phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình, bị tai biến mạch máu não, đứt động mạch chủ từ trước tết, sau khi phẫu thuật chị về nằm điều trị, theo dõi tại viện Lão khoa. Năm nay, là lần đầu tiền chị đón Tết ở viện. Miệng bị méo xệch chị vẫn cố thều thào trong hơi thở: “Tết rồi… thương con” sau đó ứa ra hai dòng nước mắt.
Con gái chị nhìn thấy mẹ khóc cùng òa lên nức nở và ôm lấy mẹ. Trước tình cảnh đó, những người khác cũng lặng trong thoáng chốc mà căn phòng không còn tiếng động, giây phút vui vẻ hiếm hoi vào những ngày cuối năm bị xua đi rất nhanh.
Còn ở khoa ung thư nhi Bệnh viện K Hà Nội, ngày 27 Tết, không khí Tết đã len vào từng giường bệnh. Những bé điều trị ổn định đã được bố mẹ xắp xếp đồ đạc chuẩn bị về về quê. Còn những trẻ bệnh nặng vẫn trong liệu trình điều trị thì buồn thiu. Chúng ngồi nép cùng nhau vào một góc, đưa đôi mắt nặng buồn nhìn theo bóng những “bạn bệnh” cùng phòng đã đi khuất sau ô cửa để về quê ăn Tết.
Với những bệnh nhân ung thư ở đây, ranh giới giữa sự sống và cái chết càng mong manh. Biết đâu rất có thể, cái Tết này sẽ là cái Tết cuối cùng trong cuộc đời của họ. Mong mỏi lớn nhất của các ông bố bà mẹ ở đây là: Tết sang năm con mình sẽ khỏi bệnh và được đón Tết ở nhà.
Bệnh nhi Hoàng Quốc Việt bị u lympho ác tính đã bước sang cái Tết thứ 2 ở viện. Năm ngoái tôi gặp Việt thằng bé vẫn còn một khuôn mặt bầu bĩnh. Nhưng năm nay, trải qua 2 năm dài chiến đấu với ung thư, chịu những cơn đau cắn xé cơ thể sau mỗi lần truyền hóa chất, Việt trở thành giống như nhiều đứa trẻ khác đang điều trị ở đây: thay cho mái tóc còn xanh 1 năm trước là cái đầu trọc lốc. Khuôn mặt gầy hóp, xanh bủng. Bàn tay, bàn chân, cánh tay cẳng chân khẳng khiu gầy nhẳng chi chít vết kim truyền… Thế nhưng khát khao được về nhà ăn Tết, được mặc áo mới, được đi chơi và nhận lì xì của thằng bé thì vẫn vẹn nguyên như năm trước.
Việt nói yếu ớt: “Tết rồi, cháu muốn về nhà lắm! Nhưng cháu ốm thế này chẳng được về đâu, bác sĩ không cho về đâu. Cháu được tặng áo mới nhưng nằm viện thế này thì không được mặc đi chơi rồi”.
|
Chuẩn bị Tết cho các em nhỏ ở Viện Huyết học và truyền máu trung ương |
Chung tình cảnh ở khoa ung thư nhi viện K, tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương khoa nhi ngày 27 Tết vẫn có thêm những đứa trẻ nhập viện. Những đứa trẻ sơ sinh hay mới chỉ mấy tháng tuổi đã mang trọng bệnh chưa biết Tết là gì nhưng trên khuôn mặt những người cha người mẹ của chúng là nặng trĩu lo toan.
Anh Tuấn, một ông bố có con đang điều trị bệnh máu, chia sẻ: “Tết năm nay cả nhà tôi cùng nhau ăn Tết trong viện. Chỉ mong năm mới bệnh của con tiến triển, con khỏe, con ngủ ngon. Hôm qua có một bé được về nhà ăn Tết, bé vui lắm. Nhưng buổi trưa bố bế qua đường ăn cơm không hiểu đi đứng thế nào lại bị xe đụng phải rồi ngã. Máu chảy loang ra, không cầm được, con lại cấp cứu, lại nhập viện và thêm một cái Tết nữa ở đây. Thương lắm, các con đau một nhưng bố mẹ đau mười”.
Thay lời kết: Một cái Tết trong bệnh viện sẽ chẳng bao giờ là cái Tết vui. Thế nhưng, bệnh nhân sẽ cảm thấy ấm áp hơn rất nhiều vì bên cạnh họ vẫn còn đội ngũ y bác sĩ ngày đêm miệt mài ân cần chăm sóc sức khỏe cho họ; những tấm lòng hảo tâm giúp họ có thêm nghị lực vượt qua nỗi đau bệnh tật.
Mong rằng, một mùa xuân mới mọi điều tốt lành sẽ đến và năm sau ai ai cũng được đón Tết ở nhà.