Bộ Y tế lại “hứa” chấm dứt quá tải bệnh viện

Google News

(Kiến Thức) - Sau rất nhiều đề án nhằm giảm tình trạng quá tải bệnh viện của Bộ Y tế nhưng không mấy khả thi, mới đây Chính phủ lại tiếp tục phê duyệt một đề án mới với mục tiêu năm 2020 sẽ chấm dứt quá tải bệnh viện.

Sau sự kiện Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có chuyến thăm Bệnh viện Ung biếu TP.HCM và được các bệnh nhi tại bệnh viện này “chui” lên từ gầm giường chào Bộ trưởng. Dư luận một lần nữa lại nóng lên và đặt ra câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế: Bao giờ mới hết tình trạng quá tải tại các bệnh viện?

Quá tải bệnh viện do đâu?

Liên quan đến vấn đề này, Cục khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã đưa ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện, theo đó nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là do: Diến biến phức tạp của mô hình bệnh tật. Lý giải nguyên nhân này, trong văn bản của Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lý giải rằng: “Với diễn biến phức tạp của mô hình bệnh tật, đã làm gia tăng đáng kể nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế mà đặc biệt là tại bệnh viện. 
 Trẻ nhỏ phải "chui" gầm bệnh viện để chữa bệnh.

Bệnh dịch đã làm cho lượng bệnh nhân tăng dồn dập theo từng thời điểm nhất định, lượng bệnh nhân đổ dồn về các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên như Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2…; bệnh không lây nhiễm lại chủ yếu là những bệnh mạn tính, cần sự chăm sóc và theo dõi lâu dài đã là yếu tố cơ bản để tăng số lượt khám chữa bệnh và tổng số ngày điều trị nội/ ngoại trú trong hệ thống khám chữa bệnh chung của cả nước”.

Ngoài ra, Cục khám chữa bệnh cũng đưa ra hàng loạt các nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện như: Cơ sở hạ tầng và đầu tư cho y tế chưa đáp ứng nhu cầu; Năng lực và trình độ chuyên môn của y tế cơ sở còn hạn chế; Cơ chế tài chính và tác động không mong muốn của một số chính sách; Hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật chưa đầy đủ; Nhu cầu và ý thức khám chữa bệnh của người dân …

Qua đó có thể thấy rằng, Bộ Y tế cũng đã nhận thức rất rõ về vấn đề này và đã đưa ra được những nhóm nguyên nhân rất cụ thể, nhưng vấn đề đặt ra là Bộ Y tế sẽ xử lý những nguyên nhân đó như thế nào và những giải pháp đưa ra có thật sự khả thi không?

Giải pháp hay nhưng kết quả là vẫn quá tải

Xác định được thực trạng và đưa ra được những nguyên nhân cơ bản về vấn đề quá tải bệnh viện, và tất nhiên từ đó Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều giải pháp để giảm tải tình trạng này. Thậm chí trong nhóm giải pháp: Mở rộng và xây mới cơ sở hạ tầng bệnh viện, còn chỉ rõ kế hoạch cho từng bệnh viện, từng Sở Y tế … nhưng thực tế là vẫn những bệnh viện đó, vẫn những Sở Y tế đó, tình trạng quá tải vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ và thậm chí diễn ra ngay trước mắt Bộ trưởng khi đến thăm.

Có thể thấy được rằng, giải pháp mà Bộ Y tế đưa ra không biết tính khả thi đến đâu, nhưng hiện tại thì không có gì “khởi sắc”, người bệnh vẫn phải “chui” gầm giường, vẫn phải nằm ngoài hành lang thậm chí là cả ghế đá, gốc cây. Phải chăng những kế hoạch, đề án, giải pháp đó chỉ là cái “bánh vẽ” trên giấy tờ. Còn người bệnh thì vẫn cứ phải tiếp tục hành trình “tìm sự sống” dưới gầm giường?
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân tại BV Ung Bướu TP HCM.

"Lời hứa" năm 2020

Trước tình trạng quá tải bệnh viện ngày càng trầm trọng, mới đây Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt “Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020”. Mục tiêu cơ bản của đề án là: Cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015; phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện.

Đề án nêu rõ, trước mắt tập trung giải quyết giảm quá tải ở các chuyên khoa: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh …

Theo Đề án, sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Cụ thể, đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng các bệnh viện thuộc phạm vi Đề án, đến năm 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh. Ngoài ra, đề án sẽ thí điểm mô hình phòng khám bác sỹ gia đình.

Với Đề án và kế hoạch được trực tiếp Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hy vọng “lời hứa” đến năm 2020 sẽ không còn tình trạng quá tải bệnh viện sẽ thành hiện thực, chứ không phải là cái "bánh vẽ" trên giấy tờ.
Minh Hoàng

Bình luận(0)