Những việc mẹ tưởng tốt nhưng lại hóa hại con

Google News

Có một số việc cha mẹ vô tư làm vì nghĩ là tốt cho con nhưng trên thực tế lại là hại con.

1. Lấy ráy tai thường xuyên

Vì nghĩ rằng phải lấy ráy tai thường xuyên cho con thì tai bé mới sạch và không bị viêm tai, thế nên cứ mỗi lần tắm cho con xong nhiều mẹ lại đè con ra chọc chọc ngoáy ngoáy vào tai. 

Việc làm này đã vô tình tạo điều kiện cho các khuẩn có hại xâm nhập vào tai làm hại con, gây viêm nhiễm tai ngoài. Đặc biệt là các loại côn trùng nhỏ như muỗi, kiến... rất có thể bay vào tai bé. 
 

Các bác sĩ nhi khoa khuyên mẹ không nên lấy ráy tai cho con thường xuyên. Khi ráy tai nhiều quá sẽ làm bít tắc ống tai ngoài, thậm chí nhiều trường hợp biểu bì da bong tróc mỗi ngày, bong ra mà không thoát ra được do ráy tai bít tắc gây viêm, thậm chí hủy xương và gây viêm ống tai. Những trường hợp này cần phải lấy ráy tai. Mẹ có thể kiểm tra ráy tai của con nhiều hay ít bằng cách dùng đèn chuyên dụng soi vào ống tai.

Còn nếu nhìn vào tai con chỉ thấy có vài ráy tai hơi dính ở vành ống tai thì mẹ không nên lấy. Bởi ráy tai có kháng thể và là chất bảo vệ ống tai ngoài nên lấy ráy tai nhiều quá cũng là không tốt. 

2. Xịt, rửa mũi hàng ngày cho bé

Dù con không bị ngạt mũi hay viêm mũi, nhiều mẹ vẫn cẩn thận xịt, rửa mũi hàng ngày cho bé để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên trên thực tế đây lại là sai lầm của mẹ làm hại con. 
 

Theo các bác sĩ nhi khoa, mũi của trẻ và người lớn cũng như nhau, bình thường có cơ chế tự làm sạch. Dù mũi hít phải không khí bẩn, vi khuẩn thì nó cũng ngăn lại, nên cơ thể mới không bị ốm. Khi đó mũi làm chức năng của mình rất tốt thì không việc gì phải vệ sinh, rửa mũi. Chưa kể cách vệ sinh không đúng còn gây hại cho mũi.

Chỉ khi nó không hoàn thành nhiệm vụ, trẻ bị ốm, sụt sịt mũi thì lúc đấy hãy nên rửa mũi. Điều này giúp hỗ trợ mũi phục hồi chức năng, đào thải dịch nhầy giúp tăng tác dụng của các thuốc sử dụng tại chỗ, trẻ dễ thở...

3. Đánh tưa lưỡi 

Cứ mỗi khi thấy ăn con sữa xong là lưỡi lại bị trắng, nhiều mẹ hăm hở đánh tưa lưỡi cho con vì cho rằng trẻ bị tưa lưỡi. Việc làm này của mẹ nhiều khi là hành động vô tình hại con vì niêm mạc lưỡi của trẻ rất mỏng, có dây thần kinh phân biệt nóng lạnh, mùi vị, khi bị lau rất dễ bị xây xước dù không nhìn thấy. Hơn nữa lưỡi mất đi sự trơn tru, mềm mại làm trẻ biếng ăn.

Chưa kể đến việc cha mẹ dùng khăn không sạch để đánh tưa lưỡi cho trẻ sẽ khiến bé bị nhiễm vi khuẩn nấm trong miệng. 

4. Cạo trọc đầu cho con vào mùa hè

Nhiều mẹ nghĩ rằng mùa hè nên cạo trọc đầu cho con mát. Tuy nhiên, các chuyên gia nhi cho rằng tóc có tác dụng cực kì quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể trẻ, ngăn ngừa sự tiếp xúc của da đầu với ánh nắng mặt trời. Việc mẹ cạo trọc đầu cho con sẽ khiến ánh nắng mặt trời có càng nhiều cơ hội tiếp xúc với da đầu, khiến da đầu bị mẫn cảm, ngứa ngáy và khó chịu. 
 

Ngoài ra, vì không có tóc nên da đầu bị tiếp xúc trực tiếp với mồ hôi nên dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Do đó nếu muốn cạo trọc đầu cho con trong mùa hè thì mẹ nên cân nhắc vì tóc sẽ bảo vệ bộ phận đầu cho bé, một khi đầu bị các loại vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và gây hại thì tóc sẽ đứng ra bảo vệ chống lại (hoặc giảm thiểu) sự tổn hại lên da đầu. Tóc cũng giúp quá trình tản nhiệt và có chức năng điều hòa nhiệt độ cho cơ thể.

Với các bé gái nếu có bộ tóc quá dày thì mẹ lại nên cắt bớt mà không nên để dài vì da đầu là bộ phận hấp thu và bài tiết nhiệt cho cơ thể, nếu tóc bé đã dày mẹ lại để dài thì sẽ cản trở quá trình bài tiết và hấp thu của da đầu. 

5. Ủ ấm khi con bị sốt

Đây là sai lầm phổ biến của các bà mẹ khi thấy trẻ sốt. Một nghiên cứu của Bệnh viện Nhi T.Ư về việc xử lý khi con sốt được công bố tại Hội nghị điều dưỡng nhi khoa lần thứ 9, thì có quá một nửa bà mẹ mắc sai lầm khi chăm bé sốt.
 

Khi thân nhiệt của trẻ đang tăng cao, đáng lẽ ra phải mặc quần áo thoáng mát cho con để hạ sốt thì nhiều mẹ lại ủ ấm khiến thân nhiệt trẻ càng tăng, dễ gây nguy cơ sốt co giật. Thậm chí có nhiều mẹ còn chườm đá, chườm lạnh. Các bác sĩ nhi khoa cho biết, thực chất việc chườm đá, chườm lạnh chỉ làm mát tại vị trí được chườm, nhưng trên thực tế nó có thể gây co mạch khiến nhiệt càng khó thoát ra ngoài hơn, gây sốt cao hơn. 

Theo Afamily

Bình luận(0)