Người bệnh ăn tất cả những gì có thể vớ được, từ giẻ rửa bát, vỏ trứng, bã cà phê đến thức ăn cho mèo...
- Trong hơn 20 năm, đêm nào Anna Ryan cũng ra khỏi giường trong vô thức, mở tủ lạnh và ăn ngấu nghiến đồ ăn bên trong.
Đồ ăn mất tích
Mặc dù luôn tuân thủ chế độ ăn ít chất béo và tập thể dục đều đặn, Ryan không hiểu tại sao từ khoảng năm 20 tuổi, cân nặng của mình bỗng lên xuống thất thường, có thể tăng tới hơn 6kg/tháng.
Khi gần 30 tuổi, Ryan đã nặng xấp xỉ 90kg. Sau nhiều nỗ lực giảm cân không thành, bà tự động viên rằng đó là do cơ địa.
|
Anna Ryan thấy cân nặng tăng bất thường và đồ ăn trong nhà biến mất một cách kỳ lạ mà không hiểu tại sao. |
Tuy nhiên, bà vẫn thấy rất lạ khi mỗi sáng dậy lại cảm thấy kiệt sức, không tỉnh táo, trong người nôn nao và đầy bụng tới mức không thể ăn sáng. Ryan đã đi khám rất nhiều nơi nhưng không bác sĩ nào tìm ra nguyên nhân.
Có một thời gian, Ryan bỗng để ý thấy đồ ăn trong nhà cứ hao hụt dần, thỉnh thoảng lại thấy giấy gói vứt khắp nhà và đồ đạc trong bếp bị xáo trộn vị trí. Thế nhưng, bà chỉ nghĩ đơn giản rằng “thủ phạm” là chồng mình nên không gặng hỏi gì thêm.
Cho tới một hôm, bà thức dậy và thấy vụn bánh quy vương vãi khắp trên giường và mặt mình, còn nhà bếp thì như thể “vừa bị dội bom”.
Tới lúc này, Ryan mới chột dạ rằng rất có thể “thủ phạm” lấy trộm đồ ăn và xáo trộn nhà bếp trong suốt thời gian qua chính là mình. Điều đáng sợ hơn là rất có thể bà đã ăn “trong khi ngủ” bởi bà có tiền sử mộng du và không hề nhớ chút gì về hành động của mình.
“Đột kích” nhà bếp 8 lần một đêm
Cuối năm 2007, Ryan tìm đến tiến sĩ Scott Eveloff, chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ và được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn ăn uống liên quan tới giấc ngủ (SRED) hay còn gọi là hội chứng ăn trong khi ngủ.
Một camera được lắp đặt để theo dõi tình trạng của Ryan cho thấy trong một đêm, bà xuống bếp tới 8 lần và tiêu thụ lượng đồ ăn lên tới 2.000 calo.
|
Camera ghi hình cho thấy Ryan xuống nhà bếp tới 8 lần/đêm. |
Ryan ra khỏi giường trong trạng thái ngủ, đi tới bếp lấy đồ ăn, sau đó quay trở lại giường và bắt đầu đánh chén.
Điều kỳ lạ là dù Ryan đi tới đi lui nhiều lần như vậy nhưng chồng bà vẫn không hề hay biết.
Theo tiến sĩ tâm lý Carlos Schenck, người đã nghiên cứu hội chứng SRED suốt 20 năm, ở những người mắc hội chứng này, ngoài vùng não giữ chức năng phán xét và tư duy ở thùy trán trong trạng thái ngủ, các vùng não kiểm soát hành vi vẫn tích cực hoạt động, chúng chỉ huy chủ thể ngay lập tức tìm kiếm thức ăn.
Ăn cả giẻ rửa bát
Điều bí hiểm là những người mắc hội chứng SRED khi phát bệnh vẫn đi ra khỏi giường và quan sát xung quanh như lúc tỉnh. Họ biết nhà bếp ở đâu, phải đi hướng nào, chỉ có điều, họ hành động một cách vô thức.
“Người bệnh lúc này như những thây ma không đầu đi quanh quẩn trong nhà, ngoại trừ cái miệng vẫn hoạt động để nhai thức ăn”, tiến sĩ Schenck nhận định.
|
Những người mắc hội chứng SRED như Ryan sẽ ăn bất cứ thứ gì vớ được. |
Một triệu chứng đáng ngại của SRED là người bệnh ăn tất cả những gì có thể vớ được và nhiều thứ họ lấy là những thứ người thường “không thể ăn được”.
“Có lần lúc nửa đêm, cháu trai tôi bắt gặp tôi đang nhai ngấu nghiến một búi giẻ sắt dùng để rửa bát, lau chùi”, Ryan kể lại.
Theo Schenck, nhiều bệnh nhân còn ăn bánh sandwich cho mèo hoặc cho bã cà phê, vỏ trứng vào máy xay rồi chén. Thậm chí nhiều trường hợp còn cố ăn sống pizza đông lạnh. Họ cố ăn thật nhiều và theo một cách rất cẩu thả.
Gãy răng, bỏng tay vì đi mò ăn
Tính tới năm 2009, Ryan đã nặng 120kg, mắc tiểu đường và huyết áp cao.
Theo các chuyên gia, việc “vớ gì ăn nấy” và không kiểm soát được lượng calo tiêu thụ sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của bệnh nhân SRED.
Có một thời gian, để tìm cách ngăn cản bản thân, Ryan đã khóa cửa nhà bếp nhưng rồi, trong cơn mê, bà tìm mọi cách mở cửa và kết quả đã tự làm bị thương chính mình.
“Tôi tỉnh dậy thấy hai mắt mình thâm tím và máu chảy ra vì đã gãy cả răng khi cố lao vào nhà bếp”, Ryan cho biết.
Không chỉ vậy, đã có lần bà bị ngã cầu thang, trật khớp gối và đã phải tiến hành phẫu thuật nối dây chằng chéo trước.
Theo Schenck, người mắc chứng SRED không chỉ gây tổn thương cho bản thân mà còn cả chính những người thân của họ.
Đã có trường hợp người bệnh cho khăn ăn vào lò nướng rồi bật công tắc. Một số khác cắt vào tay khi mơ hồ băm thức ăn hoặc nhúng tay vào nước sôi. Do rủi ro có thể diễn ra bất cứ lúc nào trong đêm nên mức độ nguy hiểm rất đáng lo ngại.
Bệnh di truyền?
Theo CNN, SRED là một hội chứng rối loạn giấc ngủ khá hiếm, ước tính ảnh hưởng tới khoảng 4% dân số Mỹ. Bệnh phổ biến hơn ở nữ giới và thường phát tác vào tuổi từ 20-50.
Theo Schenck, SRED hoàn toàn không xuất phát từ vấn đề tâm lý mà do “một tác động sinh lý đến từ sâu trong não bộ và cơ thể”.
|
Phụ nữ là đối tượng chính của hội chứng SRED. |
Tới thời điểm này, mối liên hệ cụ thể giữa giấc ngủ và chứng rối loạn ăn uống vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân đã được phỏng đoán.
Chẳng hạn như trường hợp của Amy Koechler, người Mỹ, mắc chứng SRED từ khi mới bập bẹ biết đi và đã ăn trong khi ngủ suốt 2 thập kỷ. Các chuyên gia cho rằng vấn đề nhiều khả năng nằm trong gene và nghi ngờ Koechler đã thừa hưởng SRED từ người mẹ.
Năm 2009, Mỹ ghi nhận một số trường hợp tăng cân bất thường của một số bệnh nhân sử dụng thuốc ngủ Ambien.
Brenda Pobre, sau khi sử dụng Ambien một thời gian cho biết: “Tôi đã tăng hơn 45kg từ khi dùng thuốc mà không hiểu nổi tại sao, chỉ biết sáng dậy thấy đầy vỏ kẹo và vụn bánh trên giường”.
Nhà sản xuất Ambien cho biết đây là một tác dụng phụ của thuốc, tuy nhiên, rất hiếm khi xảy ra.
Hiện tại, vẫn chưa có thuốc đặc trị cho chứng SRED. Phần lớn các trường hợp phải điều trị kết hợp nhiều loại thuốc. Trường hợp của Ryan phải sử dụng tới thuốc trị kinh phong nhưng không phải lúc nào cũng có tác dụng.
Thu Thương (Theo ABC, CNN, CBS)
[links()]