Với suy nghĩ cơ thể già cỗi cần tẩm bổ nên người cao tuổi có thói quen thích ngâm các loại rượu thuốc, rượu bổ để nâng cao sức khoẻ, nhất là để làm ấm cơ thể vào mùa đông. Tuy nhiên, uống rượu bổ để tăng cường sức khoẻ phải căn cứ vào tình hình thể chất, hư nhược của mỗi người để chọn lựa, chứ không thể uống bừa.
Không “bổ ngang” sẽ “bổ dọc”
Chị Nguyễn Thu Lê (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) than thở, bố chị năm nay đã ngoài 70 tuổi, mỗi bữa ăn là phải uống một chén rượu để kích thích ăn uống và tăng cường sức khoẻ. Thậm chí vào mùa đông, ông còn tăng lên 2 chén/bữa ăn với mục đích ngoài việc tăng cường sức khoẻ, rượu còn giúp làm ấm cơ thể lạnh giá. Chị Lê cho biết, chị không phản đối việc bố chị uống rượu bổ, tuy nhiên chị thấy cách uống rượu bổ của bố mình rất phản khoa học.
Theo chị Lê, bố chị uống rượu thuốc, rượu bổ theo kiểu lấy được, cứ nghe ai nói cái gì bổ là bố chị đi mua về cho vào bình rồi đổ rượu ngon vào, từ nhân sâm, nhung hươu đến ba kích... nhà chị có đến cả chục bình rượu thuốc các loại. Điều đáng nói, bố chị uống hoàn toàn mang tính ngẫu hứng, bữa này uống rượu ngâm nhân sâm, bữa sau lại thấy ông rót chén rượu nhung hươu, thậm chí có bữa, ông uống đến 2 loại rượu khác nhau.
Thấy bố uống rượu theo kiểu đó, chị Lê có khuyên thì ông bảo: "Rượu của bố là rượu ngâm thuốc, rượu quý nên càng uống nhiều càng khoẻ mạnh, uống càng nhiều loại càng tốt, không bổ ngang cũng bổ dọc".
|
Ảnh minh họa. |
Con dao hai lưỡi
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, rượu thuốc cũng là dược phẩm vì thế nếu uống đúng liều lượng, đúng người, không tùy tiện sẽ có tác dụng tốt. Tuy nhiên, không ít người già cứ thấy bổ là uống và uống với tâm lý "không bổ dọc thì bổ ngang". "Cần phải thay đổi cách nghĩ này. Rượu thuốc, rượu bổ giống như con dao hai lưỡi. Nếu dùng đúng thì nó sẽ hiệu quả. Ngược lại, nếu dùng sai mục đích hoặc quá lạm dụng, tùy tiện thì rượu bổ sẽ gây ra tác dụng ngược", lương y Vũ Quốc Trung cho hay.
Theo vị chuyên gia này, không phải bất cứ loại rượu thuốc nào cũng đều tốt cho tất cả mọi người, có loại dùng được cho người này, song không dùng được cho người khác. Vì thế, thay vì tự ý ngâm và uống, người già khi sử dụng rượu bổ cần có sự tham khảo của người có chuyên môn để xác định cơ thể thiếu gì mới bổ sung. Trên cơ sở chẩn bệnh một cách biện chứng mới có thể lựa chọn và điều chế rượu thuốc phù hợp và có chất lượng.
Đừng thấy rét là uống
Lương y Vũ Quốc Trung cho hay, đúng là trời rét, người già thường thấy cơ thể giá lạnh vì thế hay dùng rượu để ủ ấm cơ thể. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc uống rượu để làm ấm cơ thể kiểu này, bởi trong nhiều trường hợp còn gây ra tác dụng ngược, làm cơ thể mất nhiệt. Lý do khi cồn vào cơ thể sẽ hút nhiệt, vì thế uống rượu nhiều để mong ấm cơ thể có khi còn bị lạnh giá hơn.
Ngoài ra, lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo, khi sử dụng rượu vào mùa đông, người già không nên đi ra gió hoặc tắm ngay sau khi uống. Lý do là vì cồn kích thích làm cho mạch máu giãn nở, tuần hoàn máu tăng khiến da mẩn đỏ, thân nhiệt tăng, vì vậy dễ mắc bệnh do gặp lạnh sau khi uống rượu.
Rượu có tác dụng làm dung môi hòa tan các chất thuốc, giúp thuốc hấp thu vào cơ thể nhanh. Thuốc có tác dụng nâng cao sức khoẻ, bổ sung cái mà cơ thể đang thiếu hụt, loại trừ bệnh tật, nâng cao sức khoẻ. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng cứ rượu thuốc là quý là bổ mà sử dụng một cách tùy tiện. Rượu thuốc chỉ bổ khi dùng đúng người, đúng lượng.
Lương y Vũ Quốc Trung