Già hơn tuổi già của mình
Sang thăm ông chú họ ở tổ 2, Giáp Nhất, Thanh Xuân (Hà Nội), vợ chồng chị Nguyễn Hồng Hạnh không khỏi giật mình, suýt không nhận ra chú bởi dáng vẻ lụ khụ cuốn trong cái áo bông, vừa chống gậy đứng bên hiên vừa hắng giọng ho sù sụ khi cháu hỏi thăm.
"Chú chỉ vừa qua tuổi 70, thậm chí còn thua bố mẹ tôi đến chục tuổi, mà nhìn còn già yếu hơn cả bố tôi", chị Hạnh chia sẻ. Hỏi thăm các em thì chị Hạnh được biết, chú chả có bệnh tật gì ngoài chứng đau xương đau cốt của tuổi già, nhưng cái chính là ông cứ suốt ngày ở trong nhà, quanh quẩn trên giường, đắp chăn xem tivi, nghe đài, không tham gia hoạt động gì bên ngoài. Con cháu cũng khuyến khích ông đi tham gia tập thể dục theo hội người cao tuổi hoặc chí ít thi thoảng cũng ra ngoài, gặp gỡ bà con hàng xóm, chuyện trò cho khuây khỏa, nhưng ông bảo già rồi thì ở nhà nghỉ ngơi, chứ ra ngoài tập tành gì nữa cho thêm mệt...
|
Thói quen người già nên từ bỏ thói quen sống khép mình. (Ảnh minh họa) |
ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng mềm cho rằng, thực tế không ít người già khi còn sức khoẻ chỉ chăm chăm lo con, lo cháu, già hơn thì lại suốt ngày làm bạn với cái tivi, quẩn quanh trong nhà; thậm chí nhiều người còn sống già hơn tuổi già của mình, bởi quan niệm cho rằng già thì còn việc gì ngoài "ăn rồi ngồi một chỗ". Người tích cực thì coi như thế là an nhàn hưởng tuổi già, nhưng thậm chí cũng có cụ lại bi quan cho rằng đây chỉ là giai đoạn chờ chết. Chính cái tâm lý ấy khiến các cụ ngại tham gia hoạt động bên ngoài, càng ở lâu trong nhà, ít tiếp xúc với xã hội lại càng ngại ra ngoài hơn.
Dẫn chứng một nghiên cứu của Viện Sức khoẻ Tâm thần Hoa Kỳ cho thấy, những người cao tuổi có xu hướng sống khép kín, ít tham gia các hoạt động bên ngoài có tỷ lệ tử vong do tim mạch cao hơn những người tích cực hoạt động. ThS Trần Mạnh Hoàng khẳng định: Sống tù túng, bó hẹp trong bốn bức tường sẽ dễ khiến người cao tuổi trở nên chậm chạp, ốm yếu và nhanh già. Tâm lý vui tươi, thoải mái khi tham gia các hoạt động cộng đồng hay những hình thức sinh hoạt chung với bạn bè đồng lứa sẽ khiến
người cao tuổi vui hơn, trẻ khoẻ hơn, tránh được các bệnh do
tâm lý tuổi già mang đến.
Nên đa dạng các hoạt động
ThS Đinh Đoàn, Trung tâm tư vấn tâm lý, đào tạo, phát triển cá nhân và cộng đồng cho hay, thực ra hiện nay chúng ta đang thiếu các chương trình, hoạt động dành cho người già, quanh quẩn chỉ có
tập dưỡng sinh, tham gia câu lạc bộ thơ, họp tổ hưu trí, họp tổ dân phố... Chúng ta chỉ thấy hoạt động của người già là thỉnh thoảng đi họp tổ hưu trí, sáng ra công viên đi bộ mấy vòng, hay đứng "vẩy vẩy" tay vài cái... là hết. Chính các hoạt động đơn điệu này không thu hút được sự tham gia của nhiều người cao tuổi.
Theo ThS Đinh Đoàn, trong khi các hoạt động xã hội chưa phong phú thì cái quan trọng, để tránh người già cảm thấy bị cô đơn, sống tách biệt với xã hội bên ngoài thì con cháu trong gia đình phải là cầu nối giữa cha mẹ và xã hội. Người xưa đã có câu "trẻ cậy cha, già cậy con", con cái hãy là chỗ dựa cho cha mẹ, tận dụng mọi cơ hội có thể để đưa cha mẹ ra ngoài, đi dạo, đi chơi thăm bạn bè, họ hàng, có điều kiện thì tổ chức cho cha mẹ đi chơi xa, đi du lịch...
Đồng quan điểm, ThS Trần Mạnh Hoàng cho biết, đối với tuổi già, bên cạnh sức khoẻ thể chất thì sức khoẻ tinh thần vô cùng quan trọng, việc sống vui, sống khoẻ sẽ làm cho tuổi già có ý nghĩa hơn, các cụ không chỉ là sống cho qua ngày mà phải thực sự hưởng thụ tuổi già.
Tôi phải nói là nhiều người già "lười" lắm, không muốn tham gia hoạt động gì của xóm làng, chỉ suốt ngày ru rú trong bốn bức tường. Nhưng thực tế chính những việc như đi họp tổ hưu, đi tập dưỡng sinh hay tham gia công tác đoàn thể mang đến cho mình rất nhiều lợi ích. Đấy là được giao tiếp với xã hội, cập nhật, hiểu biết tình hình thực tế, không bị tụt hậu, lại vừa giúp mình nhanh nhẹn, minh mẫn, trẻ lâu nữa.
Ông Quang Chính (phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội)
Xem Video Bài tập thể dục cho người già. (Nguồn: Youtube)