Ráy tai
Bắc Mỹ dành khoảng hơn 60 triệu USD hàng năm cho các sản phẩm làm sạch tai tại nhà và khoảng 12 triệu người Mỹ gặp bác sĩ mỗi năm (thậm chí nhiều người lựa chọn spa và sử dụng phương pháp độc đáo khác) chỉ để lấy ráy tai. Mặc dù về mặt lý thuyết, ống tai của chúng ta là bộ phận có khả năng tự làm sạch.
Ráy tai nằm ở ống tai ngoài, do một loại chất nhờn tựa như mồ hôi tiết ra từ những tuyến hạch nhỏ (tuyến ráy tai) trộn lẫn với những tế bào chết rơi ra trong lỗ tai mà thành. Nó chẳng phải thứ vô dụng như nhiều người nghĩ. Những hạt bụi bẩn trong không khí và côn trùng nhỏ nếu chẳng may bay vào lỗ tai thì chất nhờn ngăn chặn lại, không cho chúng đi sâu vào bên trong, tránh gây tổn hại đối với cơ quan thính giác. Một số côn trùng nhỏ đôi khi bị lạc đường chui vào lỗ tai, nhấm phải vị đắng của ráy tai sẽ lập tức bò ra ngoài. Ráy tai được xem là vệ sĩ của cơ thể con người, có tác dụng chống nhiễm khuẩn, ngăn bụi bẩn, côn trùng, giúp tai không bị “sốc” vì các âm thanh quá lớn và thậm chí được dùng làm thuốc chữa bệnh.
Chất nhầy
Chất nhầy là một chất lỏng dính phủ kín phần bên trong mũi, miệng, xoang, họng, phổi, đường tiêu hóa và nó xuất hiện mọi lúc, không phải chỉ khi bạn bị cảm lạnh. Trong thực tế, cơ thể của bạn tiết ra khoảng 1/4 - 1/2 gallon (khoảng 1 - 1,5 lít) chất nhầy mỗi ngày.
Chất nhầy đóng vai trò như một chất bôi trơn và nếu không có nó, các mô cơ thể sẽ bị khô. Và bởi vì nó dính, nó cũng có chức năng như một “nhà máy thu thập rác”, tránh vi khuẩn, phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc, khói thuốc hay bất cứ điều gì khác khi xâm nhập cơ thể của bạn.
|
Ống tai có khả năng tự làm sạch. |
Vi khuẩn
Một cơ thể người trưởng thành có lượng vi khuẩn sinh sống (bao gồm vi khuẩn, virut và các loại vi sinh vật khác) ít nhất gấp 10 lần so với số tế bào cơ thể. Hiểu theo nghĩa đen có nghĩa bạn là vi khuẩn nhiều hơn là người. Và trên thực tế, có khoảng 100 triệu tỷ vi khuẩn sống trong mọi ngóc ngách cơ thể bạn.
Tuy nhiên trong số lượng vi khuẩn khổng lồ ấy, chỉ có dưới 1% có thể gây ra bệnh tật và số còn lại thì giúp cơ thể hoạt động tốt hơn. Chẳng hạn, khuẩn Lactobacillus acidophilus trong sữa chua, giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn và chiến đấu chống lại vi khuẩn gây bệnh.
Khí ga
Bất cứ ai, từ người nổi tiếng, nữ hoàng đến những người bần hàn nhất cũng đều có lúc “xì hơi” hay ợ chua. Nguồn khí này được tạo ra khi cơ thể chúng ta nhai hoặc uống, hoặc được tạo ra từ phản ứng hóa học hay từ những vi khuẩn sống trong ruột của chúng ta.
Lượng khí trong một lần xì hơi hoặc ợ chua bao gồm 59% nitơ, 21% hidro, 9% CO2, 7% mêtan và 4% ôxy. Trong đó chỉ có 1% là H2S - chất có chứa lưu huỳnh (chỉ xuất hiện khi bạn xì hơi).
Một số thực phẩm sẽ khiến cơ thể của bạn sinh ra khí nhiều hơn và đó là những thực phẩm chứa nhiều chất xơ, có đường, chẳng hạn như đậu, bông cải xanh. Đối với một số người, lúa mì hay sữa và các sản phẩm có chứa lúa mì hay sữa cũng góp phần vào ợ hơi, xì hơi hay đầy bụng vì cơ thể của họ khó tiêu hóa những loại thực phẩm này. Tuy nhiên, thường thì nguyên nhân không có gì khác hơn chính là khí bạn nuốt phải.
Nôn mửa
Dạ dày bình thường chứa khoảng 3/4 gallon (khoảng 1 lít) lượng thức ăn hoặc nước uống bạn ăn. Cảm giác buồn nôn sau khi ăn có thể cho bạn biết bạn đã ăn quá giới hạn dạ dày cho phép. Vài nghiên cứu thấy rằng, mặc dù dạ dày sẽ giãn ra đôi chút để chứa nhiều hơn 3/4 gallon thức ăn, nó sẽ ngay lập tức “nổ tung” nếu bạn ép dạ dày phải chứa tới 1,3 gallon (5 lít) thức ăn.
Nếu dạ dày và ruột đã không thể chứa thêm được nữa, thức ăn mà bạn ăn vào sẽ không được tiêu hóa bình thường mà thay vào đó, nó sẽ quay ngược trở lại để ra ngoài. Nôn mửa thực chất được điều khiển bởi “vùng nôn mửa” trong não và có thể được tạo ra bởi vô vàn thứ bao gồm bệnh truyền qua thực phẩm, bệnh truyền nhiễm, cũng như tác dụng phụ của nhiều loại thuốc và các phương pháp trị liệu.
Nếu như bạn không thể nôn, cơ thể bạn sẽ phải chứa rất nhiều chất thừa thãi. Thành dạ dày xuất hiện nhiều lỗ hở, cho phép thức ăn chưa tiêu hóa hoàn toàn vào cơ thể bạn.