Xét nghiệm nhiễm trùng mỗi tháng
Phạm H.C* có đôi mắt sáng biết cười, đôi môi chúm chím rất đáng yêu. Nhìn bé xinh xắn, khỏe mạnh , ít ai biết được bé đã phải chung sống với... 4 quả thận từ khi còn ẵm ngửa, gây tình trạng tiểu rỉ liên tục. Mẹ bé cho biết, bé rỉ nước tiểu với tần suất khoảng 1 giọt/phút, không ngừng nghỉ bất kể ngày hay đêm.
Ban đầu gia đình còn hy vọng, thời gian sẽ dần “sửa chữa” vấn đề này khi bé phát triển hoàn thiện hơn nhưng tình hình không hề biến chuyển. Cực chẳng đã, để tránh nguy cơ hăm tã, viêm nhiễm, bé chỉ được mẹ đóng bỉm vào ban đêm. Ban ngày, bé luôn trong tình trạng không được… mặc quần, chỉ lót khăn xô, còn mẹ bé gần như phải túc trực bên con cả ngày để kịp… thay khăn. Mọi việc diễn ra quen thuộc đến nỗi khi gần hai tuổi, dù chưa thành thạo nhưng bé đã có ý thức biết tự lót khăn xô trước khi mặc quần áo đi chơi.
Nhưng những phiền phức này vẫn còn là vấn đề nhỏ nếu so với nguy cơ nhiễm trùng máu do tình trạng tiểu rỉ gây ra. Do nước tiểu rỉ liên tục vào bộ phận sinh dục nên nếu vệ sinh không sạch sẽ, bé có thể bị viêm nhiễm dẫn đến nhiễm trùng máu , rất nguy hiểm cho tính mạng. Và bố mẹ cháu lại có thêm một việc là định kỳ hàng tháng vào bệnh viện xét nghiệm nước tiểu cho con rồi hồi hộp chờ kết quả.
Không thể “sống trong sợ hãi” mãi được nên gia đình đã không tiếc công sức và tiền bạc đưa cháu đi khám ở các bệnh viện hàng đầu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Qua các biện pháp chuẩn đoán như chụp X- Quang, Siêu Âm, UIV, Xạ hình v.v... các bác sỹ đã phát hiện cháu bị trường hợp thận – niệu quản đôi cả hai bên , tức là có tới…bốn quả thận. Trong đó, niệu quản nối thận phụ trái đã bị “cắm” sai vị trí, thay vì đổ về bàng quang lại thông ra âm đạo. Tình trạng này gây nên hiện tượng đái rỉ, đồng thời do lỗ thoát nước tiểu bé nên nước tiểu bị ứ đọng làm giãn niệu quản, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng nước tiểu.
“Vợ chồng tôi hiếm muộn, long đong chạy chữa khắp nơi, thậm chí phải cầu đến phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Sau 10 năm mới có tin vui, mừng nhất lại là sinh đôi nên khi phát hiện ra một trong hai bé bị tình trạng này, chúng tôi xót xa vô cùng, thương nhất là cháu lại là con gái, còn cả tương lai lâu dài phía trước”, bố bé tâm sự.
Niềm hạnh phúc được… ngồi bô
Khi phóng viên trò chuyện với mẹ, bé C liên tục đòi mẹ cho ngồi…bô. “Từ khi phẫu thuật xong, cháu không còn tiểu rỉ nữa nên đã có cảm giác mắc tiểu như người bình thường. Cháu rất thích được ngồi bô tiểu thoải mái như chị sinh đôi của cháu”, mẹ bé khoe với nụ cười rạng ngời hạnh phúc.
Bà ngoại bé cũng thở phào bảo không thể tưởng tượng mới 5 ngày trước thôi gia đình còn cảm thấy bất an thế nào khi nghĩ về tương lai của cháu.
Do khó khăn lắm mới có được mụn “con vàng, con bạc” nên dù đã bỏ ra hơn hai năm tìm hiểu rất kỹ về tình trạng thận – niệu quản đôi và được các bác sĩ chuyên khoa Thận - Tiết niệu, Ngoại Nhi tư vấn can thiệp sớm bằng phẫu thuật nhưng gia đình vẫn chưa dám chọn bệnh viện nào. Đang phân vân, thậm chí đã nghĩ đến việc đưa con ra nước ngoài thì bố bé được bạn bè giới thiệu đến gặp GSTS Nguyễn Thanh Liêm –Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, chuyên gia về nổi tiếng bệnh nhi.
Sau khi thăm khám, chụp hệ thống thận tiết niệu 3D bằng máy chụp cộng hưởng từ MRI 3Tesla, GSTS Nguyễn Thanh Liêm quyết định thực hiện mổ nội soi. Nói về quyết định của mình, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Cháu còn quá nhỏ nếu can thiệp phẫu thuật thông thường (mổ phanh) thì gây rất nhiều sang chấn cho trẻ vì nhiều cơ của thành bụng sẽ bị cắt ngang mặt khác, bệnh nhân là bé gái nên mổ phanh sẽ ảnh hưởng về thẩm mỹ sau này. Chính vì thế, chúng tôi quyết định chọn phương án khó là mổ nội soi để xử lý phần niệu quả trái đã giãn to và xử lý quả thận phụ đã bị suy chỉ còn 6% công suất”.
Ca mổ đã thành công mỹ mãn, bé C nhanh chóng hồi phục với 3 quả thận khỏe mạnh và các đường niệu quản “đúng trật tự”. Chỉ 4 tiếng sau mổ, cháu đã hoàn toàn tỉnh táo và sau 48 tiếng cháu đã có thể ăn nhẹ, ngồi và chơi các trò chơi điện tử yêu thích. Hết 5 ngày, bé đã được xuất viện với 3 vết rạch bé tí tẹo đã khô chỉ mà theo bác sĩ Vinmec, sau này hầu như khó có thể nhìn thấy.
Mẹ bé phấn khởi cho biết, gia đình rất hài lòng với các dịch vụ chất lượng cao của Vinmec, đặc biệt là tư vấn rất kỹ càng của các bác sỹ chuyên môn và tỏ ra tiếc vì đã không xử lý cho cháu sớm hơn.
Từ câu chuyện của mình, chị cũng chia sẻ, các gia đình có con bị tình trạng bất thường về hệ tiết niệu như đái khó, đái rỉ, đái rắt cần đưa bé đi thăm khám kịp thời và có biện pháp điều trị sớm; tránh để lâu sẽ phải dùng các biện pháp can thiệp phức tạp và đặc biệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống không chỉ của bé mà còn của cả gia đình.
Cách phát hiện sớm dị tật đa thận
Trường hợp dị tật nhiều thận thường gặp là thận-niệu quản đôi. Dị tật này có thể chỉ ở một bên (người có 3 thận) hoặc có cả hai bên (người có 4 thận). Biểu hiện thường gặp là:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh nhân có thể sốt nóng rồi rét run, nhiệt độ có khi lên tới 39-40 độ C; nước tiểu đục.
- Đái rỉ: Ngoài những lần tiểu thành bãi bình thường, nước tiểu cứ rỉ ra liên tục từ lỗ niệu. Ở trẻ gái, nước tiểu rỉ ra từ chỗ cạnh lỗ niệu hay từ âm đạo. Ở trẻ nhỏ, tiểu rỉ dễ gây hăm, loét vùng sinh dục ngoài và bẹn.
- Tiểu khó hoặc không tiểu được: Bệnh nhân rất khó chịu và đau tức. Ở trẻ gái, có thể thấy một khối tròn nhỏ chui ra từ lỗ tiểu, bịt kín lỗ này.
- Bàng quang căng to: Nhìn vùng dưới rốn thấy có một khối nổi lên, nắn vào thì bệnh nhân rất đau tức và muốn tiểu, nhưng không tiểu được.
- Thận - niệu quản giãn căng: Nhìn thấy một bên mạn sườn căng phồng, to hơn bên đối diện. Nắn thấy một khối u mềm, căng.
Để xác định bệnh, ngoài khám lâm sàng, người bệnh cần được xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, chụp X-quang thận - niệu quản và bàng quang.
* Tên bé gái được viết tắt theo yêu cầu của gia đình