Indonesia khởi đóng tàu hộ vệ tên lửa Sigma 10514

Google News

(Kiến Thức) - Công nghiệp quốc phòng Indonesia tăng tốc rất nhanh trong lĩnh vực đóng tàu, mới đây đã khởi đóng tàu hộ vệ tên lửa hơn 2.000 tấn thứ 2.

Tạp chí Jane’s Defence Weekly đưa tin, công ty đóng tàu quốc doanh PT PAL của Indonesia đã tổ chức lễ đặt ky đóng mới tàu hộ vệ tên lửa thứ 2 thuộc lớp Sigma 10514 Perusak Kawal Rudal (PKR) cho hải quân nước này vào hôm 11/12.
Đích thân Bộ trưởng quốc phòng Indonesia - Ryamizard Ryacudu đã chủ trì buổi lễ đặt ky trên tại một nhà máy đóng tàu của PT PAL ở thành phố Surabaya, ông Ryamizard còn mô tả việc Indonesia có thể tự đóng được một mẫu tàu chiến hiện đại như PKR đã thể hiện được trình độ và năng lực của ngành công nghiệp hàng hải nước này.
Đây sẽ là tàu thứ hai thuộc lớp tàu hộ vệ tên lửa Sigma 10.514 của Hải quân Indonesia.
Tàu hộ vệ tên lửa PKR là một sản phẩm liên doanh giữa Công ty đóng tàu PT PAL và Công ty đóng tàu Damen Schelde Naval (DSN), dựa trên một thỏa thuận được hai bên ký kết trước đây. Theo đó DSN sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật cho phía PT PAL, để công ty này có thể tự đóng các tàu hộ vệ tên lửa thuộc lớp Sigma 10514 tại Indonesia.
Tuy nhiên, PT PAL chỉ có thể đảm nhiệm đóng mới phần thân của tàu PKR thứ hai, các phần còn lại gồm: cấu trúc thượng tầng, trung tâm chỉ huy và hệ thống tác chiến trên biển sẽ được sản xuất ở một nhà máy khác của DSN tại Hà Lan. Còn đối với tàu PKR đầu tiên, PT PAL chỉ được tiến hành tham gia đóng một số phần nhất định của thân tàu và một phần cấu trúc thượng tầng ở phía sau. Cả hai tàu trên đều sẽ trải qua quá trình lắp ráp và các bước hoàn thiện cuối cùng tại Surabaya.
Dự kiến tàu hộ vệ tên lửa Sigma 10514 đầu tiên sẽ được bàn giao cho Hải quân Indonesia vào tháng 1/2017 và tàu thứ hai là vào tháng 10/2017. Bên cạnh đó Indonesia còn lên kế hoạch đóng mới thêm hai tàu nữa cũng thuộc lớp tàu Sigma 10514. Mặc dù quá trình đàm phán giữa PT PAL và DSN hiện vẫn chưa đạt được thỏa thuận sơ bộ nào.
 Trước đó Hải quân Indonesia từng được trang bị các tàu hộ vệ tên lửa Sigma 9113, tuy nhiên các tàu trên đều được Damen đóng mới.
Bộ quốc phòng Indonesia cho biết, họ sẽ triển khai các tàu PKR cho các hoạt động giám sát hàng hải, chống cướp biển và đánh bắt cá bất hợp pháp trên các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Ngoài ra Hải quân Indonesia cũng có kế hoạch trang bị mẫu trực thăng AS565 Panther trên các tàu hộ vệ tên lửa PKR, và chắc chắn AS565 sẽ được lắp hệ thống sonar chống ngầm (HELRAS) cùng với đó là khả năng mang theo số lượng thủy lôi nhất định.
Tàu hộ vệ tên lửa PKR có chiều dài 105m và cũng là biến thể Sigma lớn nhất từng được đóng cho đến nay. Nó có lượng giãn nước khoảng 2.365 tấn có thể mang theo thủy thủ đoàn gồm 120 người, với tốc độ di chuyển tối đa lên tới 28 hải lý/ giờ và có tầm hoạt động hơn 8.000km.
Đánh giá của Jane’s
Trước đó, trong một trả lời phỏng vấn với Jane’s Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia – Đô đốc Marsetio cho biết rằng, chương trình tàu hộ vệ tên lửa Sigma 10514 hay còn được biết tới với cái tên PKR là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Hải quân Indonesia, và nó được xem như là thước đo cho nghành công nghiệp đóng tàu quân sự của nước này.
 Trong ảnh là mẫu tàu tuần tra cao tốc mang tên lửa KCR-40 do Indonesia thiết kế.
Mặc dù các công ty hàng hải của Indonesia đã có thể tự đóng được các tàu chiến cỡ nhỏ như KCR-40 hay KCR-60M. Tuy nhiên, các tàu trên lại không thể được lấy so sánh với việc đóng mới mẫu tàu chiến hiện đại và phức tạp như tàu hộ vệ tên lửa PKR.
Các tàu hộ vệ tên lửa PKR của Indonesia cũng được trang bị hệ thống vũ khí khá đa dạng gồm: phiên bản mới nhất của hệ thống điều hành tác chiến trên biển Thales Tacticos 300, tổ hợp pháo đánh chặn tầm gần Rheinmetall Defence Millennium 35mm, hệ thống radar giám sát hàng hải Thales Smart-S Mk2, biến thể trên hạm của tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn VL MICA, các tên lửa chống hạm Exocet MM40 Block II và 6 ống phóng ngư lôi 324mm.
Trà Khánh

Bình luận(0)