Liên quan đến vụ nhân bản giấy xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức trong thời gian qua, ngày 20/8/2013, cơ quan công an đã đưa ra kết luận khởi tố 10 người liên quan đến vụ việc này. Đáng chú ý, trong số 10 người bị khởi tố có tên chị Phan Thị Oanh, người đã từng cung cấp rất nhiều tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ tố cáo nhân bản xét nghiệm trước đó. Không chỉ có vậy, chị Oanh cũng là người đầu tiên ký vào đơn tố cáo do chị Hoàng Thị Nguyệt viết (sau đó chị đã rút đơn tố cáo – p/v).
Sau khi nghe kết luận của cơ quan điều tra, không chỉ chị Oanh, chị Nguyệt … mà rất nhiều người dân theo dõi vụ việc này bày tỏ chia sẻ đối với chị Oanh, và hy vọng cơ quan công an sẽ đánh giá công - tội một các khách quan.
|
Chị Phan Thị Oanh (áo trắng) đã trực tiếp gửi đơn kếu cứu tới Bí thư Thành ủy Hà Nội |
Sau thời gian suy nghĩ và kêu cứu báo chí, hôm nay, chị Phan Thị Oanh đã có “Đơn kêu cứu” tới Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị. Thư kêu cứu của chị viết:
“Tôi được phân công làm kỹ thuật viên trưởng phụ trách chuyên môn và chưa bao giờ được phân công làm công tác chuyên môn tại bộ phận ngoại trú.
Từ tháng 7/2012 đến nay tại khoa xét nghiệm luôn được sự chỉ đạo chặt chẽ từ giám đốc, phó giám đốc và trưởng khoa xét nghiệm, chúng tôi chỉ là những người thừa hành mệnh lệnh, trong quá trình tách khoa thành 2 bộ phận, việc phân bổ máy và sắp xếp nhân lực đều do lãnh đạo thực hiện, trong quá trình khoa thực hiện nhiệm vụ đã phát sinh nhiều bất hợp lý và có dấu hiệu sai phạm chuyên môn, tôi cùng một số chị em trong khoa đã liên tục góp ý dưới mọi hình thức, từ trao đổi ngoài cuộc họp đến ý kiến trong hội nghị, trong buổi giao ban nhưng không được lãnh đạo lắng nghe, thậm chí chúng tôi còn bị gạt ra ngoài và cho rằng có tư tưởng chống đối.
Bất lực trước sự đóng góp trực tiếp nên chúng tôi đã chủ động thu thập thông tin, bằng chứng để báo cáo cấp trên về những việc làm sai trái của lãnh đạo bệnh viện.
Ngày 17 tháng 5 năm 2013, đơn tố cáo giám đốc Nguyễn Trí Liêm về những việc làm sai trái tôi đã là người đầu tiên ký vào đơn. Cùng ký với tôi gồm có chị: Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định, Phan Nam Đông, Nguyễn Thị Cường. Nhưng ngay sáng hôm sau, những người ký trong đơn tố cáo đã bị lộ danh tính, giám đốc đã cử người đến gia đình tôi nói với chồng tôi rằng: “Nếu tham gia ký đơn tố cáo giám đốc, sẽ bị đuổi việc” và yêu cầu làm bản tường trình xin rút khỏi đơn tố cáo.
Giám đốc đã yêu cầu tôi đến nhà riêng để trao đổi về việc rút chữ ký trong đơn tố cáo và giám đốc đã hướng dẫn người nhà tôi làm bản tường trình xin rút chữ ký.
Khi về nhà vào hôm sau tôi bị chồng tôi và gia đình gây áp lực đuổi ra khỏi nhà nếu không ký vào bản tường trình. Vì để gia đình, chồng con được thỏa nguyện, nên tôi đã miễn cướng rút ký đơn, nhưng về tư tưởng tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình.
Hiện nay, tôi là 1 trong 10 người bị công an thành phố Hà Nội khởi tố vì có 18 trường hợp trùng phiếu xét nghiệm là chữ ký của tôi. Nhưng do 18 trường hợp này là do lãnh đạo yêu cầu bổ sung vào bệnh án nên tôi phải làm theo. Xét thấy việc làm trên không phù hợp với đạo đức nghề nghiệp nên tôi không làm nữa, ngoài ra tôi còn thu thập chứng cứ để làm đơn tối cáo gửi tới các cơ quan chức năng.
Kính mong ông giúp đỡ xem xét giữa công và tội để giảm nhẹ những thiếu sót của tôi, tạo điều kiện cho tôi vẫn được cống hiến công tác.
Tôi xin cam đoan những điều trên hoàn toàn đúng sự thật, nếu sai tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật. Xin chân thành cảm ơn ông!”.
Ngoài lá đơn kêu cứu trực tiếp của chị Phan Thị Oanh, cùng ngày, chị Hoàng Thị Nguyệt, Phan Thị Nam Đông, Khuất Thị Định - 3 người tố cáo vụ "nhân bản" xét nghiệm - đồng gửi đơn kêu cứu lên Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị xem xét trường hợp chị Oanh. Họ cho biết nếu không có chị Oanh dũng cảm nói lên sự thật, giúp thu thập chứng cứ tài liệu thì 3 chị không thể có đầy đủ bằng chứng thuyết phục về việc vụ tiêu cực "nhân bản" kết quả xét nghiệm.
Trên báo Lao Động, chị Nguyệt cho biết: “Không có chị Oanh thì chúng tôi không thể nào có được chứng cứ để tố cáo, không thể biết được việc gian dối này đã tồn tại suốt cả thời gian dài. Chị Oanh là người phát hiện đầu tiên. Chúng tôi - những người đứng đơn tố cáo - vì làm ở khác khoa nên không thể có mặt trong phòng xét nghiệm để thu thập được bằng chứng, chỉ có Oanh là được ra vào phòng xét nghiệm.
Để có được bằng chứng, tôi đã bàn với chị cách đặt máy sao cho quay được mà không bị lãnh đạo và nhân viên trong phòng phát hiện, cách sao chép các kết quả xét nghiệm... Nếu không có những bằng chứng này thì việc đưa ra ánh sáng những sai phạm không thể thành công như ngày hôm nay. Nhiều buổi trưa, Oanh phải bỏ cả ăn để đi đến cửa hàng photocopy, cách bệnh viện cả cây số để photocopy phiếu xét nghiệm làm bằng chứng”.
Một trong ba nhân viên được khen thưởng, chị Khuất Thị Định nói: “Tôi là nữ hộ sinh, chị Phan Thị Nam Đông là y sĩ khoa Liên chuyên khoa... Hai chúng tôi chỉ biết được vụ việc qua những bằng chứng do chị Oanh thu thập được, đặc biệt khi tận mắt được xem băng ghi hình thì chúng tôi đã quyết định đồng hành cùng chị Nguyệt trong cuộc đấu tranh. 5 người ký đơn nay còn 3.
Chúng tôi hiểu lắm vì sao cả chị Oanh và chị Cường phải rút đơn. Có ở trong hoàn cảnh của các chị thì mới trả lời được câu hỏi vì sao. Chị Cường có hai con gái, một vừa mới được Bệnh viện Hoài Đức ký hợp đồng ba tháng, một làm ở Trung tâm y tế - nơi vợ ông Liêm làm giám đốc. Chị Cường đã không thể cầm lòng khi nhìn thấy đứa con quỳ xuống trước mặt mẹ để xin mẹ rút đơn.
Ngày chúng tôi nhận được khen thưởng của Sở Y tế, nhận được hoa và quà tặng của Báo Lao Động, rồi một cụ già 72 tuổi đến tận bệnh viện tặng quà... nhưng không có chị Cường, chị Oanh, chúng tôi thấy xót xa cho hai chị vô cùng.
Rồi ngày hôm nay, khi biết chị Oanh bị khởi tố, chúng tôi chỉ biết chia sẻ bằng nước mắt. Chúng tôi bàn nhau, viết đơn nhờ báo chí kêu oan cho Oanh; dù phải đi phải đi đến đâu cũng không nản. Nếu không có Oanh thì làm sao sự thật gian đối ở Bệnh viện Hoài Đức được đưa ra ánh sáng, chúng tôi chỉ là những người thấy cái sai mà không thể không tiếp sức để đấu tranh...”.