Theo ghi nhận của Kiến Thức tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong 2 ngày 16/2 và 17/2 (tức 28 - 29 Tết), xe cứu thương vẫn liên tục tới trong tiếng còi hú, chuyển đến những người bệnh từ nhiều tỉnh thành đang trong tình trạng cần được xử lý y tế khẩn cấp. Để tránh tình trạng quá tải cho Khoa cấp cứu, trước đó lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ đạo mở thêm phòng cấp cứu.
|
Xe cứu thương liên tục đưa bệnh nhân vào Khoa cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai ngày cận Tết. |
Khoa Cấp cứu, ngày Tết cũng như ngày thường
Vào những ngày này cận Tết này, ai cũng có tâm lý gác mọi việc để ăn Tết cho ngon, kể cả việc chữa bệnh nhưng đâu đó ở các bộ phận cấp cứu nói chung và khoa Cấp cứu của BV Bạch Mai - một trong những bệnh viện lớn nhất miền Bắc nói riêng, Khoa Cấp cứu là nơi tiếp nhận những trường hợp khẩn cấp nên Tết cũng kệ, vẫn hoạt động với cường độ chóng mặt. Xe cứu thương liên tục đến - đi và các y bác sĩ cứ hớt hải chạy ra chạy vào với người bệnh.
Cứ khoảng 20 phút, lại có một chiếc xe cứu thương đưa một bệnh nhân vào, đi cùng là thân nhân với gương mặt thất thần vì lo lắng. Đây là nơi có nhịp độ khẩn trương nhất ở Bệnh viện không chỉ thể hiện ở việc y bác sĩ thao tác nhanh để cứu bệnh nhân, mà còn ở chỗ người đến người đi thay thế nhau thường xuyên: người này vừa được cấp cứu xong chuyển sang khoa điều trị, chỗ trống họ để lại đã được trám ngay bằng bệnh nhân mới đến.
|
Khoảng 20 phút lại có 1 bệnh nhân vào cấp cứu ở BV Bạch Mai. |
|
Cứ một bệnh nhân được chuyển vào cấp cứu lại có một số bệnh nhân được chuyển ra từ phòng cấp cứu đến các khoa khác điều trị tại BV Bạch Mai. |
Bên ngoài phòng cấp cứu, thân nhân người bệnh đứng ngồi cũng không yên, mặt mày căng thẳng vì lo sợ và thương xót. Mắt họ dán vào cánh cửa như muốn xuyên qua chúng, để nhận biết tình hình người nhà đang được cấp cứu bên trong.
Một người đàn ông từ Yên Bái, có vợ cấp cứu ở đây, chia sẻ: “Biết tình
hình bệnh tật của vợ tôi từ trước rồi nên từ tôi cùng con gái, em gái và
em rể đi cùng xe cấp cứu thẳng từ trên Yên Bái xuống. Đây không phải là
lần đầu tiên tôi và người nhà đưa vợ xuống đây cấp cứu, nhưng lần này
tình trạng bệnh tật của bà ấy đột nhiên xấu đi. May nhờ các bác sĩ kịp
thời cứu chữa giờ nên vợ tôi đã qua được cơn nguy kịch. Gia đình chúng
tôi chắc chắn phải thay phiên nhau ở lại chăm sóc, chứ không thể về quê
ăn Tết được rồi…”.
|
Người nhà bệnh nhân ngồi lo âu, buồn rầu trước Khoa cấp cứu đợi tình hình của người bệnh. |
Kém may mắn hơn bệnh nhân trên, chỉ 1 ngày trước 30 Tết, ở khoa Cấp cứu vẫn có cảnh người nhà bệnh nhân gào khóc và khuỵu ngay trước cửa khi được báo tin người thân của họ không qua khỏi. Nhiều người khác vật vã bên đống tư trang, đồ đạc lếch thếch, mặt lộ vẻ kinh hãi khi nhận tin dữ từ y bác sĩ...
Các khoa điều trị hết cảnh nằm ghép
Ghi nhận của Kiến Thức cho thấy một tin tốt lành tại bệnh viện Bạch Mai - đó là hoàn toàn không còn cảnh bệnh nhân nằm ghép giường, càng không có chuyện phải nằm tràn ra hành lang. Chị Nguyễn Thị N. (Hải Phòng), có con bị suy hô hấp đang điều trị, chia sẻ: "Lúc đầu khi biết phải đưa cháu vào điều trị tại BV Bạch Mai, vợ chồng tôi lo mấy ngày Tết con sẽ phải nằm chung giường, nhưng đến đây rồi mới biết không phải vậy. Cháu được nằm hoàn toàn riêng một giường".
"Đưa mẹ nhập viện tôi sợ này hất là cảnh nằm ghép giường. Ít thì hai bệnh nhân, thậm chí còn ba bệnh nhân chung một giường. Đã bệnh còn phải chịu cảnh chung chạ thế nữa ốm còn ốm hơn. Thế nhưng, lần này, Bệnh viện Bạch Mai đã không còn cảnh nằm ghép nữa. May thật...", anh Nguyễn Văn T. (Phủ Lý) đưa mẹ nhập viện, nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 100% các khoa của bệnh viện vẫn tổ chức khám chữa bệnh đến hết ngày 17/2 (tức 29 âm lịch). Trong mấy ngày Tết, các khoa khám chữa bệnh bố trí trực 3 – 4 kíp khám gồm đầy đủ các chuyên khoa với 10 giường bệnh điều trị ban ngày.
Bệnh viện Bạch Mai còn mở cả dịch vụ tái khám tại khoa Hồi sức cấp cứu và các khoa phòng khác (trước đây ngày nghỉ không có dịch vụ này) để đáp ứng nhu cầu khám chữa cho người bệnh. Bệnh viện Bạch Mai sẽ duy trì khoảng 250 đến 300 nhân viên túc trực trong những ngày Tết.