Bác sĩ nói gì về chất tẩy trắng da?

Google News

(Kiến Thức)- Theo bác sĩ Hoa những biến chứng với người tẩy, lột trắng da nhẹ thì là nổi mẩn  ngứa ngáy, dị ứng nổi ban đỏ, nặng thì axít sẽ tác động gây ngộ độc, nở lỗ chân lông, da bong tróc, bọng nước, loang lổ, phổng rộp nóng rát rất khó chịu.

Như thông tin Kiến Thức đã đưa, những loại kem tẩy trắng siêu tốc đang được quảng cáo rộng rãi trên mạng đều là hóa chất chứ không phải chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên, do đó nguy cơ gây dị ứng cho cơ thể rất lớn.

 Những tai biến khủng khiếp xảy ra với một số nạn nhân sau lột da làm trắng

Để làm rõ hơn những ảnh hưởng của các loại kem tắm trắng, kem lột trắng da các loại kem trộn tổng hợp cho da và sức khỏe, Kiến Thức đã lấy ý kiến từ nhiều bác sĩ, chuyên gia da liễu về vấn đề này.

Nguy cơ đến từ đâu?

Hiện nay, nhiều phương pháp tắm trắng sử dụng các hoá chất bao gồm các thành phần như thuỷ ngân, hydroquinone, corticoid, acide salicylique, iode có tác dụng làm tiêu huỷ lớp sừng ở tầng thượng bì, khiến lớp non lộ ra, mang lại cảm giác trắng sáng. Tuy nhiên, chúng tiềm ẩn nguy cơ ung thư da cao và những căn bệnh khác sau khi thẩm thấu vào cơ thể.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Viện Da liễu Hà Nội, cho biết: "Thời gian vừa qua Viện có khám và điều trị cho một số bệnh nhân bị viêm da do sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và một số loại mỹ phẩm tắm trắng, làm trắng da siêu tốc. Hầu hết da của họ đều bị viêm và có những biến chứng nặng và có các dấu hiệu như nổi mụn, bong da, nổi bọng nước đau rát khó chịu...".

Về bản chất, tiêm, bôi kem tẩy trắng da, lột da, tắm trắng đều sử dụng các chất chứa thuốc tẩy mạnh có tác dụng tẩy lớp biểu bì bên trên da. Vì  thế sau khi sử dụng sẽ có kết quả nhanh chóng, da sẽ trắng hơn, mịn màng hơn trong thời gian ngắn. Nhưng khi ngừng sử dụng da sẽ đen dần lại. 

Những loại kem tẩy trắng này được chỉ định bôi trực tiếp lên da, sau đó tắm kỹ lại bằng nước sạch. Hóa chất trong kem tẩy trắng khiến da bỏng rộp, nhiễm trùng da, phổi bị ứ nước, tức ngực, nôn mửa nhiều thậm chí bị suy thận, suy gan.

"Trong các loại kem tắm trắng, kem lột trắng da có nguồn gốc hóa chất hầu hết đều chứa corticoid. Khi dùng những mỹ phẩm làm đẹp có chứa chất này thường nhìn thấy kết quả rất nhanh, làn da sẽ nhanh chóng trắng mịn thậm chí trắng ngay sau 24h bôi kem. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, sẽ gây ra các biến chứng như teo da, rạn da, dễ nhiễm trùng da do bị giảm sức đề kháng. Và việc chữa trị sẽ khó khăn và tốn kém", bác sĩ Quang nói.

Nhấn mạnh những tác hại của các loại chất tẩy trắng da, BS. Võ Mỹ Hoa, nguyên Phó khoa Khám bệnh, Viện Da liễu quốc gia, phân tích: "Việc lạm dụng corticoid nhất là khi dùng thuốc có hoạt tính cực mạnh, bôi lên vùng da mỏng hoặc có nếp gấp thì có thể gây nhiều phiền toái  cho người dùng như: teo da , trứng cá, giòn da, rạn da, giãn mạch, xuất huyết, rậm lông, rối loạn sắc tố, bội nhiễm, chậm liền vết thương... 

Theo BS. Hoa, nếu dùng loại chất này trong thời gian dài thì lớp sừng và thượng bì ở da sẽ mỏng đi, bệnh nhân dễ bị kích ứng da, kém chịu đựng với các loại mỹ phẩm. Bên cạnh đó các sản phẩm tẩy trắng da thường chứa thành phần axít nhẹ nhờ đó da sẽ sáng nhanh hơn nhưng về lâu dài nó sẽ là nguyên nhân làm da bị sạm, tăng mụn trứng cá.

Bác sĩ Hoa nói: "Gần đây tôi theo dõi trên trên báo chí về một trường hợp nữ sinh 27 tuổi ở Quảng Nam bị biến thành bà lão và các bác sĩ điều trị cho cô ấy nghi ngờ nguyên nhân biến thành bà già của cô ấy là do lạm dụng corticoid. Thực tế thì việc này hoàn toàn có thể xảy ra vì trước đây có không ít trường hợp bệnh nhân do dùng thuốc corticoid gây dấu hiệu lão hóa nhanh, với các bệnh nhân nữ có thể mọc ria mép và lông phát triển như nam giới…".

Bác sĩ Hoa cho biết thêm, những biến chứng với người tẩy, lột trắng da nhẹ thì là nổi mẩn  ngứa ngáy, dị ứng nổi ban đỏ. Nặng thì axít sẽ tác động gây ngộ độc, nở lỗ chân lông, da bong tróc, bọng nước, loang lổ, phổng rộp nóng rát rất khó chịu. Và nguy cơ ung thư với những người thường xuyên tắm trắng, tẩy trắng da bằng những loại kem, thuốc có nhiều hóa chất là rất cao.

Có nên dùng các sản phẩm trắng da?

Không hẳn tất cả các loại kem làm trắng da đều có hại cho da. Nhưng theo các bác sĩ, không nên tin vào các "thần dược" biến da trắng đẹp chỉ trong thời gian rất ngắn. "Tất cả các loại dưỡng chất giúp da trắng đẹp nếu thật sự tốt đều cần có thời gian thẩm thấu và cải thiện da từ từ, thậm chí mất hàng tuần, chứ không thể trong 1 - 2 ngày đã thấy kết quả", chị Nga, một chuyên gia thẩm mỹ, khẳng định.

Những loại dược - mỹ phẩm trắng da an toàn thường bắt nguồn từ chính các nguyên liệu tự nhiên có tác dụng làm trắng, sáng da như: bột ngọc trai, các loại hoa quả chứa vitamin A, C, E... Đồng thời với quá trình dưỡng da bằng mỹ phẩm, người dùng luôn được khuyên bôi kem chống nắng, yếu tố không thể bỏ qua để chống lại các tia UVB, UVC - những "tử thù" của da.

Tuy nhiên, ngay cả những loại "siêu phẩm" trắng da đắt tiền nhất cũng có thể gây dị ứng. 

Theo khuyến cáo của bác sĩ Hoa, để nhận biết một sản phẩm hoặc loại kem có an toàn và phù hợp với mình hay không cần thử kem lên vùng da mu bàn tay 1 - 2 lần. Nếu da có dấu hiệu ngứa, mẩn đỏ, rát thì bạn không nên sử dụng vì nó có nguy cơ gây dị ứng và không phù hợp với da bạn. Còn nếu sau khi thử không có biểu hiện gì bất thường thì hãy sử dụng.

Bác sĩ Hoa cũng khuyên để làm đẹp, làm trắng da chị em phụ nữ nên tìm đến những phương pháp tự nhiên, những sản phẩm làm trắng làm đẹp có nguồn gốc tự nhiên. Nếu mua các sản phẩm làm trắng hãy chú ý đến nguồn gốc xuất xứ và thành phần của loại kem mình định sử dụng, đặc biệt, nên đến những trung tâm thẩm mỹ uy tín để hạn chế dị ứng, tai biến không đáng có.

Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa BMJ do các nhà khoa học thuộc Học viện Nghiên cứu Phòng bệnh Quốc tế (Pháp) và Học viện Nghiên cứu Ung thư (Ý) phối hợp thực hiện cho biết: Những người đã tắm trắng có nguy cơ bị ung thư da cao hơn 20% so với những người bình thường, và có khoảng 800 người chết/năm ở châu Âu do các bệnh về da có liên quan đến tắm trắng.

Hằng năm, có khoảng 3.400 trong số 64.000 trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán có khối u ác tính trên da tại 18 nước châu Âu, có tiền sử đi tắm trắng.

Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học tiến hành phân tích các số liệu của trên 27 nghiên cứu về ung thư da - tắm trắng và hồ sơ bệnh nhân tử vong từ năm 1981 đến 2012 tại 18 nước châu Âu.

Từ đó, họ khuyến cáo ngành y tế các nước cần siết chặt quy định, nhằm hạn chế trẻ em đi tắm trắng.


TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Bình luận(0)