Như bao bạn bè cùng trang lứa, thí sinh tí hon Nguyễn Đình Phước (SN 1997, học sinh trường THPT Phan Bội Chậu , trú tại tổ 16, khối phố Bàn Thạch, phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Từ nhỏ, Phước là đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi hơn chúng bạn. Từ khi lọt lòng mẹ, Phước đã mang trong mình căn bệnh teo cơ bẩm sinh. Tuổi thơ của Phước là những ngày tháng trên giường bệnh.
|
Nguyễn Đình Phước vẫn được mọi người quen gọi là "cậu bé tí hon". |
Năm lên bốn, cha mẹ Phước tích góp tiền bạc đưa em đi khắp các Bệnh viện lớn Quảng Nam – Đà Nẵng để chạy chữa nhưng cuối cùng đều nhận được cái lắc đầu đầy thất vọng của bác sĩ.
Căn bệnh quái ác ấy những tưởng sẽ “cướp” đi tuổi thơ của Phước, nhưng không, bằng ý chí và nghị lực bản thân, Phước đã chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong học tập, trở thành cậu học sinh chăm ngoan, học giỏi suốt 12 năm liền.
|
Phước cao không quá 0,9m, nhưng rất đam mê thể thao. |
12 năm đi học, ngoài những thành tích “đáng nể” trong học tập, được thầy cô tin yêu, trân trọng; Phước còn vinh dự đón nhận giải thưởng danh giá mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh dành cho những nổ lực, phấn đấu trong học tập, chiến thắng số phận nghiệt ngã.
Điều khá thú vị khi phóng viên Kiến Thức tiếp cận ở Phước đó chính là niềm đam mê thể thao phi thường, cùng tính cách hiền lành, vui vẻ, hòa đồng với mọi người xung quanh.
Một người bạn cùng quê với Phước bật mí: ngoài thời gian học trên trường, Phước còn dành thời gian rèn luyện thân thể với các môn thể thao vận động.
Tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2015 khối A vào ngành CNTT – trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Phước ước mơ trở thành kỹ sư CNTT để về phục vụ quê hương.
Phước chia sẻ: Trong ngày thi đầu tiên, Phước hầu như hoàn thành suôn sẻ bài thi môn Toán (khối A). Phước cũng hy vọng, 2 môn thi sau là Hóa và Lý sẽ làm tốt, đỗ đại học, đem niềm vui về cho cha mẹ.
|
Phước xuất thân trong một gia đình còn nghèo khó. |
Phước là con trai đầu trong một gia đình có 4 anh em. Cha Phước là ông Nguyễn Đình Toản làm công nhân tại trạm thủy điện Phú Ninh. Mẹ là bà Trần Thị Thu Thủy bán tạp hóa nhỏ.
Nguồn thu nhập chỉ đủ chi phí nuôi 4 đứa con qua ngày. Vì thế để cho các con đi học, cha mẹ Phước phải thức khuya dậy sớm, đi vay đi mượn khắp nơi.
“Em nhất định sẽ thi đỗ đại học…”. Câu nói đầy quyết tâm của Phước như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và như minh chứng cho mọi người thấy rằng “tàn nhưng không phế”.