Tối 16/4, sau buổi họp của ban giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Sở GD-ĐT đã thống nhất về phương thức tuyển sinh lớp 6 năm học 2015-2016 của các trường trên địa bàn thành phố.
Đây là những trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học nhiều năm liên tục gần đây đều có số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu được phê duyệt và thường áp dụng phương thức tuyển sinh là thi tuyển. Tuy nhiên, từ năm học 2015-2016, Bộ GD-ĐT đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm việc tổ chức thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 6.
Để thực hiện quy định này, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường xây dựng phương án tuyển sinh để trình Sở GD-ĐT xem xét. Trước khi thống nhất về các phương án tuyển sinh của các trường, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã xin ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, giáo viên các nhà trường.
|
Ảnh minh họa. |
Hà Nội có 627 trường THCS và trường phổ thông có cấp THCS. Trong số 6 trường gửi đề xuất về phương thức tuyển sinh lớp 6, Sở GD-ĐT Hà Nội thống nhất với phương án tuyển sinh của 3 trường: Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh và Marie Curie. Cụ thể, năm học 2015-2016, trường Nguyễn Tất Thành (thuộc trường ĐH sư phạm) đề xuất phương thức tuyển sinh lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực HS. Sở GD-ĐT nhận thấy phương án này là phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hiện nay. Đây cũng là vấn đề mà các trường thuộc hệ thống sư phạm phải đi tiên phong, vì vậy sau khi xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý giáo dục và nhiều giáo viên, Sở GD-ĐT thống nhất với đề xuất này của trường Nguyễn Tất Thành. Phương án của trường Lương Thế Vinh và trường Marie Curie là xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực HS thông qua việc tổ chức các trò chơi trí tuệ. Theo Sở GD-ĐT, đây là các trường ngoài công lập, có thể chủ động trong tổ chức tuyển sinh và cũng là những đơn vị có môi trường phù hợp để thực hiện theo phương thức này.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cũng cho biết, trừ 3 trường đã đề cập ở trên, các trường còn lại trên địa bàn Hà Nội đều phải thực hiện theo đúng phương thức do Bộ GD-ĐT quy định là xét tuyển để tuyển HS vào lớp 6, kể cả trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Được biết, phương án đề xuất của trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam là xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực đa trí tuệ của HS. Theo nhận định của Sở GD-ĐT, đây là phương án tuyển sinh được sử dụng ở nhiều nước tiên tiến và có nhiều ưu điểm, song sau khi nghiên cứu và ghi nhận các ý kiến góp ý, Sở GD-ĐT nhận thấy cần có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ hơn về các điều kiện để triển khai, vì vậy nên trong năm học 2015-2016, việc tuyển sinh vào lớp 6 của trường THPT Hà Nội-Amsterdam thực hiện theo phương thức xét tuyển.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, các bài kiểm tra năng lực hoặc đo chỉ số IQ, EQ sẽ không giống hoàn toàn phương thức đánh giá của nước ngoài mà sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với học sinh. Đánh giá chủ yếu dựa trên những gì trẻ được học, được vui chơi ở bậc tiểu học. Do đó, các phụ huynh không nên tạo áp lực lên các con và cho chính bản thân mình.
Và để làm được điều này, Sở GDĐT Hà Nội cho biết sẽ mời các nhà khoa học, các nhà giáo, quản lý giáo dục đánh giá, đồng thời tham khảo góp ý của dư luận nhằm tìm ra phương án tuyển sinh khả thi, hiệu quả, an toàn trên toàn thành phố.
Theo kế hoạch, sau khi đã thống nhất phương án tuyển sinh cụ thể cho từng trường như ở trên, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ làm tờ trình báo cáo UBND thành phố Hà Nội phê duyệt về phương án tuyển sinh lớp 6 của các trường. Nếu được UBND thành phố chấp thuận, đây sẽ là phương thức để các trường áp dụng trong công tác tuyển sinh HS lớp 6 năm học 2015-2016.
Phương án tuyển sinh dự kiến của các trường chuyên, trường điểm:
Trước đó, theo yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường THCS trên địa bàn đã chốt phương án tuyển sinh vào lớp 6 trình Sở phê duyệt.
Dưới đây là thông tin về phương án tuyển sinh vào lớp 6 mà một số trường chuyên, điểm gửi tới Sở GD-DDT Hà Nội:
Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam sẽ tập trung vào việc phát hiện năng lực của học sinh theo các dạng thông minh.
Bài test không đo lường khối lượng kiến thức của học sinh tiểu học được nhận mà tập trung vào việc đánh giá năng lực trong quá trình sử dụng kiến thức, vận dụng kiến thức trong thực tế cuộc sống để biến thành năng lực của mỗi cá nhân. Bài test này đảm bảo việc phát hiện, đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện của người học.
Mỗi học sinh sẽ phải thể hiện năng lực của mình trên bài test trong vòng 45 phút dưới dạng viết, sẽ phát hiện các mặt trí tuệ năng lực sau: ngôn ngữ, không gian hình ảnh; logic, sáng tạo; cơ thể và tri giác vận động, nội tâm bao gồm cả hành vi và thái độ cá nhân, giao tiếp, âm nhạc.
Trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) dự kiến sẽ tổ chức “Ngày trải nghiệm”, qua đó cho các em hoạt động nhóm, chơi trò chơi phát triển trí tuệ thể hiện mình.
Trong quá trình đó, trẻ sẽ bộc lộ hành vi, thái độ, năng lực của mình, qua đó giúp trường có thể đánh giá. “Những người làm công tác giáo dục, hiểu tâm lý học sinh chỉ cần nhìn ánh mắt có thể hiểu được trẻ. Ví dụ với trẻ tự kỷ, chỉ cần thông qua cách tô màu khi trẻ vẽ bức tranh có thể cho thấy trẻ vấn đề về tâm lý”, bà Thúy chia sẻ.
Về phần kiểm tra kiến thức, trường này sẽ sử dụng phương án dùng bài đo chỉ số thông minh, năng lực và vượt khó (EQ, IQ). Và để phương án này được khách quan, công bằng và khoa học, trường dự kiến sẽ mời Viện Khoa học Giáo dục phối hợp thực hiện các bài đo các chỉ số này.
Ngoài ra, lãnh đạo trường THCS Nguyễn Siêu cũng sẽ kết hợp việc phỏng vấn trực tiếp học sinh với môn tiếng Anh, chú trọng vào kỹ năng nghe và phản xạ tiếng Anh của trẻ. Được biết, công tác này sẽ do các chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm.
Trường THCS Lương Thế Vinh tổ chức khảo sát có tính chất trắc nghiệm để kiểm tra nhận thức của học sinh về tất cả mọi lĩnh vực, gồm: gia đình, xã hội, nhận biết, áp dụng, IQ...
Hệ thống câu hỏi sẽ là tất cả những gì mà ở lứa tuổi các em có thể biết, thậm chí có một số câu hỏi chưa cần học đến lớp 5 vẫn có thể trả lời nếu nhận thức khá tốt.
Theo giải thích của thầy Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường, mẫu câu hỏi của khảo sát này có thể hình dung đơn giản giống như mẫu và hệ thống câu hỏi ở chương trình “Ai là triệu phú”, đầu sẽ là những câu hỏi dễ nhất, sau đó sẽ nâng dần độ khó ở những câu hỏi sau.
Tuy nhiên, hệ thống câu hỏi sẽ không quá khó mà phù hợp với chương trình học, lứa tuổi của học sinh. Ngoài ra, còn có thêm một số câu hỏi sẵn rồi học sinh sẽ chỉ trả lời đúng hoặc sai, hoặc một số câu các em nhận thức vấn đề như thế nào thì viết phần trả lời ra phía dưới.
Thầy Cương cũng cho hay, hệ thống câu hỏi sẽ khoảng từ 25-30 câu, học sinh sẽ có một giờ đồng hồ để hoàn thành bài khảo sát.
Trường THCS Cầu Giấy dự kiến trước hết sẽ tuyển thẳng những học sinh đạt giải ba trở lên cấp thành phố; cấp quận các môn thi do ngành GDĐT tổ chức (như Olympic tiếng Anh, toán qua mạng internet, tiếng Anh qua mạng internet, Tin học trẻ) và đạt huy chương cá nhân cấp thành phố các môn thể thao, văn nghệ, mỹ thuật do ngành GDĐT tổ chức.
Phần lớn chỉ tiêu còn lại sẽ xét tuyển theo học bạ với những tiêu chí như: điểm tổng kết năm học các năm ở tiểu học; điểm môn văn, toán; những nhận xét cụ thể của giáo viên. Quá trình xét học bạ sẽ ưu tiên học sinh đoạt giải trong cuộc thi cấp trường, giải khuyến khích ở các cuộc thi cấp quận, cấp thành phố...