Nghe á hậu Thụy Vân kể nỗi vất vả của nghề truyền hình

Google News

Á hậu Thụy Vân chia sẻ, chọn nghề truyền hình phải hy sinh nhiều cho nghề, phải say mê, nhẫn nại, sáng tạo, dấn thân, thậm chí có khi còn… bị ế.

Nghe BTV, MC, Á hậu Thụy Vân (VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam, Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008) chia sẻ về nghề truyền hình, một nghề hấp dẫn được nhiều bạn trẻ yêu thích. 
- Là biên tập viên (BTV), MC truyền hình được nhiều người yêu mến, theo Thụy Vân, nghề này đòi hỏi những tố chất gì?
- BTV cũng như nhiều nghề khác, trước tiên, đòi hỏi đam mê. Không đam mê, bạn sẽ không thể đi đến cùng giấc mơ nghề nghiệp. Sau đó, BTV phải nhạy bén thông tin, tư duy tổng hợp, khả năng truyền tải thông tin đến số đông, cuối cùng mới là hình thức, nếu bạn lên hình.
Nhiều bạn trẻ nghĩ, phải có hình thức đẹp, khuôn mặt xinh, mới có thể lên hình. Thực tế, hình thức không quá quan trọng, nếu điều bạn nói với khán giả quá hấp dẫn!
- Thụy Vân phải hy sinh những gì khi theo nghề?
- Mọi người làm truyền hình đều biết phải hy sinh thời gian, không thể làm 8 tiếng như nhân viên văn phòng. Họ sẵn sàng tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi; dám đối đầu nguy hiểm để tiếp cận thông tin. Vì nghề, họ phải hi sinh cả những giây phút riêng tư của bản thân, gia đình, thậm chí không có nghỉ lễ.
Nghe a hau Thuy Van ke noi vat va cua nghe truyen hinh
BTV, MC Thụy Vân.  
- Đam mê nghề này, bạn trẻ phải đối mặt những khó khăn, thử thách như thế nào?
- Khó khăn trước tiên với những người “tay ngang” như Thuỵ Vân chính là kỹ năng và nghiệp vụ báo chí. Có những vấn đề báo chí tiếp cận không thể theo cảm xúc, nhưng thông tin số đông quan tâm lại chính là sự việc liên quan con người. Vì vậy, lựa chọn thông tin, lựa chọn cách tiếp cận thông tin là khó khăn đầu tiên.
Giữa guồng quay làm việc của Ban thời sự và giờ là của VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam, đôi khi Thụy Vân thấy mình bị chậm, bởi mọi người đều nỗ lực liên tục để chương trình đã lên sóng phải đáng xem. Áp lực luôn xuất hiện trong công việc.
Tiếp đó, sự sáng tạo, đổi mới liên tục khiến các thành viên phải không ngừng tư duy, làm việc nhóm! Mọi thứ không được cũ, không được lặp lại, từ hình ảnh, nội dung đến sự thể hiện từng câu, từ.
Nếu bạn trẻ quan tâm nghề báo hình nói chung, BTV nói riêng, hãy chú ý những yếu tố được đúc rút từ thực tế trên. Đam mê và sở trường là khác nhau. Bạn đam mê nghề không đồng nghĩa có sở trường, cũng như tố chất, năng lực bản thân đáp ứng được yêu cầu thực tế của nghề. Bạn hãy cân nhắc kỹ.
- Bạn trẻ phải chuẩn bị những gì cho hành trang đến với nghề BTV truyền hình?
- Say mê, nhẫn nại, sáng tạo, dấn thân.
- Theo Thụy Vân, trường nào ở Việt Nam đào tạo BTV truyền hình tốt?
- Thực ra, trường nào không quan trọng, mà tuỳ từng người, tố chất, tuỳ đam mê thôi! Chúng ta từng thấy nhiều BTV “tay ngang” rồi phải không!
- Lời khuyên của Thụy Vân cho những học sinh muốn theo nghề BTV truyền hình?
- Trước khi đặt bút chọn nghề, các bạn hãy tự vấn bản thân có tính cách, năng lực đáp ứng yêu cầu thực tế của nghề không? Đừng lựa chọn theo đam mê trước mắt hay “mốt thời thượng”, bởi học và làm nghề là cả một hành trình dài nhiều thử thách. Chỉ có năng lực thực sự trên nền tảng đam mê sâu sắc mới đảm bảo bạn thành công với nghề đã chọn.
Các bạn hãy hỏi mình: Có sẵn sàng đi đêm về hôm với thông tin? Đã sẵn sàng đối đầu nguy hiểm? Đủ nhẫn nại để đi tìm sự thật của thông tin? Luôn muốn làm mới chính mình? Thậm chí, các bạn trẻ dám chấp nhận mình có thể ế? (Cười).
- Cảm ơn Thụy Vân!
Theo Zing

Bình luận(0)