Các hình ảnh mới công bố trên trang mạng Aereo cho thấy một số máy bay tiêm kích biến thể J-10B mới sản xuất đã được chuyển giao cho Không quân Trung Quốc. Trong khi đó, nguồn tin từ tạp chí quốc phòng Khán Hòa cho biết, khoảng 10 chiếc tiêm kích J-10B đóng tại một sân bay không xác định tại Trung Quốc.
Tạp chí Khán Hòa cho biết thêm, quá trình sản xuất tiêm kích J-10A được cho là đã hoàn thành vào cuối năm 2014. Bước sang năm 2015, sẽ bắt đầu sản xuất biến thể hiện đại hóa J-10B. Biến thể này dự định sẽ sử dụng động cơ phản lực WS-10 do công ty Taihang sản xuất tại Trung Quốc.
|
Trung Quốc không thể chủ động đẩy nhanh tốc độ sản xuất J-10B do phải phụ thuộc vào Nga.
|
Tuy nhiên, loại động cơ nội địa này vẫn chưa sẵn sàng để trang bị nên J-10B phải tiếp tục sử dụng động cơ AL-31F nhập khẩu từ Nga. Do phụ thuộc vào động cơ nhập khẩu từ Nga nên Trung Quốc không thể sản xuất biến thể J-10B với số lượng lớn.
Tiêm kích J-10B là biến thể hiện đại hóa sâu rộng từ J-10A. Các sửa đổi quan trọng gồm, thiết kế lại cửa hút không khí theo kiểu khuếch tán siêu âm DSI thay cho cửa hút không khí hình chữ nhật lúc trước. Bổ sung thêm hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại IRST. Nâng cấp hệ thống điện tử, một số tin đồn cho rằng, biến thể này sẽ được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA.
Biến thể hiện đại hóa J-10B sẽ kết hợp với biến thể J-10A đang có trong biên chế Không quân Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều khả năng J-10B sẽ được sử dụng với vai trò không đối hạm trên biển, vai trò này đang do các tiêm kích Su-30MK2 mua từ Nga đảm nhận.
Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Wu Shengli cho rằng, tiêm kích đa năng J-10B sẽ hiệu quả hơn so với các tiêm kích F-16 của Đài Loan trong một trận không chiến trên biển nếu có.