Theo trang mạng của Trung Quốc, nước này đã triển khai tiêm kích hạm J-15, có thể cất cánh từ boong phóng kiểu nhảy cầu trên tàu Liêu Ninh. Còn tiêm kích tàng hình J-31 đang được phát triển có thể sử dụng trên tàu sân bay tương lai và cất cánh sử dụng máy phóng điện từ, trong khi J-18 chắc chắn sẽ cất cánh từ tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 – tàu đổ bộ lớn nhất của Hải quân Trung Quốc.
Tạp chí Đánh giá Quốc phòng Quốc tế cho biết thêm, J-18 được trang bị 2 động cơ phản lực có điều khiển véc tơ lực đẩy. Mặc dù vậy vẫn chưa biết liệu J-18 có đi theo lối thiết kế nâng của tiêm kích F-35B hay Yak-141. Đây là những loại tiêm kích độc đáo thiết kế động cơ đặc biệt cho phép nó cất hạ cánh theo phương thẳng đứng như trực thăng, hoặc cất cánh đường băng rất ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
|
Hình đồ họa J-18.
|
Những hình ảnh về J-18 đã xuất hiện trên một số trang mạng Trung Quốc với kiểu cánh mũi và thiết kế tàng hình cao.
Một số nguồn tin cho rằng, J-18 là kiểu máy bay mới đang được Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) nghiên cứu, phát triển. Trong một cuộc triển lãm trước đây, Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương (SAC) đã trưng bày mô hình tiêm kích tàng hình kỳ lạ mà được giới phân tích cho là J-18.
“J-18 có hệ thống radar mạng pha chủ động lade, 2 động cơ phản lực có điều khiển véc tơ lực đẩy và thiết kế siêu tàng hình, thậm chí có thể vượt trội mẫu tiêm kích tàng hình hiện tại do Mỹ chế tạo (F-22, F-35)”, tờ Defense Review (trụ sở ở Washington) viết.
Rõ ràng muốn cho J-18 cất cánh trên sân bay vốn chỉ dành cho trực thăng trên tàu đổ bộ Type 071 thì J-18 phải có thiết kế tương tự như F-35B hay Yak-141 của Nga. Tuy nhiên, để máy bay cất cánh thẳng đứng thì đòi hỏi rất cao ở phần động cơ, mà hiện tại thì Trung Quốc vẫn chưa làm chủ hoàn toàn công nghệ phát triển động cơ hàng không. Ngay cả tiêm kích tàng hình J-20 hay J-31 có vẻ vẫn phải dùng động cơ Nga, hay như tiêm kích J-10, J-11 cũng vậy.
|
Để cất hạ cánh thẳng đứng, Yak-141 của Nga trang bị động cơ phản lực với vòi phun có thể đồi chiều.
|
Thậm chí, như máy bay ném bom chiến lược H-6, trước đây Trung Quốc nỗ lực trang bị động cơ nội cho dòng máy bay này. Nhưng tới biến thể mới nhất, H-6K, Trung Quốc phải quay trở lại dùng động cơ Nga mới cho phép cải tiến khả năng mang thêm vũ khí, tầm bay.
Trong khi đó, các loại động cơ dành cho máy bay cất hạ cánh thẳng đứng là hết sức phức tạp. Các nước đã từng phát triển thành công loại động cơ này cho tiêm kích F-35B, Yak-141 hay nổi tiếng nhất là AV-8 Harrier đều phải rất vất vả, chịu tổn thất không ít.
Rõ ràng, những tuyên bố trang bị J-18 cho tàu đổ bộ Type 071 của chuyên gia Trung Quốc mang tính “ước mơ” nhiều hơn là sự thật ở thời điểm này hay là vài năm tới.