Tiết lộ thông số siêu hạm tàng hình của Hải quân Myanmar

Google News

(Kiến Thức) - Tàu hộ vệ tàng hình Sin Phyu Shin (F14) dài khoảng 106m, trang bị hệ thống điện tử - vũ khí kết hợp giữa Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Tạp chí quân sự Jane’s cho hay, Hải quân Myanmar vừa chính thức đưa vào trang bị tàu hộ vệ tàng hình thứ hai do nước này tự phát triển mang tên UMS Sin Phyu Shin (F14) vào cuối năm 2015 nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Hải quân 24/12.
Lễ bàn giao UMS Sin Phyu Shin còn có sự tham dự của Tư lệnh lực lượng Vũ trang Myanmar Tướng Min Aung Hlaing, trước đó tướng Min Aung Hlaing cũng trực tiếp đến kiểm tra các tàu tuần tra cao tốc OPV mới được Hải quân Myanmar đưa vào trang bị hay đến cơ sở hạ tầng tại một căn cứ hải quân ở thành phố cảng Thanlyin.
Hiện tại có rất ít thông tin về chương trình phát triển và đóng mới tàu hộ vệ  tàng hình của Hải quân Myanmar vốn được khởi động từ năm 2005. Với các mẫu tàu đầu tiên gồm Aung Zeya (F11) được đưa vào trang bị từ năm 2010 và Kyan-Sit-Thar (F12) vào năm 2014, trong khi đó tàu Sin Phyu Shin được bắt đầu đóng mới vào năm 2010.
 Tàu hộ vệ tàng hình Sin Phyu Shin (F14) của Hải quân Myanmar tại buổi lễ bàn giao vào hôm 24/12.
Không giống như tàu Aung Zeya (F11), cả Kyan-Sit-Thar (F12) và Sin Phyu Shin (F14) đều có thiết kế thượng tầng khá lớn với hai cột tháp radar chính, bên cạnh đó chúng cũng được trang bị một nhà chứa trực thăng. Dòng tàu hộ vệ mang tên lửa này của Myanmar có chiều dài khoảng 106m và rộng 13.5m, tất cả tàu hộ vệ do Myanmar tự phát triển đều sử dụng mẫu động cơ Pielstick 16 (PA6 STC) do Công ty chế tạo động cơ Thiểm Tây của Trung Quốc sản xuất.
Hệ thống trang thiết bị điện tử chính trên mẫu tàu hộ vệ này là radar RAWL-02 do Ấn Độ sản xuất được phát triển dựa trên mẫu radar giám sát LW-08 của Thales, trong khi đó hệ thống radar điều khiển hỏa lực lại là của Trung Quốc với mẫu radar Type 47 và Type 362. Và cuối cùng là hệ thống định vị thủy âm HMS-X cũng của Ấn Độ.
Còn về hệ thống vũ khí trên Kyan-Sit-Thar (F12) và Sin Phyu Shin (F14) gồm 1 hải pháo chính Oto Melara 76mm, 3 tổ hợp pháo đánh chặn tầm gần NG-18 của Trung Quốc và tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn do Triều Tiên chế tạo. Bên cạnh đó nhiều khả năng các tàu hộ vệ này còn sẽ được trang bị tên lửa chống hạm C-802 do Trung Quốc phát triển.
Tuấn Đặng

Bình luận(0)